- Giới thiệu chủ đề của Đối thoại chống tham nhũng lần 9, Đại sứ Thụy Điển đưa ra thông tin: Trong danh mục nước nghèo nợ cao của Ngân hàng Thế giới, có 12 nước phụ thuộc hầu hết vào khoáng sản, 6 nước phụ thuộc chủ yếu vào dầu hỏa. 1,5 tỉ người đang sống ở những nước giàu tài nguyên kiếm được chưa đầy 2 USD/ngày.

>> 'Ăn quỵt' của môi trường chính là tham nhũng
>> Sáng kiến Phòng chống tham nhũng Việt Nam 2011 (VACI)


Những con số trên cảnh báo một quốc gia giàu tài nguyên khoáng sản không hẳn là một quốc gia thịnh vượng và có phúc lợi tốt cho mọi công dân. Đó là "lời nguyền khoáng sản", một nghịch lý mà nguyên nhân cơ bản chính là tham nhũng.

Tài nguyên khoáng sản là không thể tái tạo, không quản lý tốt nguồn thu từ khai thác khoáng sản thì đó sẽ là những tài sản mất đi không thể lấy lại.

Tham nhũng trong khai khoáng đang đẩy Việt Nam đến gần hơn "lời nguyền khoáng sản". Ảnh minh họa: Khai thác khoáng sản ở Cao Bằng (Kiên Trung)
Tham nhũng trong khai khoáng ở Việt Nam, dù có hậu quả ngắn hạn là thất thu thuế, hay hậu quả dài hạn là những tác động tiêu cực đối với môi trường và cộng đồng, đều đang đẩy Việt Nam đến gần hơn "lời nguyền khoáng sản". "Công cụ hữu hiệu để phòng chống tham nhũng trong khai khoáng, hay trong bất cứ lĩnh vực nào, cũng là điều mà 8 Đối thoại chống tham nhũng trước đều nhấn mạnh, chính là minh bạch và trách nhiệm giải trình", Đại sứ Thụy Điển nói.

178 triệu đồng "mua" thông tin

Thiếu thông tin, dù là trong lĩnh vực đất đai hay trong khai khoáng, đều là động lực cho những hành vi tham nhũng. Một khảo sát của Cục chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho thấy các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận hầu hết các thông tin để xin giấy phép khai thác như diện tích khai thác, trữ lượng khoáng sản, yêu cầu về công nghệ, về môi trường và an toàn vệ sinh lao động, về các giấy tờ và thủ tục, thậm chí là thông tin về cơ quan hoặc cá nhân trực tiếp thụ lý hồ sơ của họ.

Kết quả khảo sát cho thấy phần lớn doanh nghiệp tìm đến các cơ quan quản lý nhà nước để tìm kiếm thông tin, phải chi trung bình 178 triệu đồng cho thông tin, có doanh nghiệp chi đến 5 tỷ đồng.

Nếu các thông tin trên đều được công khai và dễ tiếp cận, chi phí để có được thông tin sẽ giảm đi, mức độ tham nhũng dựa trên lợi thế về thông tin cũng sẽ được kiềm chế. Minh bạch trong các khâu đấu thầu và cấp phép khai thác cũng giúp tránh được sự không công bằng, tránh lợi dụng đặc quyền và quan hệ để có được hợp đồng.

Ngược lại, các doanh nghiệp cũng phải minh bạch trong công bố lợi nhuận và Chính phủ phải minh bạch về nguồn thu ngân sách. Công dân, các tổ chức khoa học, cộng đồng phải có khả năng biết và kiểm tra được những thông tin này. Quyền được biết và kiểm tra thông tin chỉ có thể thực thi khi các cơ quan thẩm quyền có trách nhiệm giải trình.

Chính phủ phải đi đầu trong minh bạch

Đại sứ Thụy Điển nhấn mạnh những công cụ này đã và đang được nhiều quốc gia áp dụng và tỏ ra hiệu quả, chẳng hạn Sáng kiến Minh bạch ngành công nghiệp khai khoáng (EITI) mà các đối tác phát triển khuyến nghị Việt Nam tham gia. Sáng kiến này đề cao vai trò của việc thẩm tra và công bố đầy đủ thông tin về các khoản thanh toán của các công ty và doanh thu của chính phủ từ tài nguyên.

Đại sứ Thụy Điển đề cập việc công khai các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực khai khoáng để mọi người dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận, trong khi Đại sứ Đan Mạch thấy cần đánh giá những tiến triển về thể chế, nghĩa là việc hoàn thiện hệ thống luật và quy định, đã được triển khai trong thực tiễn như thế nào. Phần lớn đại diện các đối tác phát triển của Việt Nam đều nhận định "chưa thấy nhiều tiến triển trong việc đưa pháp luật phòng chống tham nhũng vào đời sống".

Đại diện Ngân hàng Thế giới kiến nghị Việt Nam "cần có cơ chế mạnh hơn để chữa trị căn bệnh tham nhũng trong khai khoáng cũng như trong mọi lĩnh vực" và nhấn mạnh "Chính phủ phải đi đầu trong minh bạch". Tương tự, Đại sứ Anh nhận định: "Thay đổi chỉ đến khi có quyết tâm chính trị cao".

Ông cũng bày tỏ băn khoăn về mức độ nhận thức của người dân về tham nhũng và kỳ vọng của họ vào Chính phủ. "Luật phòng, chống tham nhũng của Việt Nam đã có hiệu lực được 5 năm, đã đến lúc tiến hành điều tra tìm hiểu mức độ thay đổi trong nhận thức của người dân về tham nhũng", Đại sứ Anh nói.

Thủy Chung

Chương trình Sáng kiến Phòng chống tham nhũng Việt Nam (VACI) 2011 với chủ đề: “Tăng cường liêm chính công và thực thi pháp luật góp phần phòng chống tham nhũng hiệu quả” sẽ hỗ trợ kinh phí trực tiếp ít nhất 20 ý tưởng khả thi nhằm phòng chống tham nhũng theo chủ đề trên để thực hiện, mỗi khoản tài trợ lên tới 290 triệu đồng.

Tất cả cơ quan nhà nước, các tổ chức, đoàn thể ở cấp địa phương đều có thể gửi đề án tham gia chương trình. Vòng chung kết cuộc thi và diễn đàn Trao đổi tri thức - hai hoạt động chính của chương trình - sẽ được tổ chức ngày 18-19/8/2011 tại Hà Nội.

VACI do Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Thế giới và các nhà đồng tài trợ: Chương trình Viện trợ phát triển Australia (AusAID), Bộ Phát triển quốc tế Vương quốc Anh (DFID-UK), Đại sứ quán Bỉ, Đại sứ quán Phần Lan và Đại sứ quán Thụy Điển tổ chức để hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo nhằm giảm thiểu tham nhũng, tăng cường minh bạch, mang tới môi trường sống tốt đẹp hơn cho mọi người.


TIN BÀI LIÊN QUAN: