Tuyên bố vào ngày 27/7 về việc Trung Quốc đã tân trang lại một chiếc tàu sân bay thời Liên Xô dường như khá “hợp thời” nhằm giành lợi thế ngoại giao trong cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Quan chức Bắc Kinh từ lâu giữ yên lặng về việc phát triển tàu sân bay, tuy nhiên, nếu con tàu được triển khai theo lịch trình, nó có thể làm gia tăng đáng kể các khả năng hải quân của Trung Quốc và ảnh hưởng tới cân bằng quân sự tại Đông Á.

'Lẽ tự nhiên'

Trong cuộc họp báo ngày 27/7, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Canh Diên Sinh đã phủ nhận mọi liên quan giữa tuyên bố về tàu sân bay với tranh chấp lãnh thổ giữa Bắc Kinh với một số nước Đông Nam Á ở Biển Đông. "Thời điểm của tuyên bố này không liên hệ gì với vấn đề Biển Đông”, ông Canh nói. “Sẽ không có thay đổi nào trong chính sách quốc phòng và phòng thủ của Trung Quốc".

Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên báo chí chính thống bản địa nói rằng, Trung Quốc sở hữu một tàu sân bay.

Tàu sân bay đậu tại cảng Đại Liên, Trung Quốc. Ảnh: wartard
Một thông tin trên Truyền hình Trung ương Trung Quốc cho hay, 9 quốc gia gồm cả Mỹ, có tàu sân bay. Giải thích thêm rằng những nước như Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có các tàu khu trục có khả năng chở theo trực thăng, đài này nói “Trung Quốc có một tàu sân bay là lẽ tự nhiên”.

Tân hoa xã đóng góp với bản tin đặc biệt khi nói: “Xây dựng và hoạt động một tàu sân bay là việc không thể thiếu để trở thành một cường quốc lớn trên thế giới”.

Quân đội Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng một tàu sân bay nội địa từ năm 2009. Việc sửa chữa nâng cấp Varyag, tàu sân bay lớp Kuznetsov thời Liên Xô mà Trung Quốc mua từ Ukraine, diễn ra từ năm 2002. Tuy nhiên, Bắc Kinh chưa từng chính thức thông báo về các động thái này.

'Không còn cần phải che giấu'

Theo một số nhà phân tích, Bắc Kinh giữ kín các dự án trên để tránh những lời phàn nàn rằng, Trung Quốc đang trở thành mối đe dọa với các quốc gia láng giềng. Tuy nhiên, những bộ phận chính của Varyag, bao gồm hệ thống đẩy, đã hoàn tất đầu năm nay. Những hình ảnh về tàu sân bay cũng đã xuất hiện trên Internet.

Một nguồn tin quân sự Trung Quốc cho biết: “Không còn cần phải che giấu nữa”. Đã xuất hiện những lời kêu gọi trên Internet về việc chính thức tuyên bố sự hiện diện của con tàu.

Nhiều nhà phân tích nhấn mạnh, có những cân nhắc chính trị đằng sau tuyên bố về tàu sân bay.

Ngày 21/7, Bắc Kinh chính thức thông qua các chỉ dẫn để nâng cao hiệu quả một bản tuyên bố kêu gọi giải pháp hòa bình cho tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông giữa Trung Quốc và một số thành viên ASEAN.

Bằng cách xác nhận sở hữu tàu sân bay, Trung Quốc có thể chứng minh họ có một ưu thế hải quân so với những nước Đông Nam Á đưa ra tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, đồng thời giành vị thế thuận lợi trước khi những cuộc đàm phán chính thức bắt đầu.

Quân đội Trung Quốc sẽ bắt đầu làm việc để hướng tới kế hoạch hạ thủy tàu sân bay nội địa đầu tiên năm 2014. Năm trước, một công ty liên kết với quân đội có trụ sở ở Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, đã sản xuất chiếc máy bay chiến đấu Jian-15 đầu tiên sẽ được trang bị cho tàu sân bay.

Sau khi đào tạo cho các phi công cất cánh và hạ cánh từ tàu sân bay trên các đường băng được xây dựng ở Hưng Thành, tỉnh Liêu Ninh và Tây An, tỉnh Thiểm Tây, quân đội Trung Quốc sẽ đào tạo bổ sung trên tàu Varyag.

Trong khi đó, trong thông điệp quốc gia ngày 25/7, Tổng thống Philippines Benigno Aquino khẳng định, chính phủ của ông sẽ nhanh chóng gia tăng các khả năng quân sự để bảo vệ lãnh thổ đất nước.

Philippines gần đây đã mua một tàu tuần duyên hạng nặng lớp Hamilton từ Mỹ, và ông Aquino tuyên bố, nước ông sẽ tăng cường các khả năng hải quân bằng việc tậu thêm nhiều tàu, trực thăng và máy bay nữa.

Ông cũng cho hay, Philippines có thể sẽ đem chuyện tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ra Tòa án quốc tế về Luật biển.

Thái An (theo asahi)

Trung Quốc thử "sát thủ" diệt tàu sân bay
Một quan chức quân sự cấp cao Trung Quốc cho biết, nước này đang thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm xa mới 2.700 km, được mệnh danh là sát thủ tàu sân bay.
 
Trung Quốc bắt đầu làm tàu sân bay nội địa
Theo những nguồn tin ngoại giao và chính phủ Mỹ, Trung Quốc đã bắt đầu xưng dựng tàu sân bay nội địa đầu tiên.
 
TQ hoãn thử tàu sân bay có thể vì Biển Đông
Theo báo Hong Kong, một số yếu tố bên ngoài, như căng thẳng trong tranh chấp Biển Đông, cũng có thể là lý do của việc trì hoãn thử tàu sân bay.