- Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị khẳng định không có cơ sở để nói Thỏa thuận về nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển được Việt Nam và Trung Quốc ký kết trong chuyến thăm chính thức của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa qua là "một bước rút khỏi DOC".


Tôn trọng tinh thần DOC


Ông Nghị đưa ra bình luận trên tại cuộc họp báo thường kỳ chiều nay (20/10), khi phóng viên đề cập đến bình luận của một số báo chí nước ngoài nói Thỏa thuận về nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc là "một bước" rút khỏi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và cho rằng Việt Nam - Trung Quốc đã thỏa thuận sẽ giải quyết song phương các tranh chấp ở Biển Đông, kể cả đối với những khu vực đang tranh chấp giữa nhiều bên.

Dẫn điểm 3 của Thỏa thuận, người phát ngôn nêu rõ: "Việt Nam và Trung Quốc đã thống nhất chỉ giải quyết song phương các tranh chấp trên biển giữa Việt Nam - Trung Quốc; các tranh chấp liên quan đến các nước khác sẽ tiến hành hiệp thương với các nước đó để giải quyết".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị.
        Ảnh: Minh Thăng
  
"Điều này hoàn toàn phù hợp với Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và quan điểm nhất quán của Việt Nam về cách thức giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông. Đó là: những tranh chấp chỉ liên quan đến hai nước sẽ được giải quyết song phương giữa hai nước liên quan; những tranh chấp liên quan đến nhiều nước sẽ được trao đổi, giải quyết giữa tất cả các nước có liên quan; những vấn đề có tính chất khu vực hoặc toàn cầu cần phải có cách tiếp cận giải quyết đa phương thích hợp. Do đó ý kiến cho rằng Thỏa thuận nêu trên là một bước rút khỏi DOC là không có cơ sở” - ông Nghị phát biểu.

Ông Lương Thanh Nghị nhấn mạnh việc ký kết Thỏa thuận về nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển có ý nghĩa hết sức quan trọng, là bước tiến tích cực trong quá trình đàm phán giải quyết các vấn đề trên biển. Thỏa thuận đã xác định các nguyên tắc cơ bản định hướng cho việc giải quyết vấn đề tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và tính đến lợi ích của các bên liên quan.

Để có thể tìm kiếm một giải pháp quá độ tạm thời hay giải pháp lâu dài cho các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, ông Nghị cho rằng cần đòi hỏi nỗ lực và thiện chí của cả hai bên, cần tôn trọng và nghiêm chỉnh thực hiện các nguyên tắc của Luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) như đã được nêu trong Thỏa thuận.

Cũng ở cuộc họp báo, phóng viên Financial Times của Anh đã đặt câu hỏi về nội dung dự thảo Luật Biển Việt Nam. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị cho hay, như các quốc gia ven biển khác, việc Việt Nam xây dựng bộ luật điều chỉnh các hoạt động kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng liên quan đến biển là việc "cần thiết và bình thường", phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển đất nước.

                 Hoạt động đối ngoại nổi bật:

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao chiều 20/10, nhận lời mời của Tổng thống Benigno S.Aquino III, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ thăm Philippines từ 26 - 28/10 tới.        

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị cho hay, chuyến thăm nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác nhiều mặt nhân kỷ niệm 35 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

Chủ tịch nước sẽ cùng lãnh đạo Philippines trao đổi phương hướng thúc đẩy hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, văn hoá cũng như các vấn đề quốc tế.        

Theo Bộ Ngoại giao, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ thăm chính thức Nhật Bản từ 30/10 - 2/11.       

Thủ tướng sẽ cùng lãnh đạo Nhật Bản trao đổi các biện pháp triển khai các thỏa thuận được nêu trong Tuyên bố chung Việt Nam - Nhật Bản ký tháng 10/2010 về phát triển toàn diện quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á, như hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng ở Việt Nam, hợp tác về thương mại, đầu tư, năng lượng...        

        
Chung Hoàng