Phát triển du lịch làng nghề không chỉ là phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ, đem lại lợi ích kinh tế to lớn cho làng nghề mà thực chất du lịch làng nghề là du lịch văn hóa, là giới thiệu để khách du lịch trong nước và nước ngoài hiểu thêm những đặc trưng văn hóa, truyền thống của nước ta cũng như của mỗi làng nghề.

Tài nguyên du lịch phong phú

Phát triển du lịch làng nghề là phát triển loại hình du lịch văn hóa chất lượng cao, là loại hình khai thác các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống, như là một đối tượng tài nguyên du lịch phục vụ cho việc tìm hiểu văn hóa, tham quan, vui chơi, giải trí.

Dọc theo chiều dài đất nước ta, hầu như ở địa phương nào, du khách cũng có thể dừng chân để tìm hiểu làng nghề, sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống, những nghề đã gắn với tên địa phương và đi vào lòng người một cách tự nhiên. Đồng bằng Bắc bộ là nơi có nhiều làng nghề thủ công truyền thống nhất, như lụa Vạn Phúc, gốm sứ Bát Tràng, mây tre đan Phú Vinh, thêu Văn Lâm, chạm khảm Chuôn Ngọ nay đều thuộc Hà Nội; gò đồng Đại Bái Bắc Ninh; vàng bạc Châu Khê Thái Bình; đúc đồng Ý Yên Nam Định, v.v...

Miền Trung có điêu khắc đá Non nước Ninh Bình; làng nghề thêu, đúc đồng Huế, gốm Phước Tích Huế; đúc đồng Phước Kiều, gốm Kim Bồng, làng trống Lâm Yên Quảng Nam; rượu Bàu Đá Bình Định, nón ngựa Bình Định; thổ cẩm Mỹ Nghiệp (dân tộc Chăm), gốm Bàu Trúc Ninh Thuận; v.v... Đồng bằng sông Cửu Long có làng dệt thổ cẩm Châu Phong (huyện Tân Châu) và dệt thổ cẩm Văn Giáo (huyện Tịnh Biên) An Giang, đường thốt nốt An Giang; gốm Vĩnh Long; sứ Lái Thiêu Bình Dương; kẹo dừa và sản phẩm từ dừa Bến Tre, v.v...


Làng nghề phát triển đã thực sự tạo nên bộ mặt mới phong phú của nhiều vùng nông thôn trong cả nước, tạo nên nguồn tài nguyên du lịch mang đặc trưng mỗi làng nghề, mỗi vùng kinh tế. Tìm hiểu, thưởng thức những nét văn hóa đậm đà bản sắc của mỗi dân tộc, mỗi vùng miền trong các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đang là một yêu cầu không thể thiếu của mỗi du khách.

Một tài nguyên vô cùng đặc sắc của du lịch làng nghề nước ta là các lễ hội tôn vinh các vị Tổ nghề; những hoạt động tín ngưỡng tôn nghiêm, sôi nổi, hào hứng thể hiện truyền thống "uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây" của dân tộc, đồng thời góp phần làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch làng nghề. Lịch sử đã ghi lại ba cụ Hứa Vĩnh Kiều (quê Thanh Hóa), Đào Trí Tiến (quê Bắc Ninh), Lưu Phong Tú (quê Hải Dương) đã truyền dạy cho dân làng Bát Tràng (Hà Nội) và hai làng Thổ Hà, Phù Lãng (Bắc Ninh); cụ Tổ nghề khảm trai Lê Công Thành; cụ Tổ nghề thêu Lê Công Hành; cụ Tổ nghề dệt lụa Lã Thị Nga, cụ Tổ nghề đúc đồng Không Lộ thiền sư; ba cụ Tổ nghề kim hoàn Trần Hòa, Trần Điện và Trần Diễn; v.v...

Chúng ta đã có những nghề thủ công xuất hiện từ hàng trăm năm, có nghề như gốm xuất hiện từ hàng nghìn năm (gốm Bàu Trúc - Ninh Thuận), và trong quá trình phát triển ấy, đã trải qua nhiều thăng trầm, song xu hướng chung vẫn là phát triển ngày càng đa dạng, phong phú về mẫu mã, kiểu dáng (như từ thủ công chuyển sang thủ công mỹ nghệ, từ gốm sứ dân dụng chuyển sang gốm sứ mỹ nghệ với những bức tranh gốm đặc sắc...), đồng thời từng bước ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong quá trình sản xuất, vừa nâng cao chất lượng, vừa tăng năng suất lao động, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Trong quá trình phát triển, làng nghề nước ta tiếp thu những tinh hoa văn hóa của thế giới, không những không bị "đồng hóa" mà còn không ngừng phát huy sáng tạo, tô điểm thêm nét văn hóa cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề, giữ được những nét riêng của Việt Nam. Những người có công đầu trong việc này chính là những nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề. Giới thiệu với khách du lịch gặp gỡ những nghệ nhân tiêu biểu, quá trình nghiên cứu, sáng tạo cùng những đóng góp của họ cho sự phát triển của làng nghề cũng là một thế mạnh của du lịch làng nghề cần được khai thác.

Một số giải pháp chủ yếu

Để khai thác và phát huy tài nguyên phong phú và đa dạng về du lịch làng nghề, cần có một tầm nhìn về những giá trị văn hóa và kinh tế của làng nghề, trước hết là những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể với những giải pháp được đổi mới, được sự hợp tác và chỉ đạo thực hiện chặt chẽ của nhiều cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch và cơ sở làng nghề. Dưới đây, xin nêu một số giải pháp chủ yếu.

Công tác quy hoạch. Từ thực tế, có thể thấy quy hoạch phát triển du lịch làng nghề cần được gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch giao thông, phát triển tiểu thủ công nghiệp, v.v... ở từng địa phương, đồng thời có sự liên kết giữa các quy hoạch ấy trên từng tour du lịch. Có thể lấy ví dụ: Hà Nội đang xây dựng bốn tour du lịch làng nghề, gồm: tour thăm làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ - thêu Thắng Lợi - sơn mài Hạ Thái; tour thăm làng nghề mây tre đan Phú Vinh - làng lụa Vạn Phúc; tour thăm làng lụa Vạn Phúc - điêu khắc tạc tượng Sơn Đồng; tour thăm làng nghề gốm sứ Bát Tràng - may da, dát vàng Kiêu Kỵ; đồng thời có thể kết nối các tour du lịch làng nghề với thăm viếng các đình, chùa, miếu mạo nổi tiếng trong vùng.

Trong các làng nghề, cần quy hoạch tổ chức lại các làng nghề truyền thống, chú trọng xây dựng các bảo tàng (hoặc phòng truyền thống) để du khách hiểu sâu giá trị văn hóa của làng nghề, gắn với quy hoạch khu dân cư, khu thương mại, hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng làng nghề (đường sá, điện, nước, thông tin liên lạc, truy cập internet,...), nhất là thực hiện các giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường, v.v...

Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Các làng nghề cần tạo ra nguồn sản phẩm chất lượng hơn, mỹ thuật hơn, đa dạng hơn. Phát triển các tuyến du lịch sinh thái, khám phá, trải nghiệm các giá trị văn hóa các dân tộc, coi đây là cơ hội để du lịch làng nghề thể hiện rõ sắc thái văn hóa của làng nghề gắn với sinh thái, với ẩm thực dân gian, với các tiện nghi lưu trú, vui chơi giải trí. Chú trọng các sản phẩm là hàng lưu niệm với những kiểu dáng, mẫu mã hấp dẫn hơn.

Gặp gỡ nghệ nhân làng nghề cũng là một hoạt động mang lại cho du khách những cảm giác mới. Khách tham quan có thể trò chuyện với nghệ nhân, tìm hiểu quá trình sáng tác của họ, xem họ thao tác. Đáng quý là những sản phẩm "độc bản" mà nghệ nhân có thể bán hoặc tặng cho du khách, kèm theo chữ ký của mình.

Mở mang các hoạt động dịch vụ. Đây là những hoạt động giới thiệu, quảng bá các điểm du lịch làng nghề, tạo thuận lợi cho du khách và từ đó, tăng thêm tính hấp dẫn của điểm du lịch làng nghề. Cần tạo thuận lợi cho du khách trong việc đi lại. Việc quảng bá, giới thiệu các làng nghề truyền thống, các tour du lịch làng nghề cần được thực hiện một cách chuyên nghiệp hơn. Chú trọng sắp xếp các điểm du lịch, nhất là tổ chức lại các hàng quán dịch vụ bán hàng lưu niệm hoặc ăn uống, khắc phục tệ nạn chèo kéo du khách mua hàng lưu niệm hoặc hương hoa, vàng mã tại các đình chùa, di tích lịch sử...

Xây dựng đội ngũ nhân lực. Trước hết, đó là đội ngũ những người quản lý du lịch làng nghề: họ cần có tầm nhìn cũng như những kiến thức mới về du lịch làng nghề; say mê với công việc, luôn đổi mới, không chịu dừng lại ở những cách làm cũ, sáo mòn (đang khá phổ biến ở nhiều tổ chức du lịch làng nghề), mà luôn luôn sáng tạo những sản phẩm mới, cách làm mới hấp dẫn du khách hơn.

Việc bồi dưỡng, đào tạo hướng dẫn viên đang rất cần thiết, kể cả về nghiệp vụ và ngoại ngữ, song quan trọng là am hiểu về làng nghề. Chú trọng đào tạo hướng dẫn viên là những con em các làng nghề, là những người tâm huyết, gắn bó với làng nghề, hiểu biết sâu sắc những vấn đề cần giới thiệu với du khách.

Đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo du lịch làng nghề. Cuối cùng, để thực hiện những giải pháp cần thiết nhằm khai thác và phát huy tiềm năng du lịch làng nghề, rất cần nâng cao tầm nhìn của người quản lý đi đôi với đổi mới công tác điều hành, chỉ đạo du lịch làng nghề.

Công tác quản lý nhà nước cần tập trung vào các việc như: hoàn chỉnh quy hoạch làng nghề, trong đó có quy hoạch du lịch; tổ chức các chương trình xúc tiến du lịch có sự kết hợp giữa các ngành liên quan; hoàn chỉnh cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi hơn nữa cho du khách (như việc cấp visa cho du khách nước ngoài), tăng cường đầu tư cho xúc tiến du lịch, cho kết cấu hạ tầng làng nghề, khắc phục ô nhiễm môi trường, v.v... Khuyến khích hơn nữa các công ty tư nhân, coi đây là một nhân tố chủ yếu trong việc phát triển du lịch làng nghề xứng tầm và đạt hiệu quả cao hơn.

Sự kết hợp giữa Nhà nước, bản thân các làng nghề và của khu vực tư nhân là rất cần thiết để ngành "công nghiệp không khói" này mang lại thêm hiệu quả hơn nữa cho công cuộc phát triển đất nước.

  • Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần