- Mất tới hơn ba mươi phút đọc và nghiên cứu tiểu sử các ứng viên, cuối cùng thì bà Lê Thị Đồng (phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội) cũng chọn ra được tên ba vị ứng viên để bỏ phiếu. "Tôi muốn chọn những người gần gũi với dân và có bản lĩnh", bà Đồng nói.

>> Bầu cử Việt Nam qua ống kính quốc tế
Sợ bỏ phiếu nhầm cho người tham nhũng

Bà Lê Thị Đồng chỉ là một người làm nội trợ, sống ở phường Thành Công. Nhưng lâu nay, bà vẫn theo dõi thường xuyên các kỳ họp Quốc hội và nhớ tên những vị đại biểu của dân như ông Thuyết, ông Cuông, bà Phạm Thị Loan...

Cử tri Lê Thị Đông: Tôi bầu cho những người không tham nhũng. Ảnh: Lê Nhung
"Trước khi đi bỏ phiếu hôm nay thì tôi và nhà tôi cũng đã đọc báo, xem ti vi rồi bàn bạc thống nhất với nhau xem sẽ bầu ai rồi. Hôm nay nghiên cứu thêm tiểu sử các vị để chọn cho trúng hơn thôi", bà Đồng nói.

Tiêu chuẩn đầu tiên của người đại biểu, theo bà Đồng, đó là họ phải gần gũi với nhân dân, không tham nhũng và có uy tín trong công việc.

"Vì chỉ có những người thâm niên công tác cao, uy tín thì mới có bản lĩnh dám đấu tranh và dám nói", bà Đồng cho hay.

Ở tuổi 87, ông Đỗ Văn Tiên (phường Nguyễn Du, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) không còn nhớ mình đã đi bỏ phiếu bầu cử bao nhiêu lần. Ông là người lớn tuổi nhất đi bỏ phiếu ở khu vực này.

"Tôi chọn những người có đức, có tài để vào Quốc hội còn nói lên tiếng nói của dân", ông Tiên khẳng định. Đó phải là những người có tư tưởng đổi mới, lập trường kiên định và không tham nhũng, cửa quyền.

Có mặt tại khu vực bỏ phiếu số 3 (phường Nguyễn Du, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) từ trước 6h sáng, ông Nguyễn Hồng Tuấn cho hay, ông bầu chọn cho những người có thành tích hoạt động dày dặn, có uy tín trong nhân dân.

Ông Đỗ Hoàng Hùng (phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) thì khẳng định, ông chọn những người có đạo đức, có tâm. "Chúng tôi rất sợ vì thông tin không đủ mà bỏ phiếu nhầm cho những người tham nhũng", ông Hùng nói.

Bầu ai sẽ giám sát người đó

Hầu hết cử tri đều khẳng định, bầu ai là nhớ tên tuổi người đó để sau này còn giám sát.

Ông Đỗ Văn Tiên còn lục trong túi một tờ danh sách ghi chép lại tên những ứng viên ông đã bầu và nói, sẽ theo dõi báo, đài để xem họ làm được những gì đáp ứng mong mỏi của người dân.

Bạn Nguyễn Minh Vũ: Mong thông tin về các ứng viên đầy đủ hơn. Ảnh: Lê Nhung
Còn với ông Nguyễn Hồng Tuấn, ông sẽ ghi nhớ chương trình hành động của các ứng viên để sau này tiện "giám sát".

"Chúng tôi chỉ là người dân bình thường, nhưng khi chúng tôi đã nghiên cứu với tinh thần trách nhiệm cao nhất để bầu ra một vị đại biểu thì hy vọng đại biểu đó cũng phải thực hiện trách nhiệm đã hứa với dân", ông Tuấn nói.

Theo ông, các cử tri nên tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng thông tin, tiểu sử ứng viên để bầu cử bằng tinh thần trách nhiệm cao nhất. "Một khi đã bầu ai đó thì cử tri nhất định phải tin tưởng vào các đóng góp của họ với Quốc hội", ông Tuấn nói.

Ông Đỗ Hoàng Hùng hy vọng các ứng viên ông chọn nếu trúng cử phải luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ với nhân dân. Đừng để xảy ra chuyện khi chưa được bầu thì hứa rất nhiều nhưng bầu xong lại quên lời hứa.

Lần đầu tiên đi bỏ phiếu thực hiện quyền công dân, Nguyễn Minh Vũ (sinh viên năm thứ ba, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho hay, rất nhiều bạn trẻ hiện nay chỉ quan tâm học hành, lo công danh sự nghiệp mà không để tâm đến các vấn đề chính trị trong khi đây là những chuyện hệ trọng và lớn lao sẽ ảnh hưởng đến các chính sách đời sống.

Vũ bỏ phiếu cho những ứng viên có uy tín và thâm niên công tác.

Nhưng theo Vũ, vẫn còn một điều đáng tiếc, đó là thông tin trích ngang về ứng viên còn sơ sài, chỉ gồm tên tuổi, quê quán, nơi làm việc, học vấn hoặc trình độ chuyên môn và chức vụ đang đảm nhiệm. Chỉ căn cứ vào đó sẽ khó đánh giá được ai hơn ai. Bởi cử tri muốn thêm thông tin về năng lực làm việc, đạo đức, lối sống. Phải đầy đủ như vậy thì việc lựa chọn mới chính xác và sau này cũng dễ theo dõi quá trình hoạt động của đại biểu đó trong Quốc hội.

Lê Nhung

Mời bạn đọc thêm: