(TuanVietNam) - Văn bản quản lý của chúng ta thì nhiều, nhưng chế tài thì lại quá yếu, thực thi luật pháp không hiệu quả. Thành ra có những khi người ta chấp nhận nộp phạt để được vi phạm, vì cái lợi nhuận họ đạt được vượt xa con số mà họ phải nộp.

Trước những biến tướng, và sự ồ ạt xâm lấn của văn hóa lai căng, những hiện tượng phản văn hóa tràn lan đang băng hoại truyền thống, thuần phong mỹ tục của văn hóa dân tộc, một vấn đề cần phải đặt ra là vai trò quản lý của Nhà nước đối với văn hóa.

Tự đặt ra câu hỏi, quản lý Nhà nước đối với văn hóa như thế nào mà vẫn để những hiện tượng phản văn hóa ngang nhiên tồn tại thách thức cơ quan quản lý và công luận. Hay là đã đến lúc chúng ta cần phải thay đổi tư duy quản lý văn hóa.

Pháp luật chỉ tồn tại trên giấy tờ?

Hiện tượng phản văn hóa tràn lan trên các phương tiện thông tin đại chúng, một phần là do khâu quản lý văn hóa của chúng ta còn yếu. Nhưng yếu ở chỗ nào?

Thứ nhất, quản lý văn hóa còn mang nặng tính "xin-cho". Chính cái cơ chế "xin-cho" này là nguồn gốc phát sinh tiêu cực. Hơn thế nữa, cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa lại quá ôm đồm.

Với nhân lực vừa thiếu, vừa yếu lại đòi quản một lĩnh vực rộng như vậy thì làm sao có thể quản lý nổi. Thử hỏi, Cục
nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch có đủ nhân lực để đi kiểm tra hết tất cả các hoạt động nghệ thuật biểu diễn trên toàn quốc?

Tư duy quản lý phổ biến là "xin-cho", cái gì mình cũng phải biết, phải cho phép. Thành ra là quản mà như không quản vì có cho quản cũng không thể quản được.

Tư duy quản lý văn hóa của chúng ta lại theo kiểu "không quản được thì cấm", thành ra đánh đồng tất cả, làm ảnh hưởng tới cơ hội hưởng thụ văn hóa của người dân và cơ hội phát triển văn hóa của những người làm văn hóa chân chính.

Cần phải thay đổi tư duy quản lý này, bằng một khuôn khổ pháp lý, trong đó khuyến khích sự phát triển của mọi loại hình văn hóa, và xử lý những biến tướng văn hóa một cách nghiêm khắc.

Văn bản quản lý của chúng ta thì nhiều, nhưng chế tài thì lại quá yếu, thực thi luật pháp không hiệu quả. Thành ra có những khi người ta chấp nhận nộp phạt để được vi phạm, vì cái lợi nhuận họ đạt được vượt xa con số mà họ phải nộp.

Điều này rất nguy hiểm bởi nó sẽ tạo ra một cách hành xử coi thường pháp luật, đứng trên cả pháp luật. Về lâu dài, khiến người ta "nhờn" pháp luật. Biến pháp luật thành một thứ hình  thức trên giấy tờ là chính.

Có những khi người ta chấp nhận nộp phạt để được vi phạm. Ảnh minh họa

Đâu là thước đo?

Với một tác phẩm văn hóa, ranh giới giữa cái đẹp hay xấu, hở hay không hở, nghệ thuật hay dung tục, phù hợp hay không phù hợp là mỏng manh và mang tính chủ quan tùy theo đối tượng tiếp nhận.

Chính vì lẽ đó, dễ dàng nhận thấy các ca sỹ, những người làm nghệ thuật tung ra những bộ ảnh dung tục, những phát ngôn bừa bãi, thô thiển, lại ra sức biện minh cho các hiện tượng phản thẩm mỹ đó.

Mặc dù bị số đông công chúng phản đối, họ không biết xấu
hổ, hay hổ thẹn, thậm chí còn quay sang đôi co, chỉ trích lại khán giả với thái độ coi thường, thiếu tôn trọng.

Việc có những quan điểm trái chiều về một tác phẩm văn hóa là điều dễ hiểu, vì phông văn hóa và kiến thức cảm thụ văn hóa của mỗi người khác nhau. Nhưng không phải vì thế mà những người "sản xuất" ra sản phẩm phản văn hóa lại có thể lý luận, biện minh.

Việc phân định đúng sai, phù hợp hay không phù hợp, phản cảm hay nghệ thuật không nên chỉ trao cho 1 lãnh đạo, hay 1 vụ, cục quản lý nào. Bởi lẽ nó dễ dẫn đến những đánh giá chủ quan của người quản lý. Việc này nên để cho công chúng, trước hết là các chuyên gia am hiểu lĩnh vực, tiếp đó là những người trực tiếp hưởng thụ các tác phẩm đánh giá.

Đánh giá dựa trên số đông của công chúng có trình độ am hiểu, khách quan sẽ là thước đo để cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra quyết định xử phạt dựa trên khuôn khổ pháp lý nghiêm minh.

Vai trò của truyền thông, báo chí

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để đo lường được phản hồi của công
chúng? Tôi cho rằng, đây là vai trò quan trọng của các đơn vị truyền thông, báo chí. Với nhiệm vụ đưa tin về các hoạt động văn hóa nghệ thuật diễn ra hàng ngày trên khắp cả nước, các đơn vị truyền thông, báo chí là nơi đưa thông tin văn hóa tới độc giả một cách nhanh chóng nhất.

Các cơ quan báo chí có vai trò phát hiện những hiện tượng văn hóa lệch lạc, lai căng, phản văn hóa để các cơ quan quản lý Nhà nước xử lý. Cơ quan truyền thông báo chí như là cánh tay nối dài của
cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa.

Ở đây, cũng phải nhấn mạnh tới việc một số cơ quan truyền thông, báo chí nhiều khi lại trở thành nơi truyền bá những hiện tượng phản văn hóa đến với công chúng. Điều này vô hình chung đã làm cho hiện tượng phản văn hóa đó có cơ hội "hành hạ" đa số công chúng.

Ró ràng, vai trò của cơ quan truyền thông, báo chí là phải hoạt
động như một "bộ lọc" văn hóa, loại trừ ngay từ đầu những thứ phi văn hóa, phản văn hóa, không cho phép đăng tải lên trang báo của mình những thứ vốn dĩ đã là "rác rưởi" văn hóa.

Cái này đòi hỏi phải có một cơ chế quản lý, sàng lọc tin tức và quan trọng hơn cả là cái tâm và cái đức của người làm báo. Ngăn chặn việc giới văn nghệ sĩ mua chuộc, thao túng nhà báo, biến các đơn vị truyền thông, báo chí thành công cụ PR để lăng xê bản thân.

Điều này đòi hỏi mỗi một đơn vị truyền thông, báo chí phải xây dựng một bộ quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp và nâng cao
mức sống của anh em đội ngũ phóng viên.
Với vai trò quản lý Nhà nước về hoạt động văn hóa nghệ thuật, xin đề xuất với Bộ Văn hóa - Thể thao - du lịch những giải pháp sau:

1. Xây dựng khuôn khổ pháp lý về quản lý văn hóa theo tư duy mới, xóa bỏ cơ chế "xin-cho" nhằm giảm tiêu cực. Xóa bỏ tư duy quản lý ôm đồm. Nhiệm vụ của cơ quan quản lý là giám sát thi hành luật, chứ không phải đi cấp phép, bởi sẽ không bao giờ có đủ nhân lực để đi cấp phép văn hóa. Quản lý theo tư duy kiểu cũ thì sẽ không bao giờ bắt kịp với tốc độ phát triển của văn hóa đặc biệt trong bối cảnh hội nhập ở nước ta.
2.Có một khuôn khổ pháp lý đúng đắn chưa đủ, cần phải có 1 chế tài xử phạt đủ mạnh, đủ nghiêm khắc mang sức răn đe. Không thể xây dựng một chế tài lỏng lẻo, mức phạt thấp sẽ chỉ làm "nhờn" tính thực thi và hiệu lực của pháp luật. Cần đề xuất mức xử phạt nặng, thậm chí tước giấy phép hành nghề, cấm không cho tham gia thị trường văn hóa để chấn chỉnh hiện trạng văn hóa của nước nhà.
3.Nâng cao vai trò và thu hút sự tham gia của công chúng trong việc phát hiện và đánh giá các hiện tượng phi văn hóa, phản văn hóa. Công chúng sẽ đóng vai trò là người cầm cân nảy mực trong việc đánh giá tác phẩm văn hóa là phù hợp hay không phù hợp, là nghệ thuật hay phi nghệ thuật.

Để làm được điều này, các phương tiện truyền thông, báo chí
tăng cường tính tương tác với độc giả. Với mỗi tin bài về một hiện
tượng văn hóa, quy định rõ ràng thành luật là phải có một khảo sát đo lường đánh giá, phản hồi của công chúng thay vì chỉ đưa tin chung chung.

Dựa trên đánh giá đó mà cơ quan quản lý văn hóa sẽ đưa ra những
biện pháp xử lý nghiêm minh, nhằm ngăn chặn sự "đôi co" phí phạm thời giờ và tốn kém giấy mực, vô hình chung lại càng lăng xê những hiện tưởng phản văn hóa đó.

Trần Ngọc Thịnh