- Chủ tịch TP.HCM Lê Hoàng Quân cho hay chưa cần thiết thực hiện phương án ô tô biển số chẵn, lẻ vào nội thành, như đề xuất của Sở Giao thông - Vận tải.


Giải thích trước đại biểu HĐND TP về 3 chương trình đột phá sẽ được thực hiện quyết liệt vào 6 tháng cuối năm, Chủ tịch TP.HCM Lê Hoàng Quân cho biết: "Trong 3 chương trình đột phá của TP: giảm ùn tắc giao thông, giảm ngập nước và giảm ô nhiễm môi trường thì giảm kẹt xe được xem là chương trình trọng điểm".

ĐB Quế Trân tại phiên chất vấn
Ông Quân cho biết, thời gian qua Sở Giao thông - Vận tải đã trình đề xuất thực hiện phương án ô tô biển số chẵn, lẻ vào nội thành, nhằm hạn chế lưu lượng xe ô tô cá nhân. Tuy nhiên, sau khi xem xét, UBND TP cho rằng chưa cần thiết thực hiện, do hệ thống giao thông trên địa bàn chưa kết nối tốt, các tuyến đường vành đai, metro đang được xây dựng, hoàn thiện.

Theo ông Quân, hiện TP.HCM có tới 4,8 triệu xe máy, trung bình mỗi gia đình có 3 xe gắn máy, cứ 3 hộ có một xe hơi. Nếu tính các phương tiện của các tỉnh đổ về thì chắc chắn các tuyến đường TP sẽ quá tải.

"Đó là chưa kể, những năm qua, cho dù diện tích mặt đường được mở rộng thêm khoảng 28 triệu m2, chiếm khoảng 5% của cả nước, nhưng số phương tiện vận tải tăng theo cấp số nhân, chiếm tới 1/3 cả nước. Sự mất cân đối này là nguyên nhân của nạn kẹt xe", ông Quân phân tích.

Chủ tịch TP thiết tha: "Trong thời điểm hiện nay, bà con cử tri nên chia sẻ với TP, bằng cách sử dụng phương tiện giao thông công cộng, tuân thủ luật lệ, nâng cao ý thức khi tham gia giao thông".

Tại phiên bế mạc kỳ họp HĐND TP chiều 14/7, các đại biểu đã thông qua nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2011 với trọng tâm kiềm chế lạm phát, đảm bảo tăng trưởng 12%/năm, cải thiện môi trường đầu tư, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu đô thị mới, phòng chống tham nhũng.

HĐND TP.HCM hôm qua đã chất vấn Giám đốc Sở Y tế Phạm Việt Thanh và Phó Giám đốc Sở Công thương Lê Ngọc Đào.

Các đại biểu đặt nhiều câu hỏi cho bà Lê Ngọc Đào về chương trình bình ổn giá. ĐB Trần Trọng Dũng đưa ra một số địa chỉ bán hàng bình ổn "ma". ĐB Võ Văn Sen cho hay: "Chúng ta có rất nhiều sự bao cấp lên doanh nghiệp. Thực hiện chương trình bình ổn giá đồng nghĩa với việc tạo giá "mồi" để ổn định thị trường, nhưng không biết là "mồi" tới khi nào. Xin hỏi, đây là giải pháp trước mắt hay lâu dài của TP và bao giờ chấm dứt?".

Đồng tình với quan điểm của đại biểu Sen, ông Lâm Thiếu Quân bổ sung thêm: "Làm bình ổn, chúng ta tung tiền cho doanh nghiệp, vô tình đẩy lạm phát lên. Theo tôi, chúng ta không thể triển khai trong thời gian dài được, như vậy là đi ngược cơ chế thị trường".

Phó Giám đốc Sở Công thương giải thích: "Theo quan điểm của tôi, chúng ta vẫn tiếp tục làm, nhất là trong thời điểm mấy năm nay, biến động kinh tế, lạm phát xảy ra, quản lý nhà nước rất khó khăn. Khi nào tình hình kinh tế ổn định, lãnh đạo TP sẽ quyết định có nên tiếp tục làm bình ổn giá nữa hay không".


T.Thiện