- Không chỉ dôi dư thứ trưởng, số phó vụ trưởng ở nhiều bộ cũng tăng lên. Nhiều bộ, ngành đang xin lập thêm tổng cục, cục.


Còn muốn "phình" nữa

Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn. Ảnh: LAD

Theo đánh giá của Bộ Nội vụ về thực hiện cơ cấu tổ chức Chính phủ khóa 12, đang có hiện tượng rất nhiều bộ có nhiều thứ trưởng hơn so với quy định. Nhiều bộ còn "phình" cả số phó vụ trưởng.

 

Chẳng hạn, Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn có tới 10 thứ trưởng, vượt xa con số 4 mà Chính phủ quy định.  

Các bộ khác như Ngoại giao, Tài chính, Tài nguyên - Môi trường có 7 thứ trưởng. Ngay Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ và Bộ Xây dựng cũng có tới 6 vị. Nhiều bộ khác có 5 thứ trưởng.

Đáng chú ý, không chỉ các bộ mới sáp nhập thực hiện chức năng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực mới "dôi dư" thứ trưởng. Nhiều bộ không sáp nhập cũng tăng thứ trưởng so với quy định của Chính phủ.

Nhiều bộ có số cán bộ cấp phó tại các vụ, cục cũng nhiều hơn quy định. Nhiều vụ có tới 7 - 8 phó vụ trưởng (quy định chung chỉ có 3). Bộ Nội vụ đánh giá, tồn tại trên là do chưa thực hiện nghiêm túc các quy định của Chính phủ về thành lập các tổ chức hành chính.

Tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Nội vụ về tình trạng tăng cấp phó ở các bộ, ngành. Trả lời chất vấn của ĐBQH Nguyễn Đình Xuân, Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn cho rằng, cấp phó tăng chủ yếu vì chủ trương hợp nhất.

Lý do khác được Bộ trưởng Nội vụ đưa ra, là tăng cấp phó để thực hiện chủ trương luân chuyển, điều động cán bộ lãnh đạo. "Ngoài ra, để thực hiện chính sách cán bộ lãnh đạo là nữ ở cấp thứ trưởng theo Luật bình đẳng giới, nên ở một số bộ, số lãnh đạo nhiều hơn quy định", người đứng đầu ngành Nội vụ lý giải.

Bộ trưởng Nội vụ cam kết: "Sau ĐH Đảng sắp tới sẽ điều chuyển số cán bộ lãnh đạo cấp bộ để giảm dần lượng cấp phó". 

Cũng theo ông Tuấn, cấp phó tăng vì Chính phủ chuyển một số cơ quan thuộc Chính phủ sang cho các bộ, thành lập mới một số tổng cục nên thời gian đầu, để bảo đảm các tổ chức này sớm đi vào hoạt động ổn định, Ban Bí thư, Thủ tướng đồng ý cần có thứ trưởng kiêm người đứng đầu các cơ quan này.

Bộ Nội vụ thêm 2 thứ trưởng vì nhận về Ban Tôn giáo Chính phủ và Ban thi đua, khen thưởng Trung ương. Bộ NN&PTNT thêm 3 thứ trưởng do thành lập mới 3 Tổng cục: lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản.

Lý do cuối cùng, theo ông Trần Văn Tuấn, là do yêu cầu thực tiễn về tăng cường chỉ đạo - điều hành với một số ngành, lĩnh vực, tập đoàn, tổng công ty, nên một số bộ trưởng đã đề nghị và được Ban Bí thư, Thủ tướng đồng ý bổ nhiệm thêm thứ trưởng để phụ trách các ngành, lĩnh vực hoặc tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, cùng với việc "phình" cấp phó thì số tổng cục, cục và đơn vị tương đương cũng đã tăng thêm 39 đơn vị.

Một số tổng cục thành lập mới như Biển và Hải đảo, Môi trường, Quản lý đất đai, Thủy sản... Nhiều cục khác được nâng cấp thành tổng cục.


Lý do "phình" tổng cục và cục được giải thích là do khi tổ chức bộ máy theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực thì các tổ chức quản lý chuyên ngành vừa thực hiện chức năng tham mưu, vừa tổ chức thực thi không những không giảm mà còn tăng lên để đáp ứng đòi hỏi thực tế.

Nhiều bộ đang đề xuất lập thêm tổng cục và cục mới, chẳng hạn Bộ Công thương muốn lập Tổng cục Năng lượng, Bộ Ngoại giao muốn lập Cục Báo chí...

 

Giảm "bút phê"


Theo đánh giá của Chính phủ, thời gian qua, nhiều văn bản nghị định của Chính phủ chất lượng rất thấp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ. Là vì việc ban hành nhiều nghị định bằng hình thức phiếu xin ý kiến các thành viên Chính phủ nên không được Chính phủ họp bàn kỹ lưỡng.

Mặt khác, do Chính phủ, Thủ tướng còn ôm đồm quá nhiều việc mà chưa phân công, phân cấp. Do đó, không có thời gian để làm việc chung, nhất là cùng làm việc để xem xét các nghị định được trình lên.

Nhiều hạn chế khác trong mô hình quản lý hiện nay cũng được Bộ Nội vụ chỉ ra, chẳng hạn, tuy Chính phủ đã phân cấp quản lý nhưng chưa giải quyết được dứt điểm tình trạng xin - cho. Bộ Nội vụ đề xuất, cần giảm mạnh hình thức xét duyệt, bút phê với những vấn đề đã được phân cấp để cho cấp dưới tự quyết định và tự chịu trách nhiệm. Loại bỏ cơ chế thỏa thuận, chấp thuận hoặc cho ý kiến với những vấn đề đã được phân cấp.

Ban hành các tiêu chí, điều kiện, tiêu chuẩn thay cho việc cấp phép, xin phép và cho phép. Ngoài ra, phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát việc thực hiện sau phân cấp. Quy định trách nhiệm tự báo cáo, tự giải trình.

Tất cả những vấn đề trên sẽ được nghiên cứu xử lý để xây dựng cơ cấu tổ chức Chính phủ khóa tới hợp lý hơn.

  • Lê Nhung