- Chỉ còn ít giờ nữa, người dân sẽ tự tay cầm lá phiếu bầu ra người đại diện cho mình vào các cơ quan Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Khẩu hiệu được nhắc đến nhiều nhất những ngày này, đó là cử tri hãy thực hiện quyền công dân, tự tay bỏ phiếu, không bầu hộ, bầu thay.

>> Hà Nội, TP.HCM khoác 'áo mới' trước ngày bầu cử
>> Gặp ứng viên trước 'giờ G'

>> Toàn cảnh bầu cử đại biểu QH và HĐND các cấp

Trở về sau đợt vận động tiếp xúc cử tri khu vực đồng bằng sông Cửu Long, một ứng cử viên Trung ương chia sẻ, có nhiều người dân đã đến xin tận tay bản chương trình hành động để nghiên cứu cho ngày bầu cử. Và nếu ông có trúng cũng dễ giám sát sau này.

Kể lại câu chuyện trên, vị ứng viên chỉ mong sao tất cả những người dân đi bỏ phiếu cũng làm được như  một cử tri nông dân kia. Và phải phát huy quyền lựa chọn của mình để bầu ra được những người tiêu biểu, có đức, có tài. Sự tín nhiệm của cử tri chính là một áp lực để đại biểu hoạt động tốt hơn.

Chỉ khi nào cử tri am tường và có đầy đủ hiểu biết về những người mình sẽ chọn lựa thì lá phiếu bầu mới có sức nặng. Ảnh: Lê Anh Dũng
Để có tên trong danh sách bầu cử cuối cùng, các ứng viên đã trải qua các "kỳ sát hạch" hiệp thương nghiêm túc, khắt khe. Nhưng chỉ có lá phiếu của cử tri mới quyết định ai sẽ là người xứng đáng nhất được chọn lựa.

Việc chọn ra một số gương mặt tiêu biểu tưởng như đơn giản mà hàm chứa rất nhiều vấn đề. Bởi lẽ, để chọn ra một người, cử tri phải có đầy đủ thông tin về ứng viên, từ đó mới có căn cứ so sánh năng lực, trình độ từng người. Ngoài những dòng tiểu sử sơ lược, các cử tri nên đòi hỏi và yêu cầu ứng viên cung cấp  bản chương trình hành động, thậm chí tìm hiểu thêm các thông tin về ứng viên từ các phương tiện thông tin đại chúng.

Các tiêu chuẩn đức, tài, bản lĩnh chung chung cần phải được chứng minh bằng thành tích của quá trình hoạt động, công tác và bằng những kết quả cụ thể. Chỉ khi nào cử tri am tường và có đầy đủ hiểu biết về những người mình sẽ chọn lựa thì lá phiếu bầu ra mới có sức nặng.

Mong sao khi cầm lá phiếu trong tay, mỗi cử tri hãy suy nghĩ, cân nhắc thật kỹ để chọn người đại diện. Cử tri phải tự mình nghiên cứu sâu sắc tiểu sử các ứng cử viên để cân nhắc, xem xét việc sẽ bầu cho ai tránh tình trạng phiếu bầu không hợp lệ hoặc thiếu thận trọng khi bầu cử, người xứng đáng hơn thì không bầu và ngược lại. Mỗi người dân có tiêu chí riêng để chọn người đại diện cho mình. Không thể cử tri này nghĩ thay, bầu thay cho cử tri khác được.

Đây cũng là cơ sở để sau này, cử tri có quyền đòi hỏi ứng viên phải giữ mối liên hệ chặt chẽ với nhân dân. Trong dư luận vẫn còn không ít ý kiến cho rằng nhiều đại biểu Quốc hội hoạt động suốt nhiệm kỳ mà không mấy khi phát biểu hay chất vấn trên nghị trường. Khi dân cần thì không thấy người đại diện của mình đâu. Nhưng rõ ràng, hoạt động của một vị đại biểu đạt hiệu quả đến đâu, một phần là do nỗ lực cá nhân từng người, nhưng một phần khác là do sức ép chính đáng và đòi hỏi của chính người dân.

Đại biểu Quốc hội được hưởng quyền miễn trừ, nhưng điều đó không có nghĩa sau khi đã vất vả vận động tranh cử để được bầu, đại biểu sẽ quên đi những lời hứa với cử tri. Bởi đại biểu vẫn phải ràng buộc với cử tri bằng những ràng buộc về trách nhiệm chính trị.

Do đó, mỗi cử tri sau khi đã chọn lựa  những người xứng đáng nhất vào cơ quan dân cử thì mong sao hãy theo dõi và giám sát thật chặt chẽ hoạt động của người đại biểu đó.

Nói như TS Nguyễn Sĩ Dũng, người hoạt động lâu năm trong Văn phòng Quốc hội, "nếu bạn đã bầu cho ai thì nhớ lấy tên người đó vì thực chất là bạn đã ủy quyền cho người đó để đại diện cho quyền của bạn, để xử lý những việc trọng đại của đất nước và giải đáp các thắc mắc của bạn khi bạn cần".

Ngày 22/5, thời gian bỏ phiếu sẽ bắt đầu từ 7h tới 19h. Tùy tình hình cụ thể từng tổ bầu cử, có thể bắt đầu bỏ phiếu sớm và đóng hòm phiếu muộn nhưng không sớm trước 5h sáng và muộn hơn 22h. Có thể kiểm phiếu ngay trong đêm.

Cả nước có hơn 91.000 khu vực bỏ phiếu. Cử tri sẽ bỏ phiếu để bầu ra 500 đại biểu Quốc hội (từ 827 ứng viên); hơn 3.200 đại biểu HĐND cấp tỉnh, thành phố, hơn 21.000 đại biểu cấp huyện và hơn 280.000 đại biểu cấp xã.

Tổng kinh phí dành cho bầu cử trên 700 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp vào cùng một ngày.

Lê Nhung