- Từ câu chuyện đưa con cá tra Việt Nam vào danh sách đỏ của WWF cho đến kết quả khảo sát Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu 2010 mới đây của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), nhiều câu hỏi  được đặt ra về tính khách quan, toàn diện của các xếp hạng này.

Ngày 15/12, VietNamNet nhận được thư độc giả bày tỏ ý kiến về cách thức khảo sát, xếp hạng của các tổ chức quốc tế gần đây như WWF hay TI  liên quan đến Việt Nam. Tôn trọng tính thông tin đa chiều, VietNamNet giới thiệu ý kiến bạn đọc.

Cuối cùng thì tổ chức WWF đã phải bỏ tên con cá tra Việt Nam ra khỏi danh sách đỏ sau rất nhiều đấu tranh của các tổ chức xã hội nghề nghiệp Việt Nam. Điều đáng ngạc nhiên là WWF đã dựa trên 1-2 kết quả nghiên cứu rất sơ sài và lạc hậu từ nhiều năm qua của một trường đại học Hà Lan để xếp con cá tra Việt Nam vào danh sách đỏ.

Nhưng dường như không phải chỉ mình WWF có cách làm như vậy. Khi bài học từ chuyện WWF chưa lắng xuống thì mới đây, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) bất ngờ đưa ra một bảng xếp hạng về chuyện tham nhũng ở Việt Nam chỉ dựa trên những "cảm nhận" của một số người dân, không mang tính đại diện cho toàn thể xã hội.

Đáng tiếc là các báo Việt Nam khi đưa tin về bảng xếp hạng này đã không cho biết biểu mẫu và bảng câu hỏi cụ thể mà TI đã thực hiện, để dựa trên đó đưa ra những nhận xét có thể nói là thiếu tính khách quan và toàn diện đối với thực trạng tham nhũng tại Việt Nam. Điều đó cho phép người đọc có quyền nghi ngờ tính khách quan, chính xác và bao quát của bảng xếp hạng này.

Ngoài ra, sở cứ nào để đưa ra kết luận về thực trạng tham nhũng trong một số ngành ở Việt Nam như TI đã nêu khi cuộc khảo sát chỉ tiến hành trên 1000 người và giới hạn ở 5 thành phố, đô thị trên 86 triệu dân và 64 tỉnh thành ở Việt Nam. Chỉ cần đưa ra một so sánh như vậy cũng đủ thấy bảng xếp hạng này khó lòng thuyết phục.

Hơn nữa, bản thân từ "cảm nhận tham nhũng" mà tổ chức này sử dụng cũng cho thấy tính mơ hồ của nó. Đã là cảm nhận, tức là phụ thuộc nhiều vào cảm xúc, góc nhìn rất khác nhau giữa những cá thể con người khác nhau, không mang tính chính xác về mặt khoa học hay chứng cứ. Nhưng sử dụng "cảm nhận" để đưa ra kết luận về phần trăm tham nhũng trong các ngành thì rất thiếu thuyết phục. Điều đó có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến lòng tin của người dân vào ý chí và những nỗ lực chống tham nhũng của thể chế chính trị nói riêng và toàn xã hội nói chung.

Từ câu chuyện xếp hạng của WWF hay TI cho thấy mọi xếp hạng chỉ mang tính tham khảo. Không thể lấy đó làm sở cứ để kết luận về bất cứ vấn đề gì khi chưa có sự nghiên cứu, khảo sát đầy đủ, toàn diện và xác thực.

  • Độc giả Đặng Tiến (Hà Nội)