- Lứa học sinh lớp 12 năm học 2023-2024 là lứa thí sinh cuối cùng học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Vậy trong trường hợp trượt tốt nghiệp THPT năm 2024 thì việc thi tốt nghiệp năm sau có trở nên khó khăn hơn khi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được công bố có nhiều đổi mới theo Chương trình phổ thông 2018? (Hồng Hạnh - học sinh lớp 12, Hà Nội).

PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT: Trong trường hợp các thí sinh lớp 12 năm nay dự thi tốt nghiệp THPT 2024 nhưng không may bị trượt tốt nghiệp, chúng ta có một nguyên lý cơ bản, chung là các em học theo chương trình nào sẽ thi theo chương trình đó. 

Với các thí sinh này, Bộ GD-ĐT có thể tính toán tổ chức thi sau, nhưng đảm bảo theo đúng nội dung thi, phương thức, cấu trúc, định dạng đề phải theo chương trình phổ thông 2006. Như vậy, các em hoàn toàn có thể yên tâm không có việc học chương trình phổ thông 2006 nhưng phải thi theo Chương trình phổ thông 2018.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng: Nguyên tắc “bất di bất dịch” là đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của học sinh.

Với các em trượt kỳ thi tốt nghiệp của Chương trình phổ thông 2006, có thể các cơ quan của Bộ GD-ĐT sẽ tham mưu, nghiên cứu tổ chức thi cùng năm 2025 nhưng có 2 chương trình đề thi khác nhau. Một đề nội dung theo Chương trình phổ thông 2018, nội dung đề còn lại theo Chương trình phổ thông 2006.

Theo tỷ lệ tốt nghiệp THPT, số lượng trượt này cũng rất ít, do đó không đáng ngại việc tốn kém kinh phí. Mà kể cả kinh phí tốn kém cũng phải phục vụ cho các em, đảm bảo quyền lợi chính đáng.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT): quy chế tuyển sinh đại học đã được giữ ổn định trong 2 năm qua và cũng đã làm rõ những nguyên tắc, yêu cầu chung để các trường tổ chức công tác xét tuyển mà không phụ thuộc vào nội dung và hình thức thi.

Do đó, dù cuộc thi như thế nào, các trường vẫn phải đảm bảo nguyên tắc về sự công bằng giữa các phương thức xét tuyển, tuyển sinh được đối tượng đầu vào phù hợp với yêu cầu của chương trình đào tạo. 

Như vậy, không phụ thuộc hình thức hay nội dung thi. Các em dù tham gia kỳ thi nào, nội dung thi như thế nào vẫn được xét tuyển một cách công bằng.

thi tot nghiep thpt 6.jpg
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Thanh Hùng.

- Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 dành cho thí sinh học Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh. Vậy cách ra đề thi, định dạng đề và nội dung đề thi đổi mới như thế nào? (chị Nguyễn Trang, phụ huynh Nghệ An).

PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT): Định dạng và cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 phải đáp ứng được mục tiêu đánh giá năng lực, phẩm chất học sinh theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng phải có tính kế thừa. Bởi lứa học sinh thi vào năm 2025 là lứa đầu tiên và chỉ có 3 năm THPT học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Định dạng đề thi tốt nghiệp THPT 2025 ngoài ra phải khắc phục một số vấn đề, như việc phải cân đối độ tin cậy, thậm chí giữa các môn học khác nhau. Chúng tôi cũng đang tích cực nghiên cứu, sử dụng lý thuyết khảo thí hiện đại, để làm sao tránh tình trạng độ lệch điểm quá lớn giữa một số môn, như nhóm môn Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên.

Về ngân hàng đề thi, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã có chỉ đạo và một trong đó là mô hình phát triển đi từ cơ sở. Trong tháng 12/2023, Bộ đã có cuộc tập huấn đầu tiên cho giáo viên của tất cả các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2025 từ tất cả 63 sở GD-ĐT cũng như một số cơ sở giáo dục đại học có tham gia, đóng góp nhiều trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đợt tập huấn này được thực hiện trực tuyến bởi Viện Khảo thí giáo dục Hoa Kỳ (ETS).

Như vậy đây chính là đội ngũ cốt lõi; khi nắm vững chương trình, lý thuyết quản lý thì công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi thi sẽ được thay đổi, thay vì mời một số cá nhân xây dựng theo tính chất nhỏ lẻ như mọi năm.

- Khi nào Bộ GD-ĐT công bố đề thi minh họa thi tốt nghiệp THPT năm 2025? (Trần Thị Huyền - học sinh lớp 11, TP.HCM).

PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT): Bộ GD-ĐT biết điều này là quan trọng và có mang tính dẫn đường cho việc dạy của giáo viên cũng như việc học của học sinh. Do đó, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã quyết định ngay sau khi thử nghiệm định dạng, cấu trúc sẽ công bố minh họa, mô phỏng cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Thông qua đề minh họa, thí sinh, giáo viên có thể biết cách đánh giá mới như thế nào, năng lực nào cần quan tâm, hàm lượng kiến thức khoảng bao nhiêu,...