Trong khi Trung Quốc cần có những hành động phù hợp với tuyên bố vì mục tiêu hòa bình thì thế giới cần thu hút Trung Quốc vào đối thoại và cam kết quốc tế.

Vụ việc giữa tàu chiến Trung Quốc và tàu hải quân Ấn Độ ở Biển Đông cuối tháng 7 là một bước đi khác trong chiến dịch khẳng định chủ quyền hàng hải của Trung Quốc trong khu vực. Cho dù có vô số vụ chạm trán với các nước nhỏ hơn như Philippines, Việt Nam và Malaysia, nhưng Trung Quốc trước đây chưa từng thách thức một cường quốc biển khác đang trỗi dậy của châu Á.

Ảnh: foreignpolicy
Sự quả quyết của Trung Quốc trong lĩnh vực biển không còn là điều ngạc nhiên. Kinh tế tăng trưởng mạnh vừa khuyến khích và cho phép nước này thực hiện sự tiếp cận mạnh mẽ hơn để đảm bảo lộ trình cung cấp nguyên liệu thô cũng như vận chuyển hàng hải mà sự thịnh vượng trong tương lai trông chờ vào đó. Đó là chưa kể số lượng lớn chưa xác định các tài nguyên dầu thô, khí tự nhiên nằm ở sâu dưới vùng nước tranh chấp của Biển Đông khiến cho chuyện xung đột trong tuyên bố chủ quyền là không thể tránh khỏi.

Thực tế cho thấy việc tìm ra giải pháp để giải quyết tất cả các tranh chấp nói trên là rất quan trọng. Lý tưởng nhất là điều này sẽ dẫn tới việc hình thành một cơ chế đa phương để giải quyết những cạnh tranh trong tuyên bố chủ quyền của các quốc gia ven biển. Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 - mà Trung Quốc là bên tham dự - cung cấp nền tảng cho một thỏa thuận như vậy trong trường hợp của Biển Đông. Nhưng tiến trình ấy cho tới nay vẫn bị ngăn trở bởi Trung Quốc không sẵn sàng từ bỏ tuyên bố chủ quyền quá mức của họ để bên thứ ba phân xử.

Sự do dự này là một phần của những miễn cưỡng rộng lớn hơn từ phía Trung Quốc trong việc chấp nhận một hệ thống dựa trên các luật lệ toàn cầu, cho dù đó là những quy định để đối phó với biến đổi khí hậu hay những hiệp ước cùng quản lý chia sẻ các con sông. Điều này thật đáng tiếc. Là một trung tâm sản xuất với những ràng buộc kinh tế ngày càng sâu sắc với phần còn lại của thế giới, Trung Quốc được hưởng nhiều lợi ích từ sự ổn định mà hệ thống như thế cung cấp.

Với minh chứng trong quan hệ ngày càng xích lại gần hơn giữa một số nước Đông Nam Á với Mỹ có thể thấy, sự quả quyết của Trung Quốc có xu hướng khiến những quốc gia khác đoàn kết lại để phản đối nước này. Chỉ có một cách nhìn rất hẹp trong lợi ích chiến lược của Trung Quốc mới có thể đáng giá để phân tích quan điểm của họ trong hành xử tại Biển Đông.

Trong khi Trung Quốc cần có những hành động phù hợp với tuyên bố vì mục tiêu hòa bình thì thế giới cần thu hút Trung Quốc vào đối thoại và cam kết quốc tế. Khái niệm để Trung Quốc trở thành “bên liên quan có trách nhiệm” với các vấn đề thế giới có thể là nhàm chán, nhưng nó vẫn là chọn lựa tốt nhất.

Hôm 1/9, Financial Times đưa tin, một tàu chiến Trung Quốc đã đối mặt với tàu hải quân Ấn Độ ngay sau khi con tàu rời vùng biển của Việt Nam cuối tháng 7. Theo đó, 5 người biết rõ vụ việc này nói rằng, tàu chiến không nhận dạng được của Trung Quốc đã yêu cầu tàu tấn công đổ bộ của Ấn Độ mang tên INS Airavat phải tự nhận dạng và giải thích sự hiện diện tại vùng biển quốc tế.

Tuy nhiên, mới đây, Ấn Độ đã bác bỏ tin này. "Không có tàu hay máy bay Trung Quốc quan sát được từ tàu INS Airavat của Ấn Độ, con tàu này đang trong hành trình như dự định”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ấn Độ phản ứng với thông tin của Financial Times như vậy.

Vị quan chức này cho biết, một người tự xưng là “hải quân Trung Quốc” đã liên lạc với Airavat và nói “tàu đang tiến vào vùng biển Trung Quốc”. Đó là toàn bộ nội dung vụ việc xảy ra hồi tháng 7, cách bờ biển Việt Nam 45 hải lý. Vị quan chức khẳng định: “Không hề có đối đầu”.

Thái An (theo Financial Times, businessday)