Vụ việc 42 công dân Việt Nam tháo chạy khỏi casino ở biên giới Campuchia-Việt Nam và những vụ buôn bán người gần đây được báo chí đặc biệt quan tâm trong cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều nay (25/8).

Làm rõ trách nhiệm vụ 42 người Việt tháo chạy khỏi casino Campuchia

Cập nhật về vụ việc hàng chục người Việt vượt sông, bỏ trốn khỏi casino ở biên giới Campuchia, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết, ngay sau khi nắm được thông tin từ địa phương, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia làm việc với các cơ quan chức năng sở tại, đề nghị sớm điều tra, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các bên trong vụ việc xảy ra.

Các cơ quan chức năng cũng tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở lao động, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những trường hợp sử dụng lao động bất hợp hợp pháp, bảo vệ, giải cứu các trường hợp lao động người nước ngoài, trong đó có lao động người Việt Nam bị chủ sở hữu bóc lột. Đại sứ quán phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Việt Nam nhằm tăng cường công tác quản lý xuất nhập cảnh, việc đi lại tại khu vực biên giới đường bộ giữa hai nước để ngăn chặn, hạn chế tối đa các trường hợp xuất cảnh bất hợp pháp.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao trong họp báo chiều nay. Ảnh: Phạm Hải

Ngày 22/8, cảnh sát Campuchia đã bắt giữ người quản lý nơi các công dân Việt Nam làm việc và làm thủ tục về nước cho 25 công dân khác cũng bị lừa sang lao động tại Campuchia, trong đó có 11 công dân đã được giải cứu từ cơ sở lao động, bao gồm cả 1 công dân bị bảo vệ cơ sở bắt giữ trong khi cố tìm cách bỏ trốn vào ngày 18/8 vừa qua.

Trong nước, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cũng làm việc và trao đổi với cơ quan chức năng trong nước để xác minh thông tin và tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân tiếp theo.

"Theo chúng tôi được biết, sức khỏe các công dân về nước ổn định và kết quả xét nghiệm cho thấy đều âm tính với ma túy", người phát ngôn thông tin.

Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia sẽ tiếp tục theo dõi sát vụ việc và phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước và Campuchia xử lý các vấn đề liên quan đến vụ việc nói trên, kịp thời triển khai các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết.

Vướng mắc khi giải cứu nạn nhân buôn người

Báo chí đặt câu hỏi hiện có bao nhiêu người cần trợ giúp, tới nay Việt Nam đã giải cứu được bao nhiêu trường hợp?. Trong việc giải quyết vấn đề này có gặp khó khăn?

Trả lời câu hỏi trên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: "Đây là vấn đề chúng tôi cũng hết sức quan tâm. Gần đây, có tình trạng nhiều công dân Việt Nam bị lừa đảo, môi giới lao động trái phép sang Campuchia và có khó khăn trong quá trình lao động, làm việc".

Các công dân trong vụ chạy trốn khỏi casino được trợ cấp, trở về địa phương.

Trước tình hình đó, Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, địa phương trong nước, đặc biệt là các địa phương giáp biên giới với Campuchia và phối hợp với cơ quan chức năng sở tại để tiếp nhận thông tin, xác minh, triển khai nhiều biện pháp bao hộ công dân và kịp thời hỗ trợ các công dân khó khăn, hoạn nạn.

Vừa qua, các cơ quan chức năng đã cứu thoát và đưa về Việt Nam khoảng hơn 500 công dân về nước an toàn, hỗ trợ thủ tục cho hàng nghìn công dân khác. Người phát ngôn thông tin, trong 6 tháng đầu năm nay, Bộ Công an đã triệt phá nhiều ổ nhóm, bắt giữ nhiều đối tượng đưa người đi lao động trái phép tại Campuchia và phát các cảnh báo công dân liên quan tới vấn đề này.

Bà Hằng cho biết, trong quá trình triển khai công tác bảo hộ công dân, các cơ quan đại diện Việt Nam cũng gặp một số vướng mắc. Trước hết, đó là việc tiếp cận hỗ trợ giải cứu cần sự tham gia phối hợp chặt chẽ của cơ quan chức năng sở tại.

Nhiều người lao động không có giấy tờ nhân thân, không có giấy tờ xuất nhập cảnh do vượt biên trái phép cho nên mất nhiều thời gian để xác minh thông tin nhân thân cũng như gây ra nhiều khó khăn trở ngại trong quá trình bàn giao, tiếp nhận bàn giao.

Các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia đã rất nỗ lực chủ động thu xếp các cuộc làm việc, tiếp xúc và thường xuyên giữ liên lạc với phía Campuchia để giải quyết vấn đề này.

Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, các địa phương trong nước và với phía Campuchia để triển khai các biện pháp cũng như tăng cường công tác lãnh sự, bảo hộ công dân tại Campuchia, đưa về nước những công dân bị lừa đảo, môi giới lao động bất hợp pháp, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân Việt Nam.

Các địa phương cũng tăng cường giám sát, cảnh báo người dân địa phương khi đi lao động ở nước ngoài.