- Trong hào quang chiến thắng sau một chiến dịch tranh cử kéo dài, hao tâm tổn sức, nhiều nguyên thủ trên thế giới sẵn sàng nói sự thật trong lễ nhậm chức...

Chúng ta đang ở giữa khủng hoảng

Đó là lời của Barack Obama trong diễn văn nhậm chức Tổng thống Mỹ tháng 1/2009. Ông đã không lảng tránh sự thật ảm đạm trong một ngày vui.

Obama nói trong lễ tuyên thệ nhậm chức: "Tôi, Barack Hussein Obama long trọng thề sẽ trung thành thực hiện chức vụ Tổng thống của nước Mỹ và sẽ dốc hết khả năng để giữ gìn, bảo vệ và bênh vực Hiến pháp Mỹ". Ảnh: AP

"Hiện ai cũng hiểu rõ việc chúng ta đang ở giữa khủng hoảng. Đất nước chúng ta đang trong cuộc chiến chống một mạng lưới bạo lực và sự hận thù rộng lớn. Nền kinh tế của chúng ta đặc biệt bị suy yếu, hậu quả của sự tham lam và vô trách nhiệm của một số đối tượng, nhưng cũng là thất bại của tất cả chúng ta trong việc đưa ra những quyết định khó khăn và chuẩn bị cho đất nước bước vào một thời kỳ mới. Rất nhiều gia đình mất nhà ở; việc làm bị cắt giảm; các doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Chăm sóc y tế của chúng ta quá đắt đỏ; các trường học của chúng ta không đáp ứng được mong đợi của nhiều người...

Hôm nay, tôi nói với các bạn rằng những thách thức mà chúng ta đang đối mặt là có thực. Chúng rất nghiêm trọng và rất nhiều. Chúng sẽ không dễ gì được giải quyết hoặc kéo dài trong một thời gian ngắn".

Trên tất cả, vị tân Tổng thống trong thời khắc ấy đã khẳng định: "Nước Mỹ nên biết điều này - các thách thức đó sẽ được giải quyết".

Cấp bách phục hồi kinh tế

Tại Hàn Quốc, tháng 2/2008, cựu doanh nhân Lee Myung-bak giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử tổng thống nhờ cam kết đặt kinh tế lên ưu tiên hàng đầu.

Phát biểu tại lễ nhậm chức, tân Tổng thống Lee cam kết: "Phục hồi nền kinh tế là nhiệm vụ cấp bách nhất của chúng ta".

Kế hoạch ông đưa ra có tên "747": tăng trưởng 7%/năm, tăng gấp đôi thu nhập bình quân đầu người lên 40.000 USD trong vòng một thập kỷ tới và biến Hàn Quốc trở thành một trong 7 nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Trong khi đó, ở Nhật Bản, đối mặt với những lựa chọn khó khăn là làm cách nào để dẫn dắt đất nước có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, với gánh nặng nợ công, dân số già và phát triển chậm, khi trở thành Thủ tướng Nhật, ông Naoto Kan đã khẳng định: “Nhiệm vụ của tôi là tái thiết lại đất nước”.

Ông cam kết sẽ đương đầu với các vấn đề liên quan đến “tiền và chính trị”, đồng thời nhấn mạnh nhu cầu tăng cường sự phát triển kinh tế.

Ông Kan cũng xác định rằng khôi phục và tăng trưởng kinh tế là thử thách lớn nhất của Nhật - quốc gia hiện có tốc độ tăng trưởng chậm nhất châu Á.

Lắng nghe tiếng nói của dân

Ngày 21/5 vừa qua, nội các mới của Singapore gồm 15 bộ trưởng đã tuyên thệ nhậm chức. Thủ tướng Lý Hiển Long cam kết chính phủ sẽ tăng cường phát triển, đồng thời coi trọng và quan tâm tới nguyện vọng của thế trẻ. Phát biểu tại buổi lễ, ông Lý Hiển Long tuyên bố: “Chính phủ sẽ luôn nỗ lực phát triển song hành với xã hội nhằm phù hợp với tinh thần thời đại và khát vọng của người dân”.

Đặc biệt, tuyên bố chính trị đầu tiên của ông là xem xét điều chỉnh tiền lương của các bộ trưởng và thành viên nội các. Cùng với việc cải tổ mạnh mẽ chính phủ, tuyên bố này được người Singapore và cả các đảng phái đối lập công nhận là sự điều chỉnh và lắng nghe tiếng nói của công chúng.

Tại Brazil, tháng 1/2011, nữ Tổng thống đầu tiên của nước này, bà Dilma Rousseff đã chính thức tuyên thệ nhậm chức với lời hứa sẽ bảo vệ những người yếu thế nhất và lãnh đạo vì lợi ích toàn thể xã hội.

Diệt tham nhũng, thoát đói nghèo

Phát biểu tại buổi lễ tuyên thệ nhậm chức hôm 30/6/2010, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cam kết diệt trừ tham nhũng, nhất là trong lĩnh vực thuế và hải quan.

Tổng thống Philippines Benigno Aquino: Đã qua rồi thời của một tập thể lãnh đạo vô cảm trước nỗi khổ của nhân dânẢnh: Reuters

Ông cũng tuyên bố sẽ mang đến một kỷ nguyên mới về lãnh đạo, cải cách và một bộ máy hành chính biết cảm thông với những khó khăn của dân thường: "Hôm nay giấc mơ của chúng ta bắt đầu trở thành hiện thực. Đã qua rồi thời của một tập thể lãnh đạo vô cảm trước nỗi khổ của nhân dân".

Có một chi tiết đặc biệt trong ngày trọng đại này, đó là Benigno Aquino đã đến lễ tuyên thệ nhậm chức muộn 40 phút. Nguyên nhân: Lái xe chở ông đã cố gắng đi nhanh và định vượt các đèn đỏ bằng quyền ưu tiên của xe Tổng thống. Tuy nhiên, ông đã yêu cầu tài xế dừng xe trước các đèn đỏ như bất cứ người dân nào.

Thái An tổng hợp


Thư gửi ứng viên Chủ tịch nước và Thủ tướng
Năm 1946, Hồ Chí Minh tuyên bố trước Quốc hội: Hồ Chí Minh không phải là kẻ tham quyền cố vị... Thiết nghĩ ứng viên Chủ tịch nước lần này cũng nên noi gương Người có một lời tuyên bố về bản thân mình như thế.