Bất cứ ai ngồi dự một cuộc họp ở Bộ Ngoại giao Mỹ hoặc có mặt trong bữa tiệc trưa của nhóm cố vấn chính sách đối ngoại gần khu Dupont Circle đều chú ý tới một sự thật rõ ràng: Washington là thủ phủ của đàn ông.

Đi tìm bóng 'liễu yếu đào tơ'

Để cảm nhận rõ mức độ của vấn đề, trên tờ Foreign Policy số ra gần đây, tác giả Micah Zenko  - thành viên Trung tâm Hành động ngăn ngừa thuộc Hội đồng đối ngoại Mỹ - đã xem xét thống kê giới tính ở 10 nhóm chuyên gia, cố vấn chính sách đối ngoại có tiếng tăm tại Washington.

Kết quả cho thấy nữ giới chỉ chiếm 21% trong tổng số các vị trí liên quan tới chính sách (154 phụ nữ/723 người) và chỉ 29% thuộc nhóm lãnh đạo (250 phụ nữ/874 người).

Đàn ông chiếm lĩnh chính trường. Ảnh: FP

Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) và Trung tâm vì sự tiến bộ của Mỹ (CAP) có tỷ lệ cao nhất phụ nữ có vai trò trong các vấn đề chính sách (28%). Trung tâm Stimson - một tổ chức nghiên cứu an ninh toàn cầu phi lợi nhuận và phi đảng phái ở Thủ đô Washington - có tỷ lệ phụ nữ cao nhất trong mọi vị trí (50%).

Một lưu ý trong phương pháp luận là các vị trí "liên quan tới chính sách" đã được phân loại với các vai trò lãnh đạo (giám đốc, chủ tịch, ủy viên giám đốc) trong các lĩnh vực như chính sách đối ngoại và chính sách kinh tế. Sở dĩ thống kê bao gồm cả lĩnh vực chính sách kinh tế bởi rất nhiều ủy viên giám đốc, thành viên nhóm cố vấn có đóng góp ngang bằng cả về chính sách kinh tế quốc tế lẫn chính sách đối nội.

"Tổng số nhóm lãnh đạo" gồm cả những người ở các vị trí cấp cao không liên quan chính sách như nguồn nhân lực, phát triển và truyền thông. Nhũng vị trí này đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển và triển khai các chương trình của nhóm chuyên gia, cố vấn.

Sự mất cân bằng giới tính không chỉ xảy ra trong các nhóm cố vấn chính sách mà còn thấy cả ở các vị trí chuyên nghiệp liên quan tới chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia. Số liệu thu thập từ năm 2006 cho thấy trong số 13.000 giảng viên khoa học chính trị tại Mỹ, có 26% là phụ nữ, so với con số 19% vào năm 1991. Chỉ có 23% giảng viên quan hệ quốc tế là phụ nữ và khoảng 29% chuyên gia chính trị thuộc cánh "liễu yếu đào tơ".

Với sự chênh lệch kể trên, không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy bóng dáng phụ nữ ít ỏi trong các phòng họp, trụ sở công quyền. Website "Quan chức quốc phòng cấp cao" của Lầu Năm Góc đưa ra danh sách 129 người, trong đó có 16% vị trí thuộc về nữ giới.

Gần đây, ông John M.Robinson - một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ - cho biết 22% quan chức cấp cao của bộ này là phụ nữ. Trong số 171 vị trí đứng đầu các phái đoàn ngoại giao Mỹ trên thế giới, có 50 người là phụ nữ. Một nghiên cứu của Trung tâm An ninh quốc tế (WIIS) chỉ ra rằng vào năm 2007, phụ nữ chỉ chiếm 29% trong tổng số các vị trí của Ban đối ngoại thuộc Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID).

Bà Jolynn Shoemaker - Giám đốc WIIS - cảnh báo về những thiệt hại từ sự thiếu vắng của phụ nữ trên chính trường: "Việc thiếu hụt phụ nữ tham dự vào các chính sách quan trọng sẽ giới hạn khả năng phát triển ý tưởng cũng như đưa ra các cách tiếp cận chính sách đối ngoại mang tính đổi mới ở nhiều tổ chức chính trị".

Trong quân đội Mỹ, tình trạng mất cân bằng giới tính còn sầu thảm hơn. Theo số liệu mới nhất (tháng 3/2010), tỷ lệ nữ sỹ quan là 19% trong Lục quân, 16% trong Hải quân, 19% trong Không quân, 6% trong Binh chủng lính thủy đánh bộ và 18% trong Lực lượng bảo vệ bờ biển.

Hóa giải nguyên nhân

Hàng chục năm qua, ông Micah Zenko đã làm việc cho ba nhóm cố vấn, chuyên gia chính sách ở bốn trường đại học và có hai vị trí trong chính quyền. Ông đã đặt câu hỏi với nhiều đồng nghiệp, bè bạn nữ có thâm niên trong cộng đồng chính sách đối ngoại Mỹ để hóa giải nguyên nhân dẫn tới tình trạng "dương thịnh, âm suy" kể trên.

Bộ ba nữ cố vấn (từ trái qua phải): Susan Rice, Hillary Clinton, Samantha Power. Ảnh: Salon
Cuối cùng, ba lý do chính được nêu ra:

- Thứ nhất: Các đồng nghiệp nữ của Zenko cho rằng so với nam giới, phụ nữ ít hứng thú hơn trong việc nghiên cứu và viết lách về "quyền lực cứng rắn", chẳng hạn như việc sử dụng sức mạnh quân sự và sức ép kinh tế để thay đổi hành vi của các nhân tố nhà nước hoặc phi nhà nước. Trong khi đó, cách tiếp cận kiểu này vẫn đóng vai trò thống lĩnh trong các viện nghiên cứu, ở các nhóm cố vấn chính sách và trong nền chính trị quốc gia. Cách tiếp cận "quyền lực mềm" hoặc "quyền lực thông minh" thường chỉ thu hút sự chú ý của truyền thông. Điều này đã hạn chế phụ nữ tiếp cận với các vị trí đầy tiềm năng trong bộ máy nghiên cứu, hoạch định chính sách đối ngoại.

- Thứ hai: Bởi ưu thế của đàn ông ở các vị trí cấp cao trong các nhóm chuyên gia, cố vấn nên người ta thường rơi vào "chủ nghĩa bè phái vô thức", dẫn tới việc thường thuê nam giới làm người nghiên cứu hoặc chọn nam giới tham dự các cuộc hội thảo. Tỷ lệ giới tính càng thêm chênh lệch bởi phụ nữ thường được xem là gây bất tiện cho hầu hết những sự sắp đặt dành riêng cho nam giới hoặc gây khó xử ở những nơi mà phụ nữ cảm thấy họ là những "phụ nữ chiếu lệ" được mời hoặc được thuê.

- Thứ ba: Một nhà nghiên cứu, cố vấn chính sách thành công cần thường xuyên di chuyển tới các cuộc hội họp trong và ngoài nước, ngập trong các cuộc hẹn gặp ăn sáng hoặc ăn tối, phải trình bày diễn thuyết, thực hiện các công trình nghiên cứu... Trong khi đó, so với nam giới, phụ nữ ít có khả năng hy sinh cho những thứ này bởi họ còn có gánh nặng gia đình.

Có những người phụ nữ có thể vượt qua những lý do trên, không ngại theo đuổi công việc liên quan tới chính sách đối ngoại hay an ninh quốc gia. Phần lớn họ tìm thấy những hình mẫu thể hiện vai trò của phụ nữ để tranh đua hay học hỏi. Thực tế, sự hiện diện của phụ nữ trong vai trò dẫn dắt các quyết định về chính sách đối ngoại đã trở thành một tiêu chuẩn, được minh chứng với bộ ba nữ cố vấn đầy quyền lực trong chính quyền Tổng thống Barack Obama. Đó là Ngoại trưởng Hillary Clinton, nữ Đại sứ tại Liên hợp quốc Susan Rice và thành viên cấp cao Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ Samantha Power.

Tuy nhiên, ngoài câu chuyện thành công trên, nhìn chung tỷ lệ phụ nữ vẫn bất cân xứng trong các "địa hạt" như nghiên cứu chính sách đối ngoại, học giả hàn lâm… Sự mất cân bằng này gây bất lợi cho vai trò của Mỹ trong các vấn đề quốc tế. Tác giả Micah Zenko cho rằng ở những hội thảo tới đây, các chuyên gia của Washington cần nhìn quanh phòng họp và nhận ra ai (các phụ nữ) vắng mặt, sau đó phải lập tức đưa ra phương thuốc cứu chữa vấn đề này.

V.Giang (theo Foreign Policy, NYT)