Đối với người dân, bão lũ là tai ương làm xáo trộn đời sống. Nhưng với các chính trị gia, bão lũ còn là cuộc chiến để thể hiện khả năng lãnh đạo, tầm nhìn chính trị trong thời điểm nguy khốn.
         
Cơn bão Irene tràn vào miền đông nước Mỹ vừa qua đã gây thiệt hại kinh tế hàng tỉ USD, nhấn chìm nhiều thành phố và thị trấn, cướp đi sinh mạng của ít nhất 35 người.

Rút kinh nghiệm từ trận bão Katrina kinh hoàng, tàn phá khốc liệt ở New Orleans vào năm 2005 dưới thời G.Bush, Tổng thống Obama lần này không muốn lặp lại tình trạng chính phủ trở tay không kịp trước thiên tai. Ông muốn chính quyền Mỹ phải thể hiện sự chủ động, năng lực và trách nhiệm “đúng lúc, đúng chỗ”.

Bởi vậy, khi siêu bão Irene “đổ bộ” vào Mỹ, ông Obama đã lập tức rút ngắn kỳ nghỉ trên đảo Marth’s Vineyard thuộc bang Massachusetts để trở về Washington họp khẩn cấp.
Bão Irene tạo thêm “bão ngân sách” cho Mỹ. Ảnh: AP

Ông Obama cũng đích thân đi kiểm tra công tác đối phó với bão tại trụ sở Cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp liên bang (FEMA). Thành lập từ năm 1979, FEMA là cơ quan thuộc Bộ An ninh nội địa Mỹ, có chức năng điều phối công tác đối phó với những trận thiên tai vượt quá khả năng cứu trợ của các tiểu bang và địa phương. Tại FEMA, ông Obama nhanh chóng tuyên bố tình trạng thiên tai khẩn cấp ở 9 bang.


Quyết định của ông Obama cho phép sử dụng ngân sách cứu trợ liên bang, giúp trấn an người dân rằng Tổng thống đang làm tất cả để phòng chống thiên tai. Đây cũng là cơ hội để nhà cầm quyền đáp ứng kỳ vọng của người dân, cho thấy chính quyền liên bang đang làm việc, lãnh đạo đang hiện diện và thực thi nhiệm vụ công bộc của dân.

Đối với  nghị sỹ Ron Paul - ứng cử viên Tổng thống năm 2012 của phe bảo thủ Đảng Cộng hòa, cơn bão Irene lại là cơ hội giúp ông “trình làng” một quan điểm giải quyết khủng hoảng hoàn toàn khác. Ông nghị Ron Paul muốn Washington thôi việc “nhúng mũi” vào công việc của địa phương, chẳng hạn như hoạt động cung cấp viện trợ và hỗ trợ sau cơn bão Irene.

Do cách thức ứng phó bị động với bão Katrina hồi tháng 8/2005, FEMA đã gây thất vọng lớn trong công chúng. Nghị sỹ Ron Paul cho rằng cơ quan này là điển hình của thói quan liêu, lệ thuộc chính phủ. Trả lời Fox News, ông Ron Paul nói: ”Đây là chế độ kế hoạch hóa kinh tế tập trung quan liêu, với chính sách đầy khiếm khuyết”.       

Theo quan điểm của ông, không cần thiết có sự ứng phó cấp liên bang khi xảy ra thiên tai. Ông Paul ám chỉ FEMA chỉ tổ gây thâm hụt, thất thoát ngân sách và rằng các chính quyền địa phương đừng mãi ỷ lại FEMA. Theo đó, các địa phương cần tự nguyện hợp tác với nhau, tự đưa ra quyết định mà không cần “dài cổ” chờ Washington.

Trái với nghị sỹ Ron Paul, Thống đốc bang Texas Rick Perry - một ứng viên khác chạy đua ghế Tổng thống Mỹ năm 2012 - lại thường xuyên tìm kiếm viện trợ thiên tai liên bang để giúp tái thiết bang do ông phụ trách. Năm ngoái, ông Rick Perry thậm chí đã chỉ trích Tổng thống Obama vì không đáp ứng yêu cầu rót quỹ phòng cháy chữa cháy cho bang Texas, để dập tắt các vụ cháy rừng nghiêm trọng.

Khi cơn bão Irene xảy ra, ông Rick Perry tiếp tục chỉ trích phản ứng của chính quyền liên bang. “Hết lần này tới lần khác, chúng ta thấy FEMA không thể hiện đúng tầm. Họ chậm trễ và quan liêu. Không ai ngoài các chính quyền địa phương hiểu rõ phải làm thế nào để chuẩn bị đối phó, tìm kiếm và cứu hộ trước thiên tai” - ông Perry phát biểu ở Des Moines.

Sở dĩ FEMA chậm trễ trong công tác khắc phục bão lũ là một phần bởi ngân sách của họ sắp cạn kiệt, trong bối cảnh chính quyền Mỹ đang cố “thắt lưng buộc bụng”. Theo ước tính, FEMA còn chưa đầy 800 triệu USD trong khi phải chi trung bình 400 triệu USD mỗi tháng từ trước khi xảy ra bão Irene.

Ngày 29/8, FEMA cho biết có thể phải tạm ngưng chi trả cho các dự án sửa chữa dài hạn liên quan đến các thảm họa trước bão Irene như vụ lốc xoáy ở Missouri, Alabama và Mississipi, ngập lụt ở Dakota Nam và Bắc… Động thái này nhằm tập trung rót số tiền còn lại cho việc khắc phục hậu quả bão Irene, trong khi chờ ngân sách bổ sung.

Trong cuộc họp báo ở Nhà Trắng, ông Craig Fugate - Giám đốc FEMA - thống thiết: ”Chúng tôi muốn đảm bảo rằng chúng tôi có thể tiếp tục hỗ trợ nạn nhân của những đợt thiên tai trước đây, đồng thời vẫn có những ứng phó mới. Vào đỉnh điểm mùa bão lũ tháng 9, chúng tôi không muốn giải quyết vấn đề trong tình trạng không có đủ quỹ”.

Tuần trước, ông Hal Rogers - Chủ tịch Ủy ban Phân bổ ngân sách của Hạ viện Mỹ - đã phải lên tiếng thúc giục Quốc hội Mỹ nhanh chóng thông qua đề xuất của các nghị sỹ Đảng Cộng hòa về việc bổ sung ngân sách 1 tỷ USD viện trợ thiên tai năm 2011 và tăng thêm 2,6 tỷ USD ngân sách cho FEMA trong năm 2012.

Ông Rogers cho rằng chính quyền Obama nhiều lần phớt lờ ngân sách cần thiết cho Quỹ giảm nhẹ thiên tai, khiến các cộng đồng và nhiều gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Giờ đây, quỹ này rơi vào mức thấp nghiêm trọng, gây rủi ro cho công tác phục hồi hậu quả thiên tai. Theo ông Rogers, chính quyền không có kế hoạch cho tương lai cũng như các biện pháp rõ ràng để đối phó với những đợt thiên tai mới.

Nghị sỹ Eric Cantor, lãnh đạo phe Cộng hòa đa số tại Hạ viện, đang gây sức ép cắt giảm thêm ngân sách dành cho các lĩnh vực khác nhằm bù đắp vào chi phí bổ sung khắc phục hậu quả bão. Tuy nhiên, phe Dân chủ không đồng tình với yêu cầu này, cho rằng phe Cộng hòa lợi dụng chuyện cứu trợ thiên tai làm “con tin” để đòi cắt giảm thêm ngân sách.

Các nhà phân tích cho rằng, tranh cãi chính trị giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa xung quanh vấn đề ngân sách, nhất là ngân sách cứu trợ thiên tai, nhiều khả năng sẽ bùng phát khi Quốc hội Mỹ tái nhóm họp vào tháng này.

Trong lúc đó, hàng triệu người Mỹ bị ảnh hưởng bởi bão Irene bắt đầu cảm thấy mệt mỏi. Lá phiếu bầu Tổng thống 2012 của họ do đó có thể thay đổi, tùy thuộc vào chiến lược xử lý thiên tai mà các ứng cử viên hứa hẹn.

V.Giang (theo Time, New York Daily News)