- Ngày 31/5, hội thảo khoa học "Chủ tịch Hồ Chí Minh - hành trình tìm đường cứu nước" do Thành ủy TP.HCM chủ trì đã được tổ chức với sự tham gia của nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cơ quan TƯ, các vị lão thành cách mạng, nhà khoa học, nhân sĩ trí thức, chức sắc tôn giáo.

Ngày lịch sử đặc biệt

Phát biểu khai mạc, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Đinh Thế Huynh nhận định: "Cách đây 100 năm, ngày 5/6/1911, từ bến cảng Sài Gòn, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã ra đi tìm đường cứu nước. Đó là thời điểm sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta bế tắc về đường lối “như trong đêm tối không có đường ra”. Nhiều cuộc khởi nghĩa và phong trào yêu nước bị thực dân đàn áp, dìm trong bể máu và đều thất bại. Khi ấy, anh Ba (tên gọi của Bác Hồ lúc đó) ra đi với một lòng yêu nước cháy bỏng, sự mẫn cảm, nhạy bén chính trị tuyệt với ẩn sau một thân phận quá đỗi bình thường - người phụ bếp trên chiếc tàu của Pháp.

Theo thời gian, thực tiễn lịch sử đã khẳng định, đó là sự mở đầu cho một cuộc hành trình vĩ đại, vô cùng gian lao, quả cảm và sáng tạo suốt 30 năm đi tìm chân lý, tìm con đường giải phóng cho cả dân tộc Việt Nam của Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh".

Các thế hệ lãnh đạo đất nước cùng có mặt ở hội thảo. Ảnh: T.Thiện

Cùng chung quan điểm, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa TƯ Trần Trọng Tân cho rằng: "Cần gọi ngày 5/6/1911 là  ngày có ý nghĩa lịch sử đặc biệt. Từ bến cảng Sài Gòn, Người đã ra đi tìm đường cứu nước và đã tìm được con đường đúng, mở ra trang sử mới cho dân tộc Việt Nam".   

Tầm nhìn vượt thời gian  

Trong bài tham luận "Vững bước trên con đường Người đã chọn, tiếp tục đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phân tích: Sau ngày 5/6, ra đi từ bến Cảng Sài Gòn - là hành trình 30 năm (1911 - 1941) tìm con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước của Cchủ tịch Hồ Chí Minh. Vào thời điểm đó không một ai biết rằng vận mệnh của dân tộc Việt Nam sẽ gắn liền với quyết định ra đi của một con người mà lịch sử đã chứng tỏ là sáng suốt, phi thường...

"9 năm sau khi rời bến cảng Sài Gòn đi tìm đường cứu nước, Bác Hồ đã tìm đến luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, bắt đầu hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cách mạng Việt Nam... Tư tưởng đó không ngừng được Người bổ sung và phát triển, đạt đến tầm cao minh triết, trở thành tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta. Dưới ánh sáng và tư tưởng Hồ Chí Minh, lớp lớp thế hệ người Việt Nam phải vững bước theo con đường mà người đã chọn, đó là con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, con đường mang tầm nhìn vượt thời gian...", Thủ tướng nói.           

Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu khẳng định phải kiên định con đường Bác Hồ, Đảng và nhân dân ta đã chọn.

"Tôi xin nhấn mạnh một điểm: thực thà tự phê bình và phê bình từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới, đặc biệt từ cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, trong các cán bộ cao cấp, trung cấp... Không xây dựng được tinh thần và nền nếp thực thà tự phê bình và phê bình thì không thể nào xây dựng Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị trong sạch vững mạnh" - ông nhấn mạnh.      

Dưới góc độ thực tế, linh mục Nguyễn Công Danh, Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Công giáo Việt Nam tỏ ra băn khoăn: 100 năm từ dấu mốc lịch sử ấy, lần đọc những tài liệu về cuộc đời của Người, tôi không khỏi ngỡ ngàng khi soi xã hội của chúng ta vào trong đó. Trong khi cả thế kỷ trước, nước VN chiến tranh, nghèo nàn và lạc hậu đã có thể đưa một người con ra đi và tự tin trông đợi người con ấy trở về để làm cách mạng và giải phóng dân tộc, thì ngày hôm nay, một đất nước phồn thịnh hơn rất nhiều lần lại đang đối diện với cảnh chảy máu chất xám, với hàng trăm sinh viên mỗi ngày lên máy bay đi học tập ở những nơi xa lạ mà đón được bao nhiêu đứa con trở về xây dựng đất nước? 

"Thế hệ trẻ Việt Nam cần nắm bắt những cơ hội học tập của bản thân, không ngừng nỗ lực phấn đấu. Đích đến thành công của mỗi cá nhân luôn phải gắn liền với thành công của cả dân tộc" - linh mục Danh rút ra bài học cho lớp trẻ hôm nay.  

T.Thiện