- Dự thảo Luật tố cáo bổ sung các hình thức tố cáo bằng thư điện tử, fax, tố cáo bằng lời qua điện thoại, bằng tài liệu nghe được, nhìn được..

Tại phiên họp sáng nay (12/10), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận về hai dự án: Luật khiếu nại và Luật tố cáo.

Không thể khiếu nại Thủ tướng

Dự thảo Luật khiếu nại đưa ra quy định theo hướng người có trách nhiệm tiếp dân sẽ phải ghi nhận ý kiến của công dân để chuyển đến cơ quan có thẩm quyền. Dự thảo cũng quy định rõ hơn về quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo cũng như trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý: Nhận đơn thư tố cáo theo hình thức nào cũng phải xem xét. Ảnh: Lê Anh Dũng
Tuy nhiên, theo Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, cần xây dựng một cơ chế "một cửa" hợp lý để mỗi khi người dân đến gửi đơn thư tại trụ sở tiếp dân cũng được nhận giấy hẹn và sau đó quay lại nhận kết quả trả lời của cơ quan chức năng.

Như nhiều thành viên UBTVQH phân tích, lâu nay, trụ sở tiếp dân chỉ làm nhiệm vụ "kính chuyển". Để rồi sau đó, đơn thư được giải quyết ra sao, kết quả thế nào người dân vẫn không được biết.

"Nếu đơn khiếu nại cứ được chuyển đi mà không ai giải quyết thì người dân sẽ mất lòng tin... Cần xây dựng một chế tài xử lý trong trường hợp cơ quan chức năng không trả lời khiếu nại của dân", ông Nguyễn Sinh Hùng nêu ý kiến.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu giải thích, ngay trong luật giám sát của Quốc hội cũng quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn tiếp công dân của các cơ quan như ủy ban, Hội đồng Dân tộc. Ngoài việc chuyển đơn thư, các cơ quan này còn phải có trách nhiệm đôn đốc, giám sát việc giải quyết. Tuy nhiên, đây là quy định trong luật, còn cơ chế thực hiện và giám sát trách nhiệm ra sao lại chưa được làm rõ.

Theo báo cáo của UBTVQH, trong quá trình tiếp nhận ý kiến từ các đoàn ĐBQH, có một số ý kiến cho rằng, ngay cả Thủ tướng Chính phủ cũng có những quyết định hành chính, hành vi hành chính có thể bị khiếu nại. Tuy nhiên, pháp luật về khiếu nại hiện hành cũng như dự thảo Luật chưa có quy định về cơ chế giải quyết khiếu nại với Thủ tướng.

UBTVQH cho rằng, theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, Thủ tướng là người đứng đầu Chính phủ. Các quyết định hành chính, hành vi hành chính của Thủ tướng là để lãnh đạo, quản lý, điều hành hoạt động chung của Chính phủ ở tầm vĩ mô, không tác động trực tiếp đến một cá nhân cụ thể nào nên không thể bị công dân khiếu nại.

Mặt khác, Luật tố tụng hành chính cũng không quy định về thẩm quyền của Tòa án trong giải quyết khiếu kiện với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Thủ tướng. Vì vậy, không cần quy định trong luật vấn đề này.

Không giải quyết đơn thư nặc danh

Liên quan đến dự án Luật tố cáo, sau nhiều phiên thảo luận và cân nhắc giữa nhiều ý kiến khác nhau, UBTVQH đã thống nhất quy định không giải quyết đơn thư tố cáo nặc danh.

Như vậy, đơn thư tố cáo phải nêu rõ tên tuổi, địa chỉ nhằm tránh trường hợp một số người lợi dụng quyền tố cáo để tố sai sự thật, không căn cứ, gây phức tạp, mất đoàn kết nội bộ và mất thời gian xác minh.

Ngoài ra, dự thảo luật đã bổ sung các hình thức tố cáo bằng thư điện tử, fax, tố cáo bằng lời qua điện thoại, bằng tài liệu nghe được, nhìn được.
Ông Phan Trung Lý giải thích, khi nhận tố cáo dù theo bất cứ hình thức nào, cơ quan có thẩm quyền đều phải tiến hành xem xét, đánh giá, phân tích thông tin. Thực tế, nhiều cơ quan, tổ chức đã phát huy tốt hình thức tiếp nhận đơn thư qua đường dây nóng.

Tuy nhiên Ủy ban cũng đề xuất quy định chế tài răn đe để ngăn ngừa việc một số cá nhân lợi dụng việc mở rộng hình thức tố cáo để phát tán đơn thư lên các trang mạng, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín cá nhân, trong đó có các lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Cả hai dự án luật sẽ tiếp tục được hoàn thiện để trình ra Quốc hội tại kỳ họp cuối năm.

Lê Nhung