Không riêng chỉ vị trí và dự trữ năng lượng khiến cho Biển Đông có tầm quan trọng địa chính lược then chốt, mà còn là ở những tranh chấp lãnh thổ tồn tại lâu dài xung quanh vùng biển này.

Đông Á có thể chia thành hai khu vực chính: Đông Bắc Á - với ưu thế là bán đảo Triều Tiên và Đông Nam Á với ưu thế Biển Đông. Trung tâm Đông Bắc Á là số phận của Triều Tiên. Khi xảy ra chiến tranh, các lực lượng mặt đất của Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc có thể gặp nhau ở nửa bắc của bán đảo với lý do của mọi sự can thiệp nhân đạo, thậm chí là khi họ cố tự mình định vị phạm vi ảnh hưởng.

Các vấn đề hải quân sẽ là thứ yếu. Nhưng cuối cùng một Triều Tiên thống nhất sẽ đưa vấn đề hải quân lên vị trí trung tâm, với một Triều Tiên lớn, Trung Quốc và Nhật trong sự đối trọng mỏng manh, chia tách nhau bởi Biển Nhật Bản, Hoàng Hải và Bột Hải. Nhưng vì Triều Triên vẫn tồn tại, giai đoạn Chiến tranh Lạnh của ịch sử Đông Bắc Á chưa hoàn toàn qua đi, và sức mạnh mặt đất có thể chiếm ưu thế trước sức mạnh biển.

Đông Nam Á lại khác hẳn, khi đã đi sâu vào giai đoạn hậu Chiến tranh Lạnh của lịch sử. Việt Nam tìm kiếm quan hệ gần gụi hơn với Mỹ. Trung Quốc sau nhiều thập niên hỗn loạn đã trở thành nền kinh tế năng động nhất thế giới, đang thúc đẩy lực lượng hải quân vượt ra ngoài biên giới đất nước, hướng tới cái họ gọi là "chuỗi đảo đầu tiên" ở Tây Thái Bình Dương.


Nước Hồi giáo khổng lồ Indonesia đang trỗi dậy trở thành một Ấn Độ thứ hai. Singapore và Malaysia cũng đang tăng tốc về kinh tế. Bức tranh tổng hợp là một nhóm quốc gia sẵn sàng nâng cao nhận thức về chủ quyền lãnh thổ vượt ra ngoài bờ biển của họ. Và nơi gặp gỡ địa lý của những quốc gia này cùng quân đội của họ chính là biển: Biển Đông.

Biển Đông nối kết các nước Đông Nam Á với Tây Thái Bình Dương, với chức năng như yết hầu của các tuyến đường biển toàn cầu. Đây là trung tâm hàng hải Âu Á, với các eo biển Malacca, Sunda, Lombok và Makassar. Mỗi năm hơn một nửa số lượng tàu buôn của thế giới và 1/3 toàn bộ hoạt động hàng hải đi qua những khu vực này.

Dầu được vận chuyển qua Eo biển Malacca từ Ấn Độ Dương, tới Đông Á thông qua Biển Đông nhiều hơn sáu lần số lượng đi qua Kênh đào Suez và 17 lần số lượng đi qua Kênh đào Panama. Gần 2/3 nguồn cung năng lượng của Hàn Quốc, gần 60% cung cấp năng lượng của Nhật Bản và Đài Loan, khoảng 80% nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đi qua Biển Đông. Hơn thế nữa, Biển Đông được xác định có trữ lượng dầu là 7 tỉ thùng và hàng trăm nghìn tỉ mét khối khí tự nhiên - một tiềm năng khổng lồ.

Không riêng chỉ vị trí và dự trữ năng lượng khiến cho Biển Đông có tầm quan trọng địa chính lược then chốt, mà còn là ở những tranh chấp lãnh thổ tồn tại lâu dài xung quanh vùng biển này. Có những tranh chấp liên quan tới quần đảo Trường Sa nằm ở phía đông nam Biển Đông. Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền với bốn nước Đông Nam Á về các đảo, quần đảo và vùng nước ở Biển Đông. Đặc biệt, Bắc Kinh đã tự đưa ra bản đồ chín đoạn còn gọi là đường lưỡi bò để khẳng định chủ quyền với hầu như toàn bộ vùng biển, bắt đầu từ đảo Hải Nam ở cực bắt Biển Đông kéo dài gần 2000km xuống phía nam giáp Singapore và Malaysia.

Kết quả là tất cả những nước liên quan tới Biển Đông đều ít nhiều phản đối Trung Quốc và vì thế trông chờ vào sự ủng hộ ngoại giao và quân sự từ Mỹ. Những xung đột trong tuyên bố chủ quyền có thể còn gay gắt hơn khi nhu cầu năng lượng tăng cao ở châu Á - tiêu dùng năng lượng ước tính lên mức gấp đôi vào năm 2030, và Trung Quốc chiếm khoảng một nửa trong số này - làm cho Biển Đông trở thành sự đảm bảo quan trọng hơn bao giờ hết với sức mạnh kinh tế khu vực. Rõ ràng, Biển Đông ngày càng trở thành một trại vũ trang, khi các bên tuyên bố chủ quyền không ngừng củng cố và hiện đại hoá lực lượng hải quân của mình.

Đặc điểm địa lý của Trung Quốc hướng nước này theo hướng Biển Đông. Trung Quốc nhìn về phía nam hướng tới một lòng chảo được hình thành theo chiều kim đồng hồ bởi Đài Loan, Philippines, đảo Borneo phân cách giữa Malaysia và Indonesia (cũng như Brunei), bán đảo Malay phân cách giữa Malaysia và Thái Lan, và đường bờ biển dài của Việt Nam. Và tất cả đều là những nước yếu hơn so với Trung Quốc. Giống như Biển Caribbe đánh dấu bởi những quốc đảo nhỏ và bao quanh bởi nước Mỹ to lớn, Biển Đông rõ ràng là nơi để Trung Quốc phô diễn sức mạnh.

Trên thực tế, vị trí của Trung Quốc ở khu vực này có nhiều nét tương đồng với vị trí của Mỹ với Caribbe hồi thế kỷ 19 và đầu 20. Mỹ công nhận sự hiện diện và tuyên bố chủ quyền của các cường quốc châu Âu ở Caribbe nhưng vẫn tìm cách thống trị khu vực. Chiến tranh Tây Ban Nha - Mỹ năm 1898 và việc thiết lập Kênh đào Panama từ 1904 - 1914 đã báo hiệu sự xuất hiện của Mỹ như một cường quốc thế giới.

Hơn thế nữa, thống trị Lòng chảo Caribbe lớn hơn sẽ giúp Mỹ kiểm soát hiệu quả Tây Bán cầu, cho phép họ tác động tới cán cân sức mạnh ở Đông Bán cầu. Và ngày nay, Trung Quốc tự thấy mình trong tình thế tương tự ở Biển Đông, một phòng chờ của Ấn Độ Dương, nơi Trung Quốc khát khao sự hiện diện hải quân để bảo vệ nguồn cung năng lượng từ Trung Đông.

Tuy nhiên, có một nguyên nhân sâu xa hơn khiến Trung Quốc hướng ra Biển Đông và tiến vào Thái Bình Dương là: một phần của Trung Quốc đã bị các cường quốc phương Tây chia cách trong quá khứ gần đây sau khi có cả thiên niên kỷ là một siêu cường và một nền văn minh thế giới.

Trong thế kỷ 19, khi triều Thanh trở nên mục nát ở Đông Á, Trung Quốc mất khá nhiều phần lãnh thổ cho Anh, Pháp, Nhật và Nga. Thế kỷ 20 đã diễn ra cuộc chinh phục đẫm máu của người Nhật với Bán đảo Sơn Đông và Mãn Châu. Nỗi hổ thẹn lên đến đỉnh điểm khi Trung Quốc buộc phải ký kết các thoả thuận đặc quyền ngoại giao trong thế kỷ 19 và 20, khiến phương Tây có được quyền kiểm soát nhiều phần của các thành phố Trung Quốc - khi ấy thường gọi là "hải cảng mở cho thương mại nước ngoài".

Vào năm 1938, như nhà sử học Đại học Yale Jonathan D. Spence mô tả trong một tác phẩm rằng: vì sự cướp bóc bất ổn cũng như cuộc nội chiến, đã có những lo sợ âm ỉ là "Trung Quốc sẽ bị chia cắt thành từng phần và không còn tồn tại như một quốc gia, và rằng bốn nghìn năm ghi lại trong lịch sử sẽ tiến tới hồi kết đầy thất vọng".

Việc Trung Quốc vội vã mở rộng là một tuyên bố rằng, họ sẽ không bao giờ để nước ngoài lợi dụng lần nữa.

Giống như lãnh thổ Đức tạo thành một tiền tuyến của Chiến tranh Lạnh, thì các vùng nước ở Biển Đông có thể hình thành một tiền tuyến trong những thập niên tới. Khi hải quân của Trung Quốc trở nên mạnh hơn và khi tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông xung đột với những tuyên bố của các nước ven biển khác, thì các nước này sẽ buộc phải gia tăng khả năng hải quân của họ. Họ sẽ tìm cách cân bằng trước Trung Quốc bằng cách gia tăng quan hệ với Hải quân Mỹ kể cả khi lực lượng này phải phân chia các tài nguyên tới Trung Đông.

Thế giới đa cực là đặc điểm của ngoại giao và kinh tế, nhưng Biển Đông có thể cho thấy sự đa cực diễn ra thế nào theo ý nghĩa quân sự thực sự.

Còn tiếp

Nguyễn Huy dịch từ Forein policy