- Philippines và Mỹ đang chuẩn bị cho một cuộc tập trận hải quân chung vào cuối tháng này.

TIN BÀI KHÁC:

Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Chung-Hoon của Hải quân Mỹ sẽ tham gia cuộc tập trận CARAT Ảnh: navsource
Quan chức Philippines nhấn mạnh rằng, căng thẳng ở Biển Đông không liên quan tới chương trình tập trận. Quân đội Philippines đưa ra thông tin xác nhận sự kiện diễn tập hải quân chung giữa lúc Trung Quốc lên tiếng cảnh báo Mỹ không liên quan vào tranh chấp ở Biển Đông vì họ cho rằng “Mỹ không phải là một bên trong cuộc tranh chấp”.

Tập trận hải quân chung sẽ bắt đầu vào 28/6 tại Lực lượng Hải quân miền Tây (Navforwest)”, phát ngôn viên Các lực lượng vũ trang Philippines (AFP) Jose Miguel Rodriguez nói.

Đây là chương trình được lên kế hoạch từ năm ngoái”, Rodriguez nhấn mạnh. Chưa có thông tin cụ thể về địa điểm diễn ra cuộc diễn tập nhưng Navforwest hoạt động chính ở biển Sulu và vùng lân cận.

Theo quan chức Philippines, cuộc tập trận hải quân mang tên “Cooperation Afloat Readiness and Training” gọi tắt là CARAT, nhằm duy trì sự sẵn sàng chiến đấu của hải quân, nằm trong khuôn khổ Hiệp ước Phòng thủ chung giữa Mỹ và Philippines. Diễn tập CARAT năm nay có mục tiêu thử nghiệm khả năng của hải quân hai nước nhằm thực hiện “tự do các hoạt động hàng hải”.

Quan chức quân sự Philippines tuyên bố về kế hoạch diễn tập giữa lúc căng thẳng ở Biển Đông gia tăng bởi những cáo buộc tàu Trung Quốc xâm nhập vào vùng biển Philippines và khu vực tranh chấp, đặc biệt ở quần đảo Trường Sa.

Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Chung-Hoon của Hải quân Mỹ sẽ tham gia CARAT. Được coi là một trong những tàu chiến hùng mạnh nhất của Hải quân Mỹ, con tàu lớp Arleigh Burke rời căn cứ tại Hawaii tuần trước và có thể giờ đây đã có mặt ở vùng biển quốc tế gần biển Sulu. Tướng AFP Eduardo Oban Jr. khẳng định, sự xuất hiện của Chung-Hoon không liên quan gì tới tranh chấp lãnh thổ giữa Philippines và Trung Quốc.

Phát ngôn viên Hải quân Philippines Omar Tonsay cho hay, tàu của Hải quân Mỹ chưa có liên lạc gì và có thể họ phải hoàn thành một nhiệm vụ riêng biết trước khi tới Philippines. “Chưa cần có sự hợp tác giữa quan chức Chung-Hoon với chúng tôi trong các hoạt động của họ khi họ vẫn ở vùng biển quốc tế. Họ sẽ thông tin cho chúng tôi khi họ tới cảng. Có thể họ có các hoạt động khác trước CARAT”, Tonsay nói.

Ông cho biết thêm, chi tiết cuộc tập trận hải quân chung vẫn chưa được làm rõ. “Chúng tôi dự kiến sẽ họp vào tuần tới”, ông nói.

Dinh tổng thống Philippines trong khi đó đã bày tỏ tin tưởng rằng, nước này có thể trông cậy vào sự ủng hộ của Mỹ để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ nhưng nhấn mạnh tính ưu việt của ngoại giao trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Phó phát ngôn viên dinh tổng thống, Abigail Valte, nói trên đài phát thanh dzRB rằng, các lãnh đạo AFP có thể sẽ đề cập tới vấn đề lãnh thổ trong hội nghị Uỷ ban Phòng thủ chung Philippines – Mỹ ở Hawaii vào tháng 8.

Cảnh báo

Trước đó, Trung Quốc đã cảnh báo Mỹ đứng ngoài vấn đề Biển Đông. “Những gì nên làm để giải quyết tranh chấp lãnh thổ là trên cơ sở điều khoản song phương, và Mỹ không phải là một bên trong cuộc tranh chấp”, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Lưu Kiến Siêu nói trong một diễn đàn hôm thứ Năm.

Tôi hiểu sự quan tâm của Mỹ là thực sự không cần thiết, sau tất cả, vùng biển này vẫn luôn an toàn và yên bình”, ông này nhấn mạnh. “Chúng tôi đã cố gắng mọi cách để khiến khu vực này thành vùng hòa bình, ổn định, và cho tới nay, hoạt động hàng hải ở đây vẫn luôn an toàn và yên bình. Vì vậy, không có lý do gì cho sự can thiệp tại đây”.

Vị đại sứ Trung Quốc thậm chí còn khẳng định: “Tranh chấp lãnh thổ là cuộc tranh chấp giữa các bên tuyên bố chủ quyền, nên thực sự một quốc gia bên ngoài khu vực không có liên quan gì trong tranh chấp lãnh thổ trong khu vực này".

Ông này còn cảnh báo, bất cứ chuyến thăm nào của các nghị sĩ Philippines tới khu vực tranh chấp đều tương đương với hành động xâm phạm.

Hôm thứ Sáu, Mỹ đã lên tiếng về tình hình Biển Đông. Nước này bày tỏ sự lo lắng về căng thẳng ở vùng biển và thúc giục các quốc gia trong khu vực làm việc vì một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng.

Người phát ngôn bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nói: "Chúng tôi lo lắng bởi những báo cáo gần đây về tình hình Biển Đông và tin tưởng rằng, nó chỉ làm gia tăng căng thẳng, không góp phần cho hòa bình và an ninh khu vực. Chúng tôi ủng hộ một tiến trình hợp tác ngoại giao…và kêu gọi tất cả các bên tuyên bố chủ quyền, cả trên đất liền và trên biển, tuân thủ luật pháp quốc tế”.

Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb (bang Virginia) vào thứ Hai tới sẽ đệ trình một nghị quyết lên Thượng viện Mỹ lên án việc Trung Quốc sử dụng vũ lực ở Biển Đông. Ông Webb, Chủ tịch Tiểu ban các vấn đề Đông Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ, đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về việc Trung Quốc liên tiếp sử dụng vũ lực để khẳng định chủ quyền hàng hải ở Biển Đông.

Trang web của văn phòng Thượng nghị sỹ bang Virginia vào ngày 10/6 đã đăng tải thông cáo báo chí nêu rõ: “Các quan chức ở bộ ngoại giao và Bộ chỉ huy Thái Bình Dương cho biết, vào ngày 9/6, ba tàu an ninh hàng hải của Trung Quốc đã lao vào và làm hỏng cáp của một tàu thăm dò Việt Nam, tàu Viking 2, trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam. Hành động này diễn ra tiếp theo các vụ việc tương tự ngày 26/3 ở gần Việt Nam và trong tháng 3 ở gần Philippines, cũng như các vụ việc trên biển vào năm ngoái tại quần đảo Senkaku dưới sự quản lý của Nhật Bản”.

Thông cáo nhấn mạnh: “Kiểu đe dọa của Trung Quốc gây quan ngại sâu sắc. Mỹ có lợi ích chiến lược rõ ràng trong việc tạo điều kiện cho việc tiếp cận đa phương, hòa bình hướng tới giải quyết các tranh chấp và đảm bảo sự tiếp cận cởi mở cho thương mại cũng như tôn trọng luật pháp quốc tế”.

  • Thái An (Tổng hợp từ philstar, Straitstimes, BBC)