- Tiếp xúc với cử tri Hà Nội sau kỳ họp thứ nhất của Quốc hội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, một trong những thành công lớn của kỳ họp là đại biểu đã bầu ra bộ máy lãnh đạo Nhà nước và Quốc hội. Việc bầu nhân sự được tiến hành dân chủ, chính xác, dựa trên các tiêu chí như tầm nhìn tư duy, phong cách lãnh đạo và sự tín nhiệm.

Bầu nhân sự: Tiến hành dân chủ

Tại buổi tiếp xúc với đoàn ĐBQH Hà Nội sáng nay (10/8), cử tri Võ Trọng Hốt (phường Trúc Bạch - quận Ba Đình) phản ánh, cử tri rất mừng vì tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã bầu đủ các chức danh lãnh đạo. Điều đó phản ánh sự ổn định về mặt chính trị của đất nước.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với cử tri. Ảnh: LN
Theo cử tri Nguyễn Doãn Nho (phường Vĩnh Phúc - quận Ba Đình), trong hoàn cảnh kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, người dân vẫn gửi niềm tin vào bộ máy lãnh đạo khóa mới. "Đó là một sự động viên rất lớn. Nhưng cũng mong các bộ trưởng vừa nhận chức đã hứa và đã phát biểu với quyết tâm cao thì phải hành động. Lời nói phải đi đôi với việc làm", ông Nho nói.

Vị cử tri này nhắc lại việc trong nhiệm kỳ cũ, một số bộ trưởng đã đề ra không ít mục tiêu, như giảm tải giường bệnh, hạn chế tiêu cực trong học đường.... nhưng rồi hết nhiệm kỳ mà kết quả chưa chuyển biến được là bao.

Vì vậy, một số cử tri kiến nghị rằng Quốc hội phải thực hiện tốt hơn nữa vai trò giám sát, đặc biệt là ở các phiên chất vấn. Các bộ trưởng phải định kỳ thông báo những việc đã làm để dân được biết.

Về quy trình bầu chọn nhân sự, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ thêm, toàn bộ quy trình đã được tiến hành dân chủ, phiếu bầu tập trung. Thậm chí, tại các vòng bầu chọn, có thêm nhiều ứng viên đã được giới thiệu thêm, có người xin rút, có người không.

Tinh thần dân chủ còn thể hiện ở chỗ, với những ứng viên chưa đạt được sự đồng thuận cao trong Quốc hội, tỷ lệ phiếu bầu vẫn dừng lại ở tỷ lệ 60 - 70%. "Điều đó cho thấy ở đây không có chuyện áp đặt", Tổng Bí thư khẳng định.

Theo ông Trọng, tại các phiên chất vấn khóa 12 vừa qua, các vị bộ trưởng đều phải báo cáo kết quả thực hiện lời hứa. Nề nếp này chắc chắn sẽ được kế thừa tại các phiên chất vấn khóa mới.

"Hà Nội không cháu nào không có chỗ học"

Tranh thủ cơ hội gặp gỡ các ĐBQH, nhiều cử tri cũng phàn nàn những bức xúc về đời sống, như tình trạng các khu đô thị, khu dân cư thiếu trường mầm non, dự án thu hồi nhưng chậm triển khai... Những vấn đề này đều nhận được câu trả lời của lãnh đạo Hà Nội.

Ông Nguyễn Doãn Nho (quận Ba Đình) đặt câu hỏi về tình trạng thương nhân nước ngoài len lỏi thu mua nông sản ở Việt Nam, thuê đất lâu năm, hình thành những khu phố toàn người nước ngoài.

"Ở đây không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là câu chuyện chính trị, an ninh, quốc phòng. Cử tri đã phản ánh với Quốc hội khóa trước, vậy  sắp tới thì sao, Quốc hội có thái độ gì với vấn đề này?", ông Nho nói.

Cử tri Tạ Quang Thiều (phường Điện Biên) mong các ĐBQH Hà Nội quan tâm phản ánh lên Quốc hội tình trạng các khu đô thị, khu dân cư "trắng" trường mầm non.

"Đại biểu Hà Nội phải biết chất vấn lãnh đạo là tại sao chúng tôi phải thức đêm để xếp hàng xin cho con vào nhà trẻ. Đừng để cho những lớp thanh niên sắp sửa lấy vợ lấy chồng lo lắng", ông Thiều nêu câu hỏi.

Phó Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng khẳng định, "ở Hà Nội, không cháu nào không có chỗ học ở bất kỳ cấp nào".

Sở dĩ xảy ra tình trạng phụ huynh phải trắng đêm xếp hàng xin vào học mầm non như cử tri phản ánh là vì hầu hết phụ huynh đều chỉ muốn con cái được học ở các trường công lập hoặc các trường chất lượng cao. "Có trường tư thục ngay cạnh nhà nhưng không ai học mà lại chỉ muốn xin vào công lập", Phó Chủ tịch Hà Nội nói.

Ông Nguyễn Huy Tưởng giải thích, phụ huynh không mặn mà với hệ tư thục một phần do giá học phí cao, một phần khác là do thói quen. Sắp tới đây, trong các dự án xây dựng, Hà Nội sẽ cân nhắc để đáp ứng được nhu cầu học tập cũng như mức thu nhập của các gia đình trẻ.

Lê Nhung

Hy vọng sự khởi sắc của một nhiệm kỳ mới
Một nguyên thủ quốc gia mà khiêm nhường mong mỏi nhân dân giám sát, phê bình, góp ý - đó là một dấu hiệu đáng vui mừng và hy vọng về sự khởi sắc của một nhiệm kỳ mới.
 
Quốc hội có nhiệm kỳ, đất nước thì không
Chặng đường đất nước 5 năm tới định hình thế nào phụ thuộc vào tinh thần trách nhiệm và sự chủ động vào cuộc của 500 đại biểu QH, ngay từ kỳ họp đầu, khai mạc hôm nay.