Tuần báo Courrier International của Pháp số ra cuối tháng 6 đã dành 7 trang cho loạt bài mổ xẻ những vấn đề xã hội của Trung Quốc, trích dịch các bài báo từ Bắc Kinh, Hồng Kông và Singapore. VietNamNet giới thiệu với bạn đọc loạt bài này.

Kỳ 1: Đồng cỏ của chúng ta từng xanh tốt

Nhiều cuộc xung đột dữ dội giữa những người nuôi gia súc ở Nội Mông và các nhà công nghiệp mỏ đã diễn ra, trong hoàn cảnh chính quyền địa phương tham nhũng. Cuộc điều tra dưới đây đã đưa ra ánh sáng những vụ rắc rối đó và đã bị kiểm duyệt.

Trích tạp chí Tài Kinh - Bắc Kinh

Trên con đường thô sơ nối gacha Tát Như La với con đường liên tỉnh 307, hàng trăm chiếc xe tải lớn hàng ngày nối đuôi nhau, tạo nên từng đám mây bụi như các cơn lốc cát vẫn thường thấy trên thảo nguyên. Gacha trong tiếng Nội Mông là từ dùng để chỉ một đơn vị hành chính cấp cơ sở, giống như từ Làng trong tiếng Việt. Đoạn đường đó chạy qua nhà mục đồng Mergen. Và chính trên đoạn đường đó, ngày 10/5/2011, hồi 23 giờ, Mergen đã chết.

Một khu khai thác mỏ ở Nội Mông. Ảnh: bayourenaissanceman
Tích Lâm Hạo, thủ phủ của tỉnh Tích Lâm Quách, ở Nội Mông, có rất nhiều than với các mỏ than nâu lớn nhất Trung Quốc. Mỏ Bạch Âm Hoa, thuộc tỉnh Tây Ô Châu Mục Tầm Kỳ, chạy dọc theo con đường tỉnh lộ 307. Các xe tải chở than đã làm sụt hỏng con đường cũ. Người ta làm một con đường mới trải nhựa, song song với con đường cũ. Cánh đồng cỏ rộng lớn nổi tiếng của Nội Mông đang trở thành mảnh đất mà tất cả các công ty lớn của ngành công nghiệp nhiệt điện đều xâu xé. “Khắp nơi trên thảo nguyên đều gặp những người từ nơi khác đến thăm dò”, một mục đồng giải thích với chúng tôi như vậy.

Mergen, người làng Tát Như La, 35 tuổi. Ngày 10/5/2011, vào khoảng 23 giờ, Mergen và một số người khác tìm cách ngăn các xe tải đi qua đồng cỏ. Họ muốn tỏ thái độ bất bình với việc các xe tải đến từ hầm mỏ làm đảo lộn cuộc sống của họ, ngày cũng như đêm, và tạo ra các đám mây bụi cùng những tiếng ồn tệ hại. Vậy là một cuộc tranh cãi về quyền sử dụng con đường đã nổ ra.

Thí tốt

Theo một thông cáo của cảnh sát khu tự trị Nội Mông, những người chặn xe tải này đã tranh cãi với hai người có tên là Lý Lâm Đồng và Lô Hướng Đông, cả hai đều là lái xe chở than và trước đó đã uống ít rượu. Lý và Lô trèo lên xe, nổ máy để mở đường. Mergen lúc đó đứng ở đầu mũi xe để chặn họ lại, đã bị kéo lê 145 mét trước khi ngừng thở. Hai gã lái xe bỏ trốn. Sau đó, họ đã bị chất vấn.

                  Lạm phát
Theo Cục thống kê quốc gia Trung Quốc, tháng 5, chỉ số giá tiêu dùng tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2010, mức cao nhất trong gần 3 năm qua. Giá các mặt hàng thực phẩm tăng cao nhất: 11,7%.
Theo lời một chuyên gia kinh tế được hãng thông tấn Tân Hoa Xã trích dẫn, năm nay, lạm phát có thể tăng 6%, mặc dù chính phủ đặt mục tiêu kiềm chế ở mức 4%.

Những vụ rắc rối khác tiếp tục diễn ra. Sáng ngày 15 tháng 5, khoảng 30 người dân sống quanh khu mỏ Mã Ni Đồ, thuộc A Ba Ca (tỉnh Tích Lâm Quách), đã tụ tập trước cổng trụ sở công ty mỏ Bình An để phản đối tiếng ồn, bụi bẩn và ô nhiễm nguồn nước do việc khai thác than gây ra. Họ yêu cầu chấm dứt việc khai thác than tại đây. Các vụ va chạm giữa công nhân và người dân đã xảy ra, làm 7 người bị thương. Đến chiều, các vụ ẩu đả mới đã làm thiệt mạng một người dân tên là Yên Ôn Long.

Ngày 23/5, khoảng ba chục người chăn nuôi đã kiện lên trụ sở chính quyền Tây Ô Châu Mục Tầm Kỳ. Ngày 24, số người biểu tình đã lên đến hàng trăm người. Ngày 25/5, hàng ngàn sinh viên Nội Mông đã biểu tình trên đường phố và tập trung tại trụ sở chính quyền tỉnh Tích Lâm Quách. Một nghị sĩ tỉnh Tây Ô Châu Mục Tầm Kỳ giải thích với chúng tôi rằng các mục đồng bất bình vì các yêu sách nhằm bảo vệ quyền lợi của họ không được lắng nghe. "Hai tài xế bị thí tốt. Còn những thủ phạm thực sự thì đứng trong hậu trường và không bị truy tố", ông tuyên bố.

Từ nhiều năm nay, các dự án phát triển gắn liền với việc khai thác than không ngừng gia tăng. Trong cuộc họp quốc hội mới đây, nghị sĩ Vương Xuân Thành, người sáng lập ra tập đoàn Xuân Thành đang quản lý việc khai thác than tại miền Đông-Bắc Trung Quốc, đã tiết lộ rằng một tuyến đường sắt dài 496 km, nối thành phố Phụ Tân thuộc Liêu Ninh, và thành phố Ba Nhạn Ô La thuộc Nội Mông sẽ được hoàn thành vào cuối năm nay và sẽ chính thức đi vào hoạt động vào tháng 7/2012. Đây sẽ là tuyến đường sắt dài nhất do một công ty tư nhân ở Trung Quốc khai thác. Thế mà ông nghị Vương Xuân Thành lại trực tiếp nhúng tay vào vụ Vĩ Tiểu Bình, nguyên bí thư tỉnh uỷ Tích Lâm Quách, người đã nhận tiền tấn trong vụ đàm phán từ tháng 5/2004 đến tháng 3/2006 giữa nhiều công ty, trong đó có tập đoàn Xuân Thành, về việc xây tuyến đường này. Ngày 29/9/2010, toà sơ thẩm kết án Vĩ tù chung thân vì nhận hối lộ.

Dù là con đường được hình thành do xe tải chở than chạy qua đồng cỏ hay là tuyến đường sắt mới, thì thảo nguyên đều bị thương tổn nặng nề. Trong khi quyền được sử dụng con đường và quyền khoan hầm mỏ là bắt buộc thì quyền của những người chăn thả súc vật lại luôn bị nhạo báng.

Năm 2003, tỉnh Tích Lâm Quách đã đặt mục tiêu khởi đầu sự chuyển dịch kinh tế của toàn vùng trong vòng 3 năm. Các công ty nhiệt điện kéo đến vùng này đương nhiên mang theo sự giàu có. Tuy nhiên, việc phát triển các mỏ than nhanh chóng làm mối quan hệ với các mục đồng trở nên căng thẳng và huỷ hoại đồng cỏ. Việc bơm những khoản tiền khổng lồ từ ngoài vào cũng kéo theo sự thoái hoá tư cách đạo đức của các công chức địa phương, ví dụ như trường hợp của Lưu Trác Trí, nguyên phó chủ tịch khu tự trị Nội Mông. Ông này đã bị cách chức tháng 12 năm ngoái, sau nhiều năm quản lý tỉnh Tích Lâm Quách.

Không chứng nhận sở hữu

Sau khi khu mỏ và nhà máy nhiệt điện Bạch Âm Hoa ở Ô Châu Mục Tầm Kỳ được xây dựng, dòng sông Cao Lực Hãn bị ngăn bởi một đập nước. Năm 2005, chính quyền di dời những người dân sống gần khu mỏ và họ nhận một khoản tiền đền bù để di dời, nhưng sau đó, đất của họ đã được cho thuê với giá đắt gấp 10 lần ! Ấy là chưa kể đến cái giá phải trả cho đồng cỏ bị huỷ hoại do hoạt động của hầm mỏ và nhà máy điện.

Tỉnh Tây Ô Châu Mục Tầm Kỳ nằm ở phía Đông tỉnh Tích Lâm Quách. Tỉnh có diện tích 22.960 km2, 88% diện tích là đồng cỏ tự nhiên. Dân số của tỉnh là 72.376 người, trong đó 68% là người Nội Mông và 55,1% là mục đồng. Trong kế hoạch 5 năm lần thứ 11, được hoàn thiện tháng 3/2011, Trung Quốc dự kiến dần dần biến tỉnh này thành khu sản xuất năng lượng và kim loại chủ yếu của toàn vùng, song song với phát triển sản xuất các sản phẩm sinh học và biến khu vực này thành một trung tâm du lịch. Các định hướng trên cho thấy rõ sự xung khắc giữa việc phát triển kinh tế của tỉnh và lối sống du mục truyền thống. Quả thực, việc phát triển các mỏ than, trong đó có việc làm đường để chở than, luôn kèm theo sự huỷ hoại đồng cỏ dành cho chăn nuôi gia súc.

Vì việc quản lý đồng cỏ thuộc quyền sở Nông nghiệp còn việc khai thác than lại thuộc quyền quản lý của sở Tài nguyên và Lãnh thổ quốc gia, một cuộc chiến lợi ích đã diễn ra giữa hai bên trên vùng thảo nguyên. Vì không có "chứng nhận sở hữu trên các khu đất công", Nội Mông đành chịu cảnh không biết rồi sẽ đi về đâu. Theo luật về thảo nguyên, những người chăn thả gia súc chỉ có quyền trên các bãi chăn thả mà không có quyền đối với phần đất nằm dưới bãi chăn thả đó. "Không có cách nào để xác định đồng cỏ và đất đai của một gacha thuộc về ai. Chính vì vậy, việc làm đường hay xây mỏ đương nhiên sẽ dẫn đến việc đàm phán giữa chủ mỏ và người dân, dẫn đến những bất đồng giữa người khai thác mỏ và các mục đồng, và không thể tìm thấy tiếng nói chung giữa tất cả các bên". Đối với Trần Cơ Quân, hoạ sĩ và là chuyên gia về Nội Mông, cái chết của Mergen và Yên Ôn Long đã diễn ra trong bối cảnh như thế.

Nhiều nguồn bất ổn:
Ngày 10/5: Phản kháng của những người chăn thả gia súc Nội Mông sau khi một mục đồng bị một xe tải đâm chết.
26/5: Tại Phúc Châu, một người đàn ông tức giận vì nhà mình bị phá đã đặt bom ở trụ sở chính quyền. Người đàn ông và hai người khác đã chết trong vụ đặt bom.
Đầu tháng 6: Tại Lâm Xuyên, cái chết của một viên chức khi đang bị tạm giam vì đã đặt nghi vấn về một vụ giao dịch đất đai đã gây ra bạo động.
10/ 6: Tại Thiên Tân, một người đàn ông đặt bom ngoài trụ sở của chính quyền địa phương để "trả thù cho xã hội".
10-12/6: Tại Quảng Châu, các vụ bạo động của người lao động di cư đã xảy ra sau khi cảnh sát có hành động thô bạo với một phụ nữ bán hàng rong đang mang thai.


  • Phương Hương Hoa (dịch từ Courrier International)