- Đầu cơ vàng trục lợi, chuyện nhà nước bảo lãnh cho doanh nghiệp vay nợ... là những vấn đề nóng đặt ra tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 vừa diễn ra chiều nay (1/9).

Từ ngày 30/8  đến 1/9, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 8. Đây là phiên họp thường kỳ đầu tiên của nhiệm kỳ Chính phủ khóa mới.

Ngay sau cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và tân Bộ trưởng Tài chính đã chủ trì họp báo.

Giảm lãi suất là đòi hỏi của nền kinh tế

Thống đốc NHNN: Không có chuyện người dân làm công ăn lương xếp hàng mua vàng... Ảnh: Lê Nhung
Lý giải cơn sốt vàng vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho hay, giá vàng thế giới biến động tạo ra tâm lý người có vàng thì giữ vàng không muốn bán, người có tiền thì cần mua, vì thế tạo khan hiếm trong ngắn hạn, cũng là cơ hội để những người trục lợi dễ dàng đầu cơ.

Trước tình hình đó, Ngân hàng đã cho nhập 5 tấn vàng, thực tế DN chỉ nhập về 2,1 tấn. Từ đầu năm đến nay, cũng đã cấp phép cho DN nhập 15 tấn, nhưng kể cả qua cơn sốt vừa qua, các DN mới chỉ nhập 7 tấn.

Trả lời các câu hỏi của báo chí về vấn đề quản lý thị trường vàng, ông Nguyễn Văn Bình cho biết, trong thời gian tới Nhà nước sẽ đứng ra huy động vàng trong dân theo đề án mới về quản lý giá vàng, thông qua hệ thống tín dụng.

Theo Thống đốc, hiện tỷ giá tương đối ổn định, nếu sắp tới có điều chỉnh cũng chỉ trong phạm vi biên độ 1%, đảm bảo cho người gửi tiền đồng ở ngân hàng có lãi suất cao và an toàn.

"Hiện nay, lãi suất ngân hàng không được vượt quá 14% nhưng thực tế các ngân hàng thương mại chi trả cho dân với tỷ lệ còn cao hơn 14%", ông Bình nói.

Cũng theo ông Bình, không có chuyện người dân làm công ăn lương xếp hàng đi mua vàng trong đợt sốt giá vừa qua.

Giải thích băn khoăn của dư luận về việc dư địa tín dụng còn lớn, từ nay đến cuối năm nếu ngân hàng hạ lãi suất có khiến CPI tăng, ông Bình nói "Chính phủ kiên quyết thực hiện Nghị quyết 11, kiềm chế lạm phát là ưu tiên số 1". Theo ông, dư địa tín dụng năm nay không có gì khác so với các năm. Hiện nay, tăng trưởng tín dụng đã là 11,7% trong khi yêu cầu cả năm là đảm bảo dưới 20%.

"Hiện, tăng trưởng tín dụng đã thực hiện hơn 70%, cao hơn các năm trước (chỉ khoảng 55 - 60%). Mức tăng 8 tháng vừa qua cũng là cao nên cũng không có vấn đề là dồn toa trong các tháng cuối năm. Tăng trưởng tín dụng cả năm dưới 20% nhưng không nhất thiết phải sử dụng hết mà phải đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát", ông Bình giải thích.

Đảm bảo cho người gửi tiền đồng ở ngân hàng có lãi suất cao và an toàn. Ảnh: Minh Thăng
Theo đó, giảm lãi suất là đúng với yêu cầu nội tại của nền kinh tế và của cả hệ thống ngân hàng. Bởi, chỉ số giá tiêu dùng đang giảm, nếu lãi suất vẫn cao thì các tổ chức tín dụng khó cho vay.

Thống đốc khẳng định: "Hạ lãi suất là đòi hỏi bức xúc của nền kinh tế, đáp ứng quyền lợi tất cả các bên, không có gì mâu thuẫn với mục tiêu kiềm chế lạm phát".

Ngừng cấp bảo lãnh vay nước ngoài

Liên quan đến vấn đề trả nợ nước ngoài của các doanh nghiệp, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ khẳng định, khoản nợ của Vinashin là nợ thương mại, DN vay thì phải trả.

Với các dự án xi măng, ông Huệ cho hay, đây là lĩnh vực ưu tiên đầu tư nên được Chính phủ bảo lãnh các dự án được vay vốn nước ngoài. Tính đến cuối tháng 8, Chính phủ đã bảo lãnh 1.350 triệu USD với tổng số 16 dự án xi măng.

Trong đó, xi măng Thái Nguyên là 59 triệu USD, Hoàng Mai  là 145 triệu USD.

Theo ông Huệ, nợ do Chính phủ bảo lãnh là nghĩa vụ dự phòng, nếu DN không trả được mà Chính phủ phải trả thay thì thành nghĩa vụ nhà nước. Nếu DN không trả được, Bộ Tài chính sẽ ứng để trả nợ thay nhưng nhiều nhất là 3 kỳ. Đến nay, các dự án xi măng mà bộ phải trả nợ thay đều chưa quá định mức. Còn nếu sau 3 kỳ mà DN vẫn không trả được thì sẽ phải tiến hành thanh lý tài sản để thu hồi nợ.

Tân Bộ trưởng Tài chính khẳng định, đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát lại các dự án xi măng để tập trung tháo gỡ khó khăn. Hiện nay, Bộ Tài chính cũng đã đề nghị Chính phủ ngừng cấp bảo lãnh các dự án xi măng.

Sắp tới, Bộ Tài chính sẽ phân tích toàn bộ các vấn đề nợ công từ năm 2006 đến nay để có chiến lược điều hành nợ công giai đoạn 10 năm tới.

Ông Huệ cho hay, năm nay, cố gắng kiềm chế bội chi ngân sách ở mức 4,9% (thấp hơn so với mức 5,3% mà Quốc hội yêu cầu). Sắp tới, Bộ Tài chính sẽ có cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn với Ngân hàng Nhà nước về thực hiện chính sách tài chính, tiền tệ.

Về việc truy thu thuế linh kiện nhập khẩu ôtô với công ty Honda Việt Nam, theo ông Huệ, một số doanh nghiệp không đáp ứng yêu cầu, quy định về mức độ rời rạc của linh kiện nhập khẩu ô tô, trong đó có Honda Việt Nam, việc này có lỗi của các doanh nghiệp và cả quy định trong một thông tư của Bộ Tài chính.
Bộ đã báo cáo Chính phủ đánh giá lại vấn đề này để đưa ra những quy định rõ ràng hơn. Ông cho biết, sẽ không có DN nào bị truy thu thuế, kể cả Honda. Việc yêu cầu truy thu thuế với Honda chỉ là ý kiến của một tổ kiểm tra, chứ chưa phải là quyết định của Bộ Tài chính.

Lê Nhung