Lời giới thiệu:

Tôi và cuộc phỏng vấn năm ấy với VietNamNet

“Trước Đại hội 10, trong Đảng rộ lên một luồng tư tưởng muốn đẩy nhanh, đẩy mạnh công cuộc đổi mới. Báo VietNamNet tổ chức một hội thảo bàn tròn trực tuyến với chủ đề  “Thời cơ vàng” và mời tôi tham gia. Hình như có ấn tượng tốt với tôi sau buổi đó, TBT Nguyễn Anh Tuấn đề nghị nhà báo Lương Bích Ngọc, mà sau này tôi biết là chẳng có thiện cảm với cá nhân Lê Kiên Thành (không hiểu vì sao) đến gặp tôi và phỏng vấn. 

Với những câu hỏi thẳng tưng, hơi có phần thách đố, chắc chị và đồng nghiệp đi cùng muốn thấy ở tôi một sự lúng túng hay tránh né nào đó. Nhưng, mặc dù từ trước tới lúc đó, chẳng mấy khi được báo chí quan tâm, tôi chỉ từ tốn đáp lại, cũng… thẳng tưng không kém. 

Sau mỗi lần trả lời xong, tôi thấy các nhà báo nhìn nhau, hình như họ ngạc nhiên và xúc động. Cuộc phỏng vấn đăng làm 3 kỳ. Ban biên tập cẩn thận dò nghe phản hồi từ dư luận và cấp trên. Sau này, một anh trong toà soạn nói với tôi họ bị choáng vì lượng phản hồi từ bạn đọc. Tôi chỉ có một đề nghị với Lương Bích Ngọc in cho tôi tất cả ý kiến bạn đọc. Và lần đầu tiên khi nhận xấp giấy dài cả mét tôi cũng phát hoảng. Khen, chê, góp ý, thoá mạ, chửi tục… đủ cả. Lúc đó, tôi mới hiểu: “Nếu mình sống âm thầm ở phía dưới như cỏ sẽ chẳng bao giờ thấy trên cao gió sẽ thổi tứ bề thế nào và phải làm gì để có thể đứng vững và luôn hướng về phía mình đã chọn cho cuộc đời…”

 Bài viết dưới đây đăng vào tháng 4/2006. Đã gần 20 năm trôi qua, tôi luôn cám ơn số phận được bước ra ánh sáng của truyền thông để nói lên những điều nên nói, cần phải nói vì cái đúng, vì lẽ phải”.

-Lê Kiên Thành-

--------

Quý từng đồng lẻ và sẵn sàng bỏ qua hàng núi tiền

Bình thường như bao doanh nhân khác, anh bắt đầu câu chuyện về những gói mì tôm - sản phẩm chính của công ty Thiên Minh hiện nay, về những gì mà mình đã từng có như Công ty Công nghệ vật liệu - Thiên Minh ngày nay, TechcomBank, Khách sạn Galaxy, Cát Tiên Sa...

le kien thanh.jpeg
Ông Lê Kiên Thành.

Hiện tại, công việc kinh doanh cụ thể của anh là gì?

- Sản xuất mỳ ăn liền, kinh doanh máy văn phòng, ngoài ra còn có một công ty làm về khách sạn ở Hà Nội (Galaxy Hotel), một công ty về bất động sản ở TP.HCM. Ở các công ty đó đều có người điều hành, tôi chỉ là Chủ tịch HĐQT, riêng công ty Thiên Minh là kiêm chức luôn chức giám đốc vì sự nghiệp kinh doanh của tôi đã đi lên từ đó. Tôi cũng từng là Chủ tịch HĐQT của Techcombank nhưng đã rút hết cổ phần ra trong năm vừa rồi.

Có người nói, anh dám bỏ Nhà nước ra làm ngoài năm 1990 vì mình là con ông Duẩn?

- Không, vì lúc đó ba tôi không còn nữa. Trong công việc, tôi chưa bao giờ sử dụng một mối quan hệ nào ngoài nỗ lực của chính mình. Thời điểm đó, tôi thành lập công ty chỉ có mỗi con dấu thôi, không có gì cả.

Với cương vị là Tổng Bí thư lâu dài như vậy, ba anh hẳn phải để lại nhiều mối quan hệ tình nghĩa và trong số đó...?

-  Và ngược lại nữa chứ!

Và tôi tin rằng, những người giàu nhất VN hiện nay không phải là con cái những ông lớn. Nhiều người trong số họ thành công hơn chúng tôi không phải do họ thông minh hơn mà là do vận hội, may mắn nhiều hơn, giống như trúng xổ số vậy. Nhưng đến một lúc nào đó, nếu có sự công bằng về cơ hội, thì người giàu chắc chắn phải giỏi.

Tất nhiên, nói một cách công bằng hơn, tôi cũng được thừa hưởng ở gia đình những điều mà người khác không có được, đó là danh tiếng. Khi ba tôi gần mất, ông nói: Khi chết, có lẽ ba không để được lại một đồng xu nào, có chăng, chỉ là cái tiếng. Bước vào kinh doanh, tôi nghiệm thấy: sao ông nói chính xác như vậy. Cùng điều kiện "dự thầu" như nhau, với nhiều đối tác nước ngoài, nếu tình cờ biết xuất thân, họ sẽ chọn tôi.

Nhưng về một mặt nào đó, cũng phải nghĩ rằng, trong kinh doanh - mình chỉ ỷ vào sự thừa kế danh tiếng là điều không tốt.

Tôi đã từng làm chung quán cà phê với nhạc sĩ Phú Quang. Nhiều người nghĩ khách hàng đến đây vì danh tiếng của ông Phú Quang, nhưng thực tế rất nhiều người đến đây không vì danh nghĩa ông Phú Quang. Nếu chúng tôi làm cà phê ngon thì mới thu hút được khách, chứ nếu chỉ dùng danh tiếng ông Phú Quang để "câu" mọi người đến thì về lâu dài là sai. 

Để có được cơ ngơi như bây giờ, anh có... va chạm nhiều tệ nhũng nhiễu không?

- Hồi mới thành lập, công ty của chúng tôi có tên là Công ty Công nghệ vật liệu, nằm trong khuôn viên của Viện Khoa học Việt Nam nên chẳng liên quan gì đến thuế má. Hồi đó, tôi còn chẳng hề có khái niệm là phải nộp thuế. Rất ấu trĩ.

Va chạm đầu tiên của tôi trong chuyện làm ăn là với báo chí - khoảng năm 1990, lúc đó Liên Xô chưa sụp đổ. Chúng tôi tiên liệu là sắp tới thì sẽ không có chuyện đi du học theo đường Nhà nước nữa nên tìm cách móc nối với một số trường ĐH của Nga để "kinh doanh" du học, khoảng 500 đô la/một học sinh. Sau khi quảng cáo được đăng trên báo, đến cơ quan tôi thấy số lượng người đến tìm hiểu, đăng ký đông như biểu tình. Có lẽ là vì bọn tôi lờ đi chữ "du học Liên xô" đi mà chỉ ghi là đi "du học nước ngoài" nên người ta kéo đến đông như vậy. Lập tức, một PV đến hỏi: Các anh có chức năng làm việc này không? (vì thời điểm đó, ai có chức năng tổ chức du học chưa được đề cập đến. Bọn tôi chỉ dựa vào một văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT ghi điều kiện của thành phần được đi du học mà không nói rõ những cơ quan nào được tổ chức đưa học sinh đi). Chúng tôi bị phóng viên đó "xoay" là làm trái chức năng.

Tôi "cãi": "Nếu bây giờ chúng tôi mở một quán phở ngay ngoài đường kia và cán bộ nhân viên đi bán phở thì chẳng ai hỏi chức năng cả. Chúng tôi làm một việc rất gần với nghề nghiệp của mình thì tại sao lại phải hỏi "chức năng". Cậu ấy hỏi: Tại sao anh lại tổ chức đi du học tại Liên xô? Tôi bảo: Bây giờ nếu đi du học tại Singapore, Thái Lan... là bình thường, nhưng hỏi tên của 3 nhà bác học người Sing thì tôi e là anh không nói được nhưng nếu anh hỏi tôi các nhà bác học Liên xô thì tôi có thể chỉ cho anh ngay lập tức 100 vị.

Đó gần như là va vấp đầu tiên.

Trong một cuốn sách, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn có nói rằng cơ chế của mình đã "đẻ" ra chuyện phong bì. Khi làm doanh nghiệp, anh có phải "đi đêm", phải dùng phong bì để giải quyết những mối quan hệ, để khỏa lấp những điều không thuận lợi do cơ chế?

- Bắt buộc phải dùng phong bì thôi. Bạn hỏi vì sao ư? Vì tôi không thể loại mình ra khỏi xã hội được. Vì cơ chế xã hội mình đang sai, vì bản thân những người nhận phong bì đó không thể sống bằng lương được. Cho nên, về nguyên lý, hiện nay một số người buộc phải tham nhũng để tồn tại, để nuôi nổi mình và doanh nghiệp phải coi đó là những chi phí bình thường, chi phí cho nền tảng xã hội này, khi nền tảng xã hội chưa ở mức bình thường, mà trong đó sự vô lý của đồng lương là một ví dụ điển hình.

Và bài học anh để lại cho các con mình sau một thời gian kinh doanh?

- Tôi vẫn thường dạy cho các con: Khi nào con thấy quý vô cùng một đồng tiền và đồng thời cảm nhận được rằng hàng vạn đồng tiền chẳng có ý nghĩa gì, thì lúc đó mới có thể thành công được.

Có những người khi làm ăn, được một đồng thì nâng niu, quý hóa nhưng khi có một vạn đồng tiền thì thay đổi, đánh mất bạn bè, anh em và những giá trị khác.

Nhưng có những người thì ngược lại, không biết nâng niu một đồng tiền, không biết tiết kiệm một đồng tiền vì đồng tiền đó không phải do mồ hôi nước mắt mà có. Người mà có thể đánh bạc hàng triệu đô thì không thể là người biết nâng niu, quý trọng một đồng tiền.

Biết nâng niu quý trọng từng đồng tiền lẻ và sẵn sàng bỏ qua hàng núi tiền vì những giá trị cao quý -  nghe qua thì có vẻ mâu thuẫn nhau ghê gớm, nhưng nếu nó qui tụ lại được ở một con người thì rất quý.

Anh từng trải qua cảnh nghèo không?

- Tôi vẫn nhớ hồi ở bộ đội, mỗi lần được phát một bộ đồ mới thì tôi thường ngắm nghía bộ đồ cũ, đắn đo mãi xem là mình có thể mặc bộ đồ này thêm 1 năm nữa không để bán bộ đồ mới đi gửi tiền về mua sữa cho con. Hồi đó, vợ chồng tôi vẫn sống chung với với ba mẹ.

Trong những tố chất làm nên một doanh nhân, có điều gì anh học được từ cha mình một cách rõ rệt?

- Có những cái tôi học được rõ nhất ở cha tôi thì về mặt bản chất nó không phải là tố chất người kinh doanh, mà lại dễ tôi dẫn đến thất bại - đó là lòng thương người. Có lẽ tôi không thể rất giàu được cũng vì tố chất đó. Hiện nay, ở Việt Nam, thương trường rất khốc liệt, để có thể thành công trong kinh doanh, đôi khi phải chấp nhận sự tráo trở. Nếu làm được một điều gì đó mà để người khác "chết" thì mình không làm được. Như việc đi ra khỏi Techcombank trong thời điểm đang làm ăn thuận lợi nhất, nhiều người thấy khó hiểu nhưng tôi thanh thản. Cũng có thể, tôi vốn sinh ra không phải để làm kinh doanh mà là nhờ một sự ngẫu nhiên do xã hội đưa đẩy.

Ông có hiểu cha mình không?

- Điều gì ở cha mình khiến ông ngưỡng mộ nhất?

- Đó là phương pháp tư duy, và cách phân tích sự việc. Ông từng nhắc với tôi câu nói của Lênin: Phân tích sự việc bằng trí óc, nhưng hành động bằng trái tim. Ông cho rằng: Khi trái tim mình đập đúng, thì mình phải hiểu được nó. Ví dụ, khi yêu đất nước đến vô cùng, đến mức trái tim chỉ có thể đập vì nó, người ta lại có những quyết định khác thường, những quyết định xuất phát từ những suy luận khác thường và không theo quy luật bình thường…

 Một người bạn Mỹ nói với tôi: Trong chiến tranh, suy cho cùng thì vật chất lớn hơn thắng vật chất nhỏ hơn, không chứa đựng yếu tố tinh thần. Anh ta dẫn lời Napoleon nói: Chúa chỉ đứng về kẻ mạnh. Tôi nói rằng, cha tôi đã nhìn thấy trong quy luật của sức mạnh đó có những điều lạ kỳ: Trong chiến tranh có những lúc A lớn hơn B, nhưng 2A lại chỉ bằng 2B và 3A lại nhỏ hơn 3B. Yếu tố tinh thần đã tạo ra một sức mạnh vật chất chống lại quy luật của sức mạnh vật chất vẫn tồn tại trên thế giới bình thường. Bình thường, sức mạnh tinh thần đó chưa đủ làm nên sức mạnh vật chất cụ thể, nhưng khi được khơi dậy và tổ chức lại một cách khoa học thì sức mạnh tinh thần đó có thể biến thành một sức mạnh vật chất phi thường. Vì thế mà duy nhất người Việt Nam hạ được B52 của Mỹ trong chiến tranh vừa qua.

Khi sang Mỹ, chứng kiến sự hùng mạnh của họ, tôi rất tự hào mình là người Việt Nam; và tôi hiểu rằng mình phải mạnh như thế nào thì mới thắng được Mỹ.

- …Và vì những suy luận không theo quy luật bình thường đó mà trong suốt hai mươi năm, cha ông đã từng có những hành động quyết đoán vì mục đích thống nhất đất nước?

- Sau này, cha tôi có kể lại cho chúng tôi nghe kỷ niệm về một lần ông dám… nói dối TƯ, nhưng là nói dối vì toàn cục, vì mục đích thống nhất đất nước. Đó là năm 1959, ông sang Trung Quốc và Liên Xô xin ý kiến về việc đánh Mỹ nhưng bị cản rất dữ dội. Họ có lý của họ vì cho rằng Mỹ rất mạnh, không chừng nếu đánh thì không những không giải phóng được miền Nam mà còn mất cả miền Bắc, thậm chí có thể gây ra thế chiến thứ III, còn việc thống nhất đất nước thì cần phải có thời gian lâu dài hơn nữa.

Thế nhưng, là người nắm vững quy luật của Cách mạng Việt Nam, càng để lâu, máu xương của đồng bào càng đổ nhiều, ông quyết định thưa với Bác và TƯ: “Các đồng chí ấy ủng hộ…”

Và sau này, việc ông nói trong một cuộc họp: “Chúng ta không được sợ Trung Quốc, Liên Xô, không sợ Mỹ” cũng đã khiến TƯ lúc đó bị sốc. Trong một cuộc họp khác, ông Hoàng Văn Hoan đã đứng lên chất vấn: “Thưa Bác, tôi muốn anh Ba giải thích lại là tại sao trong cuộc họp trước, anh Ba lại nói là không được sợ TQ, không được sợ LX – có nghĩa là gì?” Nghe thế, ông Nguyễn Chí Thanh vụt đứng dậy nói: “Thưa Bác, điều anh Ba nói là rất đúng và cực kỳ cần thiết”. Tất cả mọi người đều vỗ tay.

Khi đã vượt qua sự khó khăn ban đầu bằng tinh thần độc lập tự chủ và thái độ kiên quyết, về sau, chúng ta đã nhận được sự ủng hộ toàn diện và mạnh mẽ của Liên Xô và Trung Quốc.

Tôi nghĩ, có lẽ đã đến lúc một số biên bản cuộc họp Bộ Chính trị thời đó có thể công bố để lịch sử có thể sáng rõ hơn và con cháu có thể thấu hiểu những điều mà cha ông họ từng trải qua để có được như bây giờ. Và có thể, đó cũng là bài học cho hậu thế.

Năm 1972, khi Trung Quốc đón Nixon thì Chu Ân Lai sang gặp cha tôi ở Gia Lâm. Ban đầu, câu chuyện của hai người khá căng thẳng. Chu Ân Lai nói là chúng tôi sẽ “bàn về vấn đề Việt Nam với Nixon”, cha tôi rất gay gắt, ý là: Mỹ muốn nói về Việt Nam thì sang Hà Nội nói chuyện. Người Việt Nam tự quyết định vận mệnh của mình và không ai có thể làm điều đó thay chúng tôi…

Theo tôi được biết, lúc đó Thủ tướng Chu Ân Lai đã xin lỗi. Sau khi gặp Nixon, thủ tướng Chu Ân Lai lại sang Việt Nam và thông báo tình hình sẽ thế này, thế kia. Nghe xong, cha tôi nói: “Tôi chỉ biết trước một điều là sau khi Nixon gặp các đồng chí, Mỹ sẽ đánh chúng tôi gấp 10 lần".

Dự đoán đó đã đúng. Sau đó, Mỹ đã rải bom khắp các thành phố lớn và làng mạc miền Bắc.

Người ta vẫn nói rằng, vì cha tôi mà quan hệ Việt Nam và Trung Quốc xấu đi. Thế nhưng, họ không biết rằng, năm 1961, tại Đại hội 81 Đảng cộng sản tổ chức tại Moskva, Kholosop đưa ra những ý kiến trong đó phê bình gay gắt Đảng cộng sản Trung Quốc. Tại cuộc họp đó, duy nhất Đảng Lao động Việt Nam mà cha tôi là trưởng đoàn, đứng lên phản đối. Sau đó, đại diện Đảng cộng sản Pháp có đến gặp và nói: “Các đồng chí Việt Nam chỉ biết có quyền lợi dân tộc mà xao nhãng tinh thần quốc tế vô sản”. Cha tôi trả lời: “Tinh thần quốc tế vô sản lớn nhất bây giờ là chống Mỹ, các đồng chí hãy để chúng tôi làm việc đó”.

- Anh đánh giá thế nào về chiến dịch Mậu Thân năm 1968? Sự kiện đó có mang một phần tính cách của cha anh không?

- Bản chất sự kiện năm1968 tự nó đã nói lên một phần tính cách đó rồi. Cha tôi nói rằng đó là một quyết định khó khăn nhất nhưng được tính toán kỹ lưỡng và mang tính quyết liệt nhất. Ông nhận định đó là thời điểm mà nước Mỹ đứng trước 2 sự lựa chọn, một là Westmoreland đề nghị tăng gấp đôi số quân lên, chiến tranh không dừng lại ở miền Nam, mà đánh ra một vài điểm miền Bắc; thứ 2 là người Mỹ cho rằng không thể thắng được nữa và phải ra đi.

Và chúng ta đã quyết định đánh một trận lớn đến mức mà người Mỹ không thể tưởng tượng được. Những chiến binh của mặt trận giải phóng đã có mặt tại đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn. Chính người Mỹ sau này cũng nói rằng đó là trận đánh không phải vào Sài Gòn mà vào tận Washington. Để làm được điều đó, chúng ta phải chấp nhận những hi sinh, mất mát to lớn.

Sau này ông Trần Bạch Đằng có nhắc lại một câu của cha tôi là: "Đó là một trận đánh làm tung tóe những yếu tố chính trị mới". Đó là trận đánh mà theo tôi nên đưa vào kinh điển lịch sử nghệ thuật chiến tranh. Rõ ràng là sau đó dẫn đến việc nước Mỹ đã rút quân. Cha tôi từng nói trong Thư vào Nam rằng chúng ta không bao giờ thắng được Mỹ ở nấc thang đỉnh cao của chiến tranh, nghệ thuật của mình là kéo Mỹ xuống thang và thắng ở nấc thang cuối cùng. Không làm nhục nước Mỹ thì chúng ta mới thắng được và Mỹ mới chấp nhận cái thắng đó. Chiến dịch 1968 là trận đánh kéo Mỹ xuống nấc thang cuối cùng để dẫn tới sự kiện 1975.

- Cha anh có phải là người quyết định đánh vào Buôn Mê Thuột trong chiến dịch 1975?

- Chuyện này bây giờ vẫn còn nhiều tranh cãi nhưng theo tài liệu của tướng Dũng thì đó là quyết định của cha tôi. Và ban đầu, khi Đại tướng Văn Tiến Dũng đưa chỉ thị đó vào miền Nam, nhiều tướng lĩnh ở đó đã phản đối. Họ nói rằng các ông ngoài Bắc không hiểu được hoàn cảnh thực tế ở trong này, chúng ta từng dùng một sư đoàn chỉ đánh một quả đồi thôi còn không nổi, làm sao đánh được vào thị xã lớn? Thậm chí có người còn định xin một chiếc trực thăng ra báo cáo TƯ rằng đây là quyết định sai. Nhưng tướng Dũng bảo: Đây là quyết định của anh Ba và Bộ Chính trị, chúng ta phải làm cho bằng được.

Ông Trần Quỳnh từng nói: Anh Ba là người sáng có thể nói khác, chiều có thể quyết định khác, ý nói ông rất biện chứng và nắm bắt được thời cuộc. Ông Trần Quỳnh nói: Tôi gần anh Ba tôi biết, khi ăn cũng nói đến miền Nam, ngủ nghĩ đến miền Nam. Khi con người say mê với chuyện gì, họ luôn có những ý tưởng hết sức sáng tạo về nó.

- Có thể vì những chuyện như thế mà có lời đồn rằng, cha anh đã từng nắm hết quyền lực trong Đảng sau năm 1959? Anh có nghe những lời đồn như thế và cha anh khi sinh thời có biết những lời xì xào như thế không?

- Sau ngày miền Bắc sai lầm trong cải cách ruộng đất, Bác Hồ đã kiên quyết gọi cha tôi ra để giao trọng trách Tổng Bí thư. Và cha tôi đã từng ngạc nhiên bởi khi đó chỉ có mình ông là ủy viên TƯ ở miền Nam và không phải là người gần Bác nhiều. Không những thế, Bác còn đề nghị cha tôi giữ thêm nhiều trọng trách nhưng ông không nhận.

Tôi nghĩ rằng trong cán bộ, Đảng viên chẳng có ai đồn như bạn hỏi.

Nếu có thì sau này, người ta cũng chỉ phân tích lại quá trình để chúng ta bắt đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ mà trong đó ý kiến của cha tôi có sự tác động nhất định đến sự thay đổi cục diện.

Bây giờ cuộc kháng chiến đã thành công, mọi chuyện có vẻ dễ hiểu. Thế nhưng ở thời điểm bắt đầu, thì không phải mọi người đều thống nhất với con đường đi đó mặc dầu ai cũng muốn thống nhất đất nước. Lý do là vì ở thời điểm bắt đầu, Liên Xô và Trung Quốc đã cản rất dữ dội, vì sợ rằng sức mình không thể làm được điều đó.

Nhưng điều quan trọng là với khả năng của mình, ông đã thuyết phục được và cả quyết đoán nữa để có kết quả của cuộc kháng chiến như năm 1975. Nếu nói rằng “tiếm quyền” thì hóa ra là toàn bộ cuộc kháng chiến này do cha tôi lãnh đạo hết à? Như thế thì không phải là phê phán ông nữa mà là đã đánh giá công lao của cha tôi lớn quá.

Những học giả phương Tây thì đánh giá thời điểm đó, Bộ Chính trị có quan điểm khác với Tổng bí thư Lê Duẩn và những đường lối quyết định nhất của cuộc chiến là do cha tôi vạch ra.

Còn tôi hiểu rằng cha tôi là người có khả năng thuyết phục số đông.

- Quan hệ của cha anh với Tướng Giáp thế nào?

- Tôi chỉ dẫn một câu mà mà Tướng Giáp hay nói với cha tôi: Đời tôi đi làm cách mạng là nhờ anh Ba. Cha tôi thì nói lại là: Những gì mà tôi giúp anh là vì tôi nhớ đến người vợ đầu của anh.

Chuyện là thế này, trong lúc cha tôi bị tù, có một người tù khác đã ném cho ông mẩu giấy nói rằng ở ngoài sắp sửa làm bạo động Nam kỳ; mảnh giấy đó bị rơi ra ngoài và một sĩ quan Pháp nhặt được. Ông hiểu rằng người Pháp sẽ xử bắn bất kỳ người nào dính đến cuộc khởi nghĩa Nam kỳ. Lúc đó ông nhờ bà Thái (Nguyễn Thị Quang Thái - người vợ đầu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - NV) nói chuyện với viên sĩ quan kia để lấy lại mẩu giấy đó. Nhờ sự khéo léo và vốn tiếng Pháp của mình, bà Thái đã lấy lại được cái thư, tức là đã cứu sống ông.

- Sau khi Bác Hồ mất thì mối quan hệ của cha anh với ông Trường Chinh và ông Phạm Văn Đồng như thế nào?

- Tuyệt đối tốt.

- Và họ coi ông là lãnh tụ?

- Họ coi cha tôi là một trong những lãnh tụ từ ĐH III, năm 1960.

- Những yếu tố để họ coi ông là lãnh tụ?

- Tôi nghĩ là có nhiều yếu tố lắm, như hồi trong Nam thì người ta gọi ông là “ông 200 ngọn nến” vì những ý kiến của ông rất sáng láng.

Cha tôi thường nói: Trong quá trình ba làm việc chưa bao giờ ba thấy ai cao hơn ba và chưa bao giờ ba thấy ai thấp hơn ba. Tôi nghĩ, có lẽ, đó là nguyên nhân khiến ông để lại dấu ấn trong lịch sử. Kể cả Mao Trạch Đông, Khrushop, những người mà tất cả những người sống thời đó đều cảm thấy sức nặng của họ. Thế nhưng, khi gặp, cha tôi cảm thấy không hề bị ngợp. Và rồi, khi nói chuyện với những người như bọn tôi chẳng hạn, chưa bao giờ ông đối xử theo kiểu cha - con mà theo cách của những người bạn với nhau.

Ông kể, một lần vào một lớp học ở miền Nam sau ngày giải phóng, có một cô bé hỏi ông một vấn đề gì đó về xã hội, ông lớn tiếng nói lại với cô bé. Cả hiệu trưởng lẫn những người có mặt ở đó đều sợ run lên, tưởng ông đang nóng giận. Nhưng sau đó, ông nói với cô bé: “Bác nói với cháu như vậy, là bác coi cháu như đồng chí của bác”. Mọi người vỗ tay hết.

Nếu như người khác, sẽ nói: Cháu ngồi xuống đi, chuyện này cháu chưa biết được đâu", thì đó là mức độ thấp. Nhưng với như cương vị là một Tổng Bí thư mà tranh luận gay gắt với một cô bé học sinh, thì đó là sự tôn trọng. Qua đó cha tôi muốn nói với các con một điều: Đừng bao giờ thấy người nào cao hơn mình, nhưng cũng đừng bao giờ thấy ai thấp hơn.

Sinh thời, cha anh có biết những lời đàm tiếu về mình không? Nhất là vào những thời điểm khốn khó của đất nước sau năm 1975?

- Tôi muốn kể cho bạn nghe câu chuyện này: Vào những năm sau 1975, có lần, một cán bộ cấp cao thân cận đã đột ngột gõ cửa phòng ông và rồi nói rất lâu về những gì mà bên ngoài người ta đang phàn nàn. Nói suốt cả buổi chiều, sang cả buổi tối. Còn đọc luôn cả vè. Đến lúc nhìn đồng hồ, ông ta hoảng quá, nhưng không ngờ cha tôi bảo: "Về ngủ đi, mai  đến nói cho tôi nghe tiếp nhé!". Ông không bất ngờ về điều gì.

Ngày 30/4/1975, ở giây phút hàng vạn người ngộp thở vì chiến thắng, cha tôi lặng lẽ xin một điếu thuốc của người bảo vệ, điếu thuốc ông hút lại sau 30 năm. Hơn ai hết, ông không hề bất ngờ vì chiến thắng này, vì ông luôn tin những gì mà mình đã theo đuổi.

Cũng trong ngày đầu tiên đoàn tụ cùng đồng chí, anh em ở Sài Gòn, ông nói: Đừng vui quá, sắp tới sẽ vô cùng khó khăn, chúng ta phải tuyên chiến với giặc đói.

"Bố mày có biết chuyện là nhiều người không có gạo ăn không?" -  khi tôi nói với ba tôi là bạn tôi đã nói như vậy, ông rất bình thản: Những khó khăn lớn nhất của dân tộc đã đi qua rồi...

Có người nói cách nhìn của cha tôi là chạy trốn thực tế và lý tưởng hoá cuộc sống. Còn tôi nghĩ rằng, ông là một người biện chứng.

Một số người từng ghi nhận công lao đặc biệt của cha anh trong công cuộc thống nhất đất nước thì cũng nói rằng cố tổng bí thư Lê Duẩn đã không thực tế trong điều hành kinh tế đất nước sau năm 1975, rằng ông phải chịu trách nhiệm chính về những khó khăn mà người dân Việt Nam phải trải qua sau năm 1975?

- Tôi cũng đã nghe nhiều lời bàn tán đại loại như vậy. Nhưng tôi cũng  tin rằng mình rất hiểu cha. Bây giờ, nếu tôi nói khó khăn sau một cuộc chiến kéo dài 30 năm là điều không thể tránh khỏi thì cả bạn cũng có thể nói là tôi biện hộ.

Cha tôi giữ trách nhiệm Tổng Bí thư mười năm sau hòa bình. Giờ đây, khi tôi đã trên 50 tuổi, đã trải qua nhiều thăng trầm của cuộc đời, và trở thành một doanh nhân, tôi càng hiểu rằng - 10 năm là khoảng thời gian quá ít ỏi để một dân tộc bỏ được nhiều thói quen theo quán tính của thời chiến. Sau này, khi nói về "đêm trước đổi mới", người ta thường coi đó như một đêm tối mà trong đó những người lãnh đạo thời kỳ đó gần như chỉ là con số không; và câu chuyện "giá - lương - tiền" như là một nỗi nhục về điều hành kinh tế.

Nhìn lại 30 năm sau cuộc chiến, tôi có thể tự hào rằng mình đã có một người cha có tư duy ở tầm cỡ như vậy. Đất nước khác, kể cả như Liên Xô chỉ dám ra khỏi bao cấp khi chế độ đó bị sụp đổ sau hơn 70 năm tồn tại. Việt Nam nghĩ tới chuyện ra khỏi bao cấp chỉ sau khi hết chiến tranh khoảng 5 năm.

Bây giờ người ta phê phán nhất “Giá - Lương - Tiền”, nhưng đó là cú đột phá mãnh liệt vào ý chí khủng khiếp nhất của toàn Đảng toàn dân lúc đó; bởi  thực hiện "Giá - Lương - Tiền" tức là "anh" phải từ bỏ chế độ bao cấp đã nuôi dưỡng "anh" trong vòng mấy chục năm. Đó là cuộc chuyển đổi có tính sinh tử với một nền kinh tế. Bạn thử hình dung xem, cả một đám đông bao nhiêu năm quen với tem phiếu, sổ gạo, họ từng nghĩ rằng lấy cái đó đi của họ là tội ác. Nhiều người trong bộ phận lãnh đạo cũng nghĩ như vậy…

Nhưng điều mà bây giờ người ta vẫn còn ám ảnh về “Giá - Lương - Tiền” là giá bị đẩy lên tới hàng chục lần sau khi bỏ bao cấp?

- Bạn có hình dung ra Liên xô khi chuyển đổi nó đẩy giá lên tới hàng vạn lần chứ không phải là chục lần trong khi đó cơ sở vật chất của họ ở tầm cao hơn mình rất nhiều!

Người ta vẫn nói rằng, cha anh đã hoàn toàn đi theo mô hình kinh tế của Liên xô, biến cả đất nước thành một đại công trường…

- Tôi không cho là như vậy. Tôi vẫn còn nhớ hồi đó, khi sang Liên xô, trong một bữa cơm, một người trong Bộ Chính trị của ĐCS Liên Xô chất vấn cha tôi rằng: Tại sao các đồng chí lại có thể cho phép một xí nghiệp tự định giá sản phẩm của mình. Ông ôn tồn giải thích: Các đồng chí không biết chứ chúng tôi có điều kiện khác các đồng chí nên Nhà nước không thể cung cấp nguyên vật liệu cho tất cả các nhà máy, xí nghiệp được. Những xí nghiệp mà Nhà nước cung cấp nguyên vật liệu thì Nhà nước có thể định giá sản phẩm, còn nếu xí nghiệp, nhà máy tự đi kiếm nguyên vật liệu từ bên ngoài về sản xuất thì họ tự định giá.

Nơi sản xuất tự định giá sản phẩm - một việc bây giờ như quá đơn giản thì hồi đó đã là vi phạm vào quy tắc của hệ thống. Bây giờ, rất nhiều người không thể hình dung nổi là có chuyện đó.

Lúc đó, ảnh hưởng của Liên xô đối với mình vẫn rất lớn. Còn vì sao thì những người của thời đó cũng tự biết; và bây giờ, những người biết phân tích một chút cũng tự hiểu: Cha tôi, một người từng phát biểu trong một cuộc họp của Bộ Chính trị rằng: "Chúng ta phải đánh Mỹ, không được sợ Liên Xô, Trung Quốc" lại có thể chủ động nghe theo mô hình kinh tế Liên Xô trong thời bình sao. 

Chúng ta dám nghĩ, chúng ta vươn ra khỏi tầm ảnh hưởng đó để làm “giá - lương - tiền”, làm tiền đề cho đổi mới, trăn trở về khoán 10 cũng từ thời điểm đó mà ra nhưng sau này người ta không hiểu hoặc không nhắc đến. 

Vào thời điểm đó, đại đa số người Việt Nam, đặc biệt là bộ phận lãnh đạo, họ không quen và không hình dung nổi về thị trường. Có một lãnh đạo một địa phương lúc đó đã từng "lên bờ xuống ruộng" chỉ vì những ý tưởng cải cách kinh tế của ông quá táo bạo, tuy rằng được cha tôi ủng hộ gần như tuyệt đối. Vào thời điểm đó, người đi đầu đổi mới có thể bị hệ thống cho là "trở cờ...", mà hiển nhiên, cha tôi không thể làm thay đổi ý chí của đa số. 

Tôi nghe một số câu chuyện đại loại nói rằng cha anh rất ấu trĩ về tư duy kinh tế...? 

- Ông không phải là người toàn bích nhưng trong thời bình, nhiều người cấp tiến, những người mà sau này người ta vẫn đánh giá là có tư duy bài bản về kinh tế thị trường tương đối sớm vẫn gọi những ý tưởng của cha tôi là: "Ý tưởng từ cái đầu 200 ngọn nến". 

Còn những lời đồn… Tôi đã đối diện với những lời đồn về cha mình trên dưới 50 năm nay. Nhưng tôi tự hào về ông vô cùng vì tôi hiểu rằng, một người đàn ông có thể diễn kịch với cuộc đời nhưng chân dung họ hiện lên trong mắt con cái là chân thực nhất.

Tôi tin rằng những câu chuyện như thế này, bạn chưa nghe, và nhiều người chưa biết nhưng những người trong cuộc thì họ vẫn còn sống, và và tôi tin là họ thầm nghĩ trong đầu: "Đúng, những chuyện về anh Ba như vậy là có…". Vâng, tôi chỉ cần như vậy.

… Có lần, cha tôi cử một cán bộ ngoại giao sang Mỹ tìm hiểu để sau đó bàn chuyện bình thường hóa quan hệ, người đó đi thấy ngợp quá nhưng về lại sợ "anh Ba cho là ăn phải bã tư bản" nên chỉ toàn kể chuyện xấu. Cha tôi nghe xong, cười bảo: "Mỹ nó xấu thế mình quan hệ làm gì…". Sau đó, ông ta đành phải nói những gì mắt thấy tai nghe.

Đi thăm một địa phương tương đối là năng động lúc đó, tại HTX chăn nuôi, nhìn thấy hàng chục người ngồi thái rau nuôi mấy con lợn còi, cha tôi nói với người đứng đầu: "Cậu hiểu thế nào là làm ăn lớn. Làm ăn lớn là mỗi người nông dân có thể nuôi hàng ngàn con gà, hàng trăm con lợn chứ không phải tập trung nhiều người lại để làm". "Nhưng TƯ chỉ đạo khác…", ông ta thành thật. Cha tôi nói: Tỉnh cậu có điều kiện để làm mô hình đổi mới, cậu lại có tư duy kinh tế sáng tạo, sao cậu cứ chần chừ. Mỗi nơi một đặc thù. Các địa phương phải chủ động rồi báo cáo, đôi khi từ mô hình này tốt mà làm điểm cho cả nước. TƯ chỉ đạo thay được các địa phương từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn thì cần gì các cậu nữa…".

Một lần, về Hải Phòng, đến thăm một HTX làm hàng xuất khẩu, cha tôi hỏi một cô công nhân: "Cháu có biết đồng đô la là gì không?". Cô ta lắc đầu. Cha tôi đã nói với Chủ tịch Hải Phòng lúc đó: "Người làm xuất khẩu mà không biết đồng đô la là gì thì họ sẽ không có động lực…".

Rất nhiều câu chuyện như vậy về cha tôi mà không nhiều người biết. Những người biết, họ từng biết tính cha tôi, rằng không cần lắm việc người ta phải ghi công trạng của mình hoặc hiểu mình, miễn rằng chúng tôi - những người con của ông đã tin, yêu, tự hào về ông.

- Thế thì theo anh, trong thời bình, ảnh hưởng của Tổng bí thư Lê Duẩn có còn tuyệt đối nữa không?

- Cũng như thời bắt đầu của cuộc kháng chiến, trong giai đoạn mới, ông cũng phải chờ đợi người ta hiểu ý tưởng của mình. Nhưng lúc đó, những người có thể chia sẻ với cha tôi như Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã không còn nhiều nữa. Và có thể, lực cản để chúng ta bứt phá lúc đó nằm ở tiềm thức của đại đa số lãnh đạo, công chức, người dân và có thể ở cả chính ông nữa.

- Có một số người nói rằng, khi về già cha anh rất cô đơn?

- Có thể. Chúng tôi, những người con của ông cũng cảm nhận được sự cô đơn của cha tôi về cuối đời, khi mà những ý tưởng của ông không còn cơ hội được thực hiện như trong chiến tranh…

- Anh có nghĩ sự cô đơn đó của cha anh về cuối đời xuất phát từ việc thiếu những người tri âm, thân cận không…?

- Có những người đã từng chia sẻ với ông những ý tưởng lớn trong suốt hai cuộc kháng chiến thì lại có những tính toán riêng…

- Anh có thể nói rõ hơn được không?

- Cha tôi đã từng tâm sự với các con: “Cả đời ba vui, cuối đời lại buồn”.

Tôi hiểu ông nói cả đời vui là cả những lúc bị tù đày đánh đập tàn khốc nhất. Còn nỗi buồn lại xuất hiện khi một trong những mong ước của đời ông đã thành hiện thực là giang sơn thu về một mối...

Nhưng không phải bây giờ và cũng không thể là tôi có thể nói ra điều đó...

Anh có muốn tránh xa khỏi con đường chính trị không?

- Không, làm sao tránh được. Trong gia đình tôi, bất kể làm gì, khi gặp nhau thì chỉ nói chuyện chính trị thôi, như lẽ sống vậy.

Lần đầu tiên nhận được thư của ba tôi, trong đó có một câu khiến tôi nhớ mãi: Ba cũng rất muốn sau này con đi theo con đường của ba...

 Thế rồi, vì sao anh và những người trong gia đình không ai đi theo con đường chính trị của cha? 

- Tôi không biết rõ lắm nhưng hình như sau đó, cha tôi lại muốn con cái nên tránh xa "vùng ảnh hưởng" của mình ra.

Hoặc là nhiều người không tạo điều kiện để con cái lãnh đạo có thể tiếp cận với con đường chính trị. Tôi nhớ anh cả mình từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, khi quân đội bắt đầu phong quân hàm thì anh ấy đã là đại úy. Thời điểm đó họ lại chọn một số con cái cán bộ có trí thức đi học một số ngành đặc biệt và họ chọn anh ấy học ngành kỹ thuật hàng không. Trong quân đội, nếu đi theo các ngành kỹ thuật thì khó thăng tiến nhất. Cá nhân tôi cũng ở không quân, kỹ sư hàng không - thiên về kỹ thuật nên sau này đi làm cũng không gần với chính trị được.

Với tôi, cái danh lớn nhất là "con trai ông Duẩn"

Với tất cả những phát ngôn trên báo chí như thế này, anh có bị những bạn bè, đồng chí cũ của cha mình nhắc nhở gì không?

- Thực ra bạn bè, đồng chí của cha tôi cũng không còn bao nhiêu. Trước đó, tôi cũng từng tâm sự với các cụ nhiều lần về những ý kiến tâm huyết của mình với đất nước.

Có người nói rằng, sau một thời gian làm doanh nhân, có của ăn, của để, anh bắt đầu quan tâm đến việc lập danh. Đã có bao giờ anh "nhắm" đến một vị trí nào đó trong hệ thống không?

- Cũng đã có người băn khoăn về việc lẽ ra tôi có thể có một chỗ đứng nào đấy. Tôi nói: Cháu nói thật với chú, đối với cháu không có cái danh nào cao hơn cháu là con của ba cháu. Cháu mà làm đến thứ trưởng, bộ trưởng chẳng hạn thì đến khi cháu chết đi, người ta cũng chỉ nói là "con ông Duẩn" thôi chứ không nhắc đến tên cháu đâu.

Vừa rồi, trong chuyến sang Hàn Quốc theo lời mời của một ĐBQH nước đó, tôi lại thêm một lần nữa chứng thực chuyện này. Người ta đã rất trọng thị tôi vì là "con trai ông Lê Duẩn". Tôi hiểu, cái danh mà cha tôi để lại là quá lớn, và tôi cũng không định và không thể thoát ra khỏi cái bóng đó.

Tất nhiên, ngay tại thời điểm này, ngẫm lại, tôi vẫn khao khát làm điều gì đó cho đất nước, dù có thể chỉ là việc nhỏ nhoi.

 Và việc mà tôi đang làm đây, đối diện với những câu chất vấn của bạn - cũng là một việc có ích cho đất nước. Cha tôi không chỉ là người sinh thành ra chúng tôi mà lớn hơn hết - ông là một nhân vật có ảnh hưởng tới chính trường Việt Nam trong một thời gian dài. Những gì mà hôm qua cha tôi từng tâm đắc như "xây dựng cấp huyện" và "tinh thần làm chủ tập thể" mà hôm nay không ai nhắc lại, đối với chúng tôi, đó là niềm tự hào bởi vì lịch sử mãi mãi sẽ nói rằng đó là ý kiến riêng của cha tôi. Nhưng mặt khác, tôi không muốn những tư tưởng của ông bị lớp trẻ hôm nay nhìn lại một cách không công bằng.

"…Cổ phần hóa là làm chủ tập thể"

 Vâng, "Làm chủ tập thể" - một cụm từ quen thuộc một thời sau này đã bị nhiều người cho rằng nó đã thủ tiêu tinh thần trách nhiệm cá nhân của mỗi người trước tập thể. Nói tóm lại, không ít người nói rằng Tổng bí thư Lê Duẩn đã duy ý chí khi kêu gọi tinh thần "Làm chủ tập thể"?

- Lòng yêu nước là gì? Lòng yêu nước không duy ý chí à? Tại sao một người ở Lạng Sơn có thể thanh thản hi sinh ở tận Cà Mau, Củ Chi. Họ đâu có chờ đợi để được chia cho họ một mảnh đất ở trong đó. Họ hiểu rằng cả đất nước này là của chung và khi có giặc là phải chết, chết chung với nhau, sống chung với nhau. Bản chất của lòng yêu nước đã là làm chủ tập thể rồi.

Và khái niệm làm chủ tập thể có thể áp dụng trên mọi phương diện chứ không chỉ trên lòng yêu nước. Trong một quan hệ về mặt tư liệu sản xuất, về quản lý văn hóa… có khái niệm làm chủ tập thể. Nhiều người cứ nói rằng chuyện đó như là cái gì ảo tưởng, cái gì đó hơi duy ý chí. Không, tôi hiểu rằng cha tôi đã nhìn thấy đó là phương cách để chúng ta thực hiện một xã hội dân chủ kiểu mới.

Khi là một doanh nhân rồi, anh có nói với những công nhân mình về tinh thần "làm chủ tập thể" và anh hi vọng quản lý tốt doanh nghiệp của mình chỉ với việc kêu gọi tinh thần làm chủ tập thể không?

- Không phải là kêu gọi mà là phải tạo ra thể chế để mọi người có cơ hội làm chủ tập thể. Cổ phần hóa thực chất là đang làm chủ tập thể. Bình thường không thể giáo dục người công nhân được rằng anh là chủ cái nhà máy đó nhưng khi chia cổ phần thì từng người công nhân hiểu rằng họ sẽ cùng những người khác làm chủ nhà máy đó. Có nhiều người Nhật khi gặp cha tôi đã nói với ông là "trong tất cả luận thuyết XHCN chúng tôi phục nhất cái ý kiến của đồng chí là làm chủ tập thể".

Tôi còn nhớ một ông tỷ phú người Nhật nói một trong bí quyết làm giàu của mình là nhờ đọc Mác và khắc phục toàn bộ những điểm yếu của chủ nghĩa tư bản mà Mác chỉ ra. Họ nói ở nước Nhật bây giờ không có khái niệm đình công nữa vì công nhân đã tìm thấy lợi ích của mình trong những công ty, nhà máy được cổ phần hóa.. Khái niệm làm chủ tập thể thông qua việc bán cổ phần, cổ phiếu đã được họ thực hiện từ rất lâu rồi. Khi ở giai đoạn đất nước rất sơ khai, chúng ta đã tìm ra được khái niệm "làm chủ tập thể" để khắc phục việc xung đột lợi ích.

Có một số người nói với tôi rằng: Anh đã thần tượng cha mình như thần thánh. Với lại, con không thể nói khác đi về những gì cha mình đã làm. Có lúc nào anh có ý nghĩ rằng mình luôn nhìn cha bằng đôi mắt của con trẻ kể cả khi đã lớn, nhất là đối với chuyện "làm chủ tập thể" này?

- Không! Có rất nhiều điều cha tôi nói nhưng đến khi ông qua đời, và tôi đã trải qua nhiều năm tháng sống, tôi mới thấu hiểu và chia sẻ được.

Ví dụ, cha tôi có nói một câu nói mà hồi còn nhỏ tôi giật mình vì khác với những điều mình học: "Ba không thích dùng chữ chuyên chính vô sản vì chuyên chính vô sản bản chất chỉ là thay áp bức này bằng áp bức khác. Làm chủ tập thể là không phân biệt giai cấp, không phân biệt tôn giáo, không phân biệt gì cả. Đó là một khái niệm văn minh". Và ông nói chuyên chính vô sản là công cụ trong một giai đoạn thôi, chưa bao giờ là mục đích của cách mạng, còn làm chủ tập thể vừa là công cụ, vừa là mục đích. Anh dùng nó để vận động xã hội thì đó là công cụ, đến khi anh hướng về nó, hoàn thiện nó thì đó là mục đích.

 Nhưng, ở thời điểm đó, khi  đã học quá nhiều thuyết lý, nghe vậy, tôi đã hoang mang. Đến bây giờ, khi đã có dịp kiểm nghiệm, tôi rất tự hào là mình có người cha đã nhìn ra điều đó.

Hạnh phúc ư - có lẽ cha tôi là người khác thường

Sống bên cạnh một người cha mà "mỗi ngày, mở mắt ra đã nhìn thấy đất nước, nhắm mắt lại cũng nhìn thấy đất nước", anh có cảm thấy cô đơn không?

 - Cô đơn. Vâng! Vâng, tôi từng đối diện với cảm giác đó khi còn rất nhỏ. Khi còn ở bộ đội, trong một bức thư gửi cho ba, tôi đã viết: "Có lẽ con là người ít cảm nhận được tình cảm gia đình nhất…"

Mẹ trở lại miền Nam năm 1964 khi tôi mới 9 tuổi. Ba thì luôn luôn nghĩ về việc lớn, thỉnh thoảng lại giật mình, hỏi: "Con học lớp mấy rồi". Ba tôi có đặc điểm là coi con như bạn, như đồng chí, không có xoa đầu... ngay từ khi con còn nhỏ cũng chỉ nói chuyện chính trị với con thôi. Tôi nhớ là không bao giờ ông đùa với trẻ con trong nhà. Sự quan tâm hỏi han của ông cũng chỉ là: Trong lớp con có bạn nào nghèo không?...

Có khi nào anh đặt câu hỏi: Với vị trí của mình, tại sao cha anh lại đành để mẹ anh phải vào Nam chiến đấu, trong khi ba con nhỏ dại? 

- Lớn hơn tất cả là niềm tự hào vô cùng của chúng tôi đối với người cha với tất cả những gì ông đã làm cho đất nước này. Và sự thấu hiểu, thông cảm sâu sắc về đời sống riêng tư của gia đình. Số phận của gia đình tôi nằm trong số phận của đất nước trong thời kỳ đó. Nếu không phải là con của hai người cộng sản chân chính, có lẽ tôi đã không thể có niềm tin tuyệt đối như thế khi mà hàng ngày, trong công việc của mình là một doanh nhân, tôi đã phải đối diện với bao nhiêu chuyện chướng tai gai mắt…

Khi đọc xong bài viết trên Tiền phong về "Người vợ miền Nam của cố Tổng bí thư Lê Duẩn", tôi thấy cha anh có cuộc đời riêng đầy trắc ẩn… Có phải vậy không?

- Cũng như những người cộng sản chân chính khác, cha tôi coi hạnh phúc của mình hòa trong hạnh phúc chung của dân tộc. Còn nếu khi xảy ra sự không đồng thuận nào đó thì một lãnh tụ như cha tôi phải đặt quyền lợi đất nước lên trên hết.

Hơn nữa, cha tôi là một người đặc biệt. Có thể, ông hiểu được nhu cầu hạnh phúc của nhân dân và cả đời nỗ lực vì điều đó nhưng cá nhân ông cũng không cắt nghĩa nổi thế nào là hạnh phúc. Ông loay hoay với nó và nhiều khi ông cứ hỏi chúng tôi là: "Khi ba đang ở tù, bị đánh đập nhưng ba nghĩ đang tham gia vào một việc lớn của đất nước, ba thấy hạnh phúc tràn ngập, không thấy tù đày là tù đày nữa. Thế nhưng khi ở cương vị Tổng Bí thư, ngồi trên xe hơi, thấy ông già kéo xe đi qua, ba thấy vô cùng đau khổ".

Cho nên hạnh phúc là gì, đau khổ là gì khó mà cắt nghĩa nổi một cách rạch ròi. Hạnh phúc có phải là vật chất người ta đang có, có phải là quyền lực người ta muốn có? Có phải tất cả những điều đó mang đến cho người ta hạnh phúc không? Hạnh phúc thật sự của mỗi con người là khi người ta dung hòa được giữa mong muốn cá nhân và hiện thực xã hội…

Hai mươi năm ngày mất của cố Tổng bí thư Lê Duẩn, anh nhớ điều gì nhất ở cha mình?

- Cha tôi là một người cộng sản. 20 năm đã qua, cuộc sống có nhiều điều tốt đẹp hơn nhưng cũng có quá nhiều giá trị "cộng sản" bị phai nhòa. Nhưng tôi luôn tin ở chân lý và lý tưởng mà hàng triệu người như cha tôi đã vì nó mà sống và chết. Để vượt qua những khó khăn, cám dỗ trong cuộc sống hiện tại, tôi luôn nhớ lời cha tôi thường nói với đồng chí của người và các con: "Là người cộng sản, mỗi ngày hãy tự kết nạp lại mình vào Đảng".

Lương Bích Ngọc - Nguyễn Thu Thuỷ