- Giải trình phương án miễn, giảm thuế trước Uỷ ban Thường vụ  Quốc hội sáng nay (13/7),  Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho hay, đây chỉ là biện pháp tình thế trong bối cảnh khó khăn đặc biệt.

Sẽ bù đắp hụt thu

Như dự kiến của Chính phủ, tổng số thuế giãn năm 2011 khoảng 6.900 tỉ đồng (sẽ thu vào năm 2012)... Tổng số thuế miễn, giảm năm 2011 khoảng 4.200 tỉ đồng và của năm 2012 khoảng 2.200 tỉ đồng.

Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền cho rằng, 6 tháng qua, doanh nghiệp vượt qua khó khăn nhờ tác động chính sách từ năm ngoái. Ảnh minh họa: Lê Nhung
Tuy nhiên, Bộ trưởng Ninh giải thích, Chính phủ đã có phương án để bù đắp hụt thu. Chẳng hạn, điều chỉnh thuế nhập khẩu với ôtô, kiểm tra lại các doanh nghiệp FDI khai lỗ...

Theo tờ trình, Chính phủ đề nghị cho phép giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp năm 2011 đối với các doanh nghiệp thuộc đối tượng được gia hạn thời hạn nộp thuế TNDN năm 2011 tại Quyết định số 21 của Chính phủ.

Các cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho công nhân, sinh viên, học sinh thuê, chăm sóc trông giữ trẻ, cung ứng suất ăn ca cho công nhân giữ ổn định mức giá như cuối năm 2010 được đề xuất giảm 50% mức thuế GTGT, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và thuế TNDN từ quý 3/2011 đến hết năm 2011.

Chính phủ cũng đề xuất miễn thuế TNCN từ 1/8/2011 đến hết  31/12/2012 với các trường hợp cổ tức được chia cho cá nhân (trừ cổ tức của ngân hàng cổ phần, các quỹ đầu tư tài chính, các tổ chức tín dụng) từ hoạt động đầu tư vào thị trường chứng khoán, cá nhân góp vốn mua cổ phần của doanh nghiệp. Miễn thuế đối với thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng chứng khoán của cá nhân (20% trên thu nhập hoặc 0,1% trên giá trị chuyển nhượng).

Ngoài ra, Chính phủ đề xuất miễn thuế TNCN cho các cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế thu nhập cá nhân ở bậc 1 của biểu thuế lũy tiến từng phần quy định tại luật thuế thu nhập cá nhân.


Không chính sách nào không bị lợi dụng

Đồng tình với đề xuất của Chính phủ, tuy nhiên, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tính toán kỹ tác động liên quan, đặc biệt rút kinh nghiệm từ việc các chính sách kích cầu năm 2009 đã từng bị lợi dụng dẫn đến tình trạng kích cầu cho nhà giầu.

"Không chính sách nào là không bị lợi dụng. Do đó chủ trương đúng phải đi đôi với việc hạn chế lợi dụng chính sách", Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước lưu ý.

Như phân tích của Uỷ ban Tài chính - Ngân sách, việc miễn, giảm thuế cho một số đối tượng sẽ khó bảo đảm tính khả thi, thiếu chặt chẽ trong quản lý, dễ phát sinh tiêu cực. Chẳng hạn, miễn, giảm cho một số đối tượng với điều kiện phải cam kết giữ giá. Nhưng sẽ rất khó khăn để kiếm soát vấn đề này.

Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, không nên lẫn lộn chính sách thuế với chính sách an sinh xã hội. Về lâu dài, nên có biện pháp hỗ trợ trực tiếp đến đối tượng yếu thế để tránh thất thoát.

Ngoài ra, một số thành viên uỷ ban thường vụ cho rằng, việc miễn thuế TNCN ở bậc 1 chỉ mang tính động viên, mức thuế được miễn quá ít nên sức lan toả của chính sách không lớn.

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, việc hỗ trợ thuế cho các doanh nghiệp không giải quyết được tận gốc khó khăn bởi khúc mắc lớn nhất hiện nay là doanh nghiệp thiếu vốn, lãi suất vay quá cao.

Các vấn đề trên sẽ được xem xét, cân nhắc trước khi Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết chính thức.

  • Lê Nhung