Khi tính dân tộc chủ nghĩa chiếm vị trí ưu tiên với tất cả các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, những vụ việc tương lai rất khó có thể xuống thang.

Những tranh cãi chính trị âm ỉ kéo dài ở Biển Đông - vùng biển giàu tài nguyên dầu khí diễn ra tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa Trung Quốc và bốn nước Đông Nam Á - có thể bắt đầu trở thành cuộc xung đột thực sự.

Ảnh: foreignpolicyblogs

Trong tháng qua, số lượng và cường độ các cuộc đụng độ trên biển giữa Trung Quốc và những nước tuyên bố chủ quyền khác như Việt Nam và Philippines đã gia tăng, căng thẳng leo thang mạnh mẽ có nguy cơ trở thành một quả bom hẹn giờ trong khu vực.

Hàng loạt sự kiện kịch tính

Tranh chấp liên tục diễn ra tới đỉnh điểm trong hàng loạt sự kiện kịch tính.

Cuối tháng 5, tàu Trung Quốc đã cắt cáp tàu thăm dò địa chấn của Việt Nam ở địa điểm chỉ cách bờ biển Việt Nam vài chục hải lý. Ít tuần sau đó, Trung Quốc lặp lại hành động này với một tàu thăm dò khác của Việt Nam. Việt Nam đã mạnh mẽ phản đối hành động gây hấn của Trung Quốc.

Tình hình tương tự cũng diễn ra với Philippines. Tổng thống nước này, ông Benigno Aquino đã cáo buộc Trung Quốc bắn vào một tàu Philippines, tấn công một số tàu cá và vi phạm vùng đặc quyền của nước ông. Trong bối cảnh này, ông Aquino đã công khai kêu gọi việc tái đảm bảo an ninh từ phía Mỹ. Thực tế là, Hạm đội 7 của Mỹ vào tuần trước đã thực hiện cuộc tập trận hải quân chung với mục tiêu ngầm chứng tỏ nỗ lực củng cố khả năng của Philippines trong việc phòng thủ và bảo vệ vùng biển trước những sự quả quyết mới của Trung Quốc.

Trung Quốc muốn giải quyết tranh chấp song phương, mặt đối mặt với các láng giềng nhỏ hơn, và không thích Mỹ can thiệp vào khu vực. Khi các nước Đông Nam Á tìm kiếm sự hỗ trợ từ Mỹ, thì Bắc Kinh ngày càng lo ngại rằng, mục đích của Mỹ là bao vây Trung Quốc về cả quân sự và ngoại giao.

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng về chủ quyền hàng hải, Mỹ và Việt Nam đã cùng nhau kêu gọi tự do hàng hải và bác bỏ sử dụng vũ lực ở Biển Đông. Sau một cuộc hội đàm tại Washington, hai bên đã khẳng định “duy trì hòa bình, ổn định, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông là lợi ích chung của cộng đồng quốc tế”. Hai bên nhấn mạnh: "Toàn bộ tranh chấp ở Biển Đông nên được giải quyết thông qua một tiến trình ngoại giao hợp tác, không ép buộc hay sử dụng vũ lực”.

Động thái này đã tăng gấp đôi báo động của Bắc Kinh. Đáp trả lại, Trung Quốc tỏ ý với các láng giềng Đông Nam Á rằng, sự ủng hộ của Mỹ không thể buộc Bắc Kinh xuống nước, trong khi tất cả các bên còn lại vẫn kiên quyết không nhượng bộ về chủ quyền lãnh thổ.

Tuyên bố không đủ

Xung đột này đã nhấn mạnh những nguy cơ của môi trường nhiều thách thức ngày nay, khi các tàu với khả năng quân sự đã phớt lờ những tín hiệu của bên khác và thực hiện hành động khiêu khích. Khi cảm nhận dân tộc chủ nghĩa chiếm ưu thế ở tất cả các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông thì những vụ đụng độ tương lai sẽ rất khó có thể giảm bớt.

Mặc dù trong tuần này, cả Việt Nam và Trung Quốc đã khẳng định cần tích cực thực hiện nhận thức chung của lãnh đạo hai nước, giải quyết hòa bình các bất đồng trên biển giữa hai nước thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị; áp dụng biện pháp có hiệu quả, cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định tại biển Đông; thúc đẩy việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC); phản đối sử dụng vũ lực ở Biển Đông, thì những tuyên bố như vậy cần phải đi kèm với hành động cụ thể.

Mặc dù những nhà lãnh đạo cấp cao Bắc Kinh đã đưa ra kêu gọi hòa giải, với việc Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào mong muốn về một “châu Á hòa hợp” và cử phái viên đi trấn an một số nước ASEAN, thì các tàu tuần tra Trung Quốc vẫn tiếp tục quấy nhiễu các tàu thăm dò năng lượng của Việt Nam và Philippines. Và đây chính xác là những hành động vi phạm DOC. Thêm dầu vào lửa là sự gia tăng quân sự hóa trong khu vực, làm dấy lên nguy cơ chạy đua vũ trang.

Nếu khu vực muốn tránh lâm vào một trò chơi đụng độ nguy hiểm, thì các tuyên bố lớn lao là không đủ. Các nước phải đi đôi với hành động và ngừng những hoạt động tuần tra ở các khu vực tranh chấp cho tới khi DOC thực sự được thực hiện. Đặc biệt, Trung Quốc cần làm rõ những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ rộng lớn và mơ hồ trong khu vực, và những tuyên bố ấy cần dựa trên Công ước LHQ về Luật Biển.

Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN trong tháng này đem lại một cơ hội vàng để các bên liên quan tiến hành những bước đi cụ thể hướng tới thực hiện DOC.

Những cuộc diễn tập chung giữa các quốc gia ở Biển Đông cần được mở rộng. Và tất cả các bên cần nhất trí những bước đi cụ thể để tháo gỡ căng thẳng. Nếu cơ hội nhằm thiết lập một con đường xây dựng phía trước không được thực hiện, thì các cuộc đụng độ hơn nữa ở Biển Đông có thể leo thang thành xung đột mở.

* Tác giả, Stephanie T. Kleine-Ahlbrandt, là giám đốc về dự án Đông Bắc Á của Nhóm Nghiên cứu khủng hoảng Quốc tế.

  • Thái An (Theo globalpost)