- 17 năm gắn bó với sự nghiệp làm báo và quản lý báo chí, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp thú nhận, ông sợ nhất là "thiếu" và "nhiễu" thông tin. Trong khi công tác quản lý báo chí vất vả, nhiều lúc như bơi giữa hai dòng nước...
>> Bộ trưởng "hay cho chữ" và món nợ nhiệm kỳ

17 năm gắn bó với sự nghiệp làm báo và quản lý báo chí, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp thú nhận, ông sợ nhất là "thiếu" và "nhiễu" thông tin. Trong khi công tác quản lý báo chí vất vả, nhiều lúc như bơi giữa hai dòng nước...
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp. Ảnh: Lê Anh Dũng

Trong cuộc nói chuyện với báo chí ngày 12/7, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp có cuộc trải lòng từ kinh nghiệm 17 năm gắn bó với sự nghiệp làm báo và quản lý báo chí.

Bộ trưởng "sợ" nhiễu thông tin

Tâm niệm báo chí là "một nghề cao quý" như lực lượng tiên phong trong chuyển đổi nhận thức, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp khẳng định sức mạnh của thông tin báo chí góp phần "cổ vũ cái tốt, nhân rộng cái hay, phê phán cái xấu, đẩy lùi tiêu cực, tạo thế phát triển lành mạnh và thúc đẩy xã hội tiến bộ". Ông nói trong cuộc đời quản lý báo chí của mình, điều khiến ông sợ nhất là "thiếu thông tin và nhiễu thông tin" bởi tất cả các trường hợp nhiễu thông tin đều do thiếu thông tin. Và khó khăn lớn nhất ông gặp phải đó là nhận thức của những người làm báo, quản lý báo chí, hưởng thụ báo chí không theo kịp thực tiễn, và thể chế luật lệ chưa đủ và không đồng bộ để báo chí thực hành.

"Vì cơ chế, luật lệ không theo kịp thực tiễn, khiến cho công tác quản lý báo chí trở nên vất vả. Bên cạnh đó, mặt trái của cơ chế thị trường chi phối làm cho việc khen, chê trên mặt báo có lúc, có việc không chính xác. Trên thực tế, quản lý báo chí nhiều lúc như bơi giữa hai dòng nước: nói sai một cái đúng thì người ta phản đối quyết liệt; nói đúng một cái sai người ta cũng ấm ức kéo dài, nên trước các thời điểm chính trị nhạy cảm báo chí thường bị nhiều áp lực khó lường. Hơn nữa, trình độ, phẩm chất và trách nhiệm xã hội của nhiều tờ báo chưa cao trong quản lý nội dung, năng lực kinh nghiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí chưa ngang tầm, chưa theo kịp yêu cầu phát triển của cả báo in, báo hình, báo nói và báo điện tử, càng làm cho công tác quản lý nhà nước về báo chí khó khăn hơn" - Bộ trưởng nói.

"Nói ít thì đuối lý"

Song ông khẳng định, trong những năm qua, báo chí Việt Nam đã có nhiều thành công và phát triển rất nhanh cả về số lượng, chất lượng, loại hình, nội dung, hình thức, đội ngũ, tính chuyên nghiệp, kinh tế báo chí, công nghệ và cơ sở vật chất hành nghề. Báo chí nước nhà đã tích cực tham gia tuyên truyền người tốt, việc tốt, cơ chế, chính sách chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước, tạo tiến bộ xã hội và sự đồng thuận của nhân dân với Chính phủ.

"Trong cuộc chiến chống tham nhũng và đấu tranh đẩy lùi tiêu cực, báo chí đã làm tốt trách nhiệm của mình....Những người tiêu cực rất sợ báo chí. Đây là thiết chế chính trị tốt mà chúng ta cần phát huy. Báo chí trong hợp tác quốc tế và thông tin đối ngoại đã có tiến bộ hơn nhiều... Tôi rất tâm đắc câu nói của của một nhà lãnh đạo Trung Quốc: “Hình như chúng ta càng ít nói thì chúng ta càng đuối lý”. Do vậy, báo chí Việt Nam cần chuyển mạnh từ phòng ngự sang tiến công, góp phần thúc đẩy xã hội tiến bộ để con người sẽ sống và hợp tác với nhau tốt đẹp hơn", Bộ trưởng nói.

Song ông cũng chỉ ra những tồn tại của báo chí hiện nay như đưa tin thiếu trung thực, khách quan, chính xác, thiếu tính hướng thiện... và lưu ý "cái tâm của người làm báo và tính hướng thiện của người viết báo, đây là phạm trù văn hóa, đạo đức nghề nghiệp"...., "báo chí sẽ không có đỉnh cao nếu không chuyên nghiệp hóa, phải yêu nghề, gắn bó, trách nhiệm, đam mê với nghề thì mới chuyên nghiệp và có đình cao sáng tạo".

Để thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, Bộ trưởng lưu ý báo chí cần bám sát thực tiễn, dày công săn lùng thông tin để khen chê chính xác, thuyết phục. Đặc biệt, báo chí không vào cuộc trong đấu tranh chống tiêu cực là thiếu trách nhiệm với dân, với nước.

"Nhưng chống tiêu cực không dễ, phóng viên, cần có đạo đức, bản lĩnh và trí tuệ để làm chủ trong mọi tình huống. Có phẩm chất để không bị mua, có trí tuệ để không bị lừa, có bản lĩnh để dám nói, dám viết, dám làm, dám chịu trách nhiệm", ông nói. Bộ trưởng cũng cho rằng các cơ quan chủ quản và quản lý báo chí phải chăm lo đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý, biên tập viên, phóng viên. Báo chí muốn chuyên nghiệp phải quan tâm đào tạo, phóng viên muốn chuyên nghiệp thì phải chịu học, chịu đọc, chịu nghe, chịu đi cơ sở để tổng kết và phản ánh thực tiễn...

Cũng theo Bộ trưởng, các cơ quan báo chí và quản lý báo chí cần quan tâm đến quản lý nội dung, quản lý phóng viên và quản lý tài chính. Việc quản lý nội dung phải khen chê chính xác, khách quan, trung thực, tôn vinh phóng viên tốt, uốn nắn giáo dục phóng viên chưa tốt; độ tin cậy của từng phóng viên khác nhau thì phải có cơ chế quản lý và duyệt bài khác nhau.

Đồng thời phải quản lý tài chính chặt chẽ để sử dụng đồng tiền lành mạnh; mặt khác phải đảm bảo 3 tăng cường trong báo chí là: Tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng tập huấn phóng viên, tăng cường hợp tác quốc tế về báo chí, tăng cường tố chất chính trị trong các cơ quan báo chí; Đổi mới công tác quản lý báo chí thiết thực, trách nhiệm, nghiêm túc, thông thoáng để phóng viên thực hành và sáng tạo tốt hơn...

L.Thư (ghi)