Chiều 2/2, phát biểu kết luận phiên họp thứ 7 Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận công tác cải cách hành chính đã có những chuyển biến rất tích cực, đạt được kết quả toàn diện.

Tập trung tháo gỡ vướng mắc về pháp lý cho sản xuất, kinh doanh

Trong 8 kết quả nổi bật, Thủ tướng nhấn mạnh, nhiều văn bản, cơ chế, chính sách quan trọng đã được ban hành, góp phần tháo gỡ các nút thắt và thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình cải cách hành chính, như: Luật Căn cước, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản.

Một số chính sách đặc thù phát triển lĩnh vực, địa phương đã được thông qua như chính sách phát triển TP.HCM, thí điểm một số chính sách về đầu tư xây dựng công trình giao thông…

thutuong 0.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính

Bên cạnh đó, các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa 628 quy định kinh doanh; 100% bộ, ngành, địa phương đã công bố danh mục thủ tục hành chính nội bộ; chất lượng giải quyết thủ tục có nhiều cải thiện; 100% bộ, ngành đã hoàn thành việc ban hành văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; 100% các địa phương đã hoàn thành việc rà soát, sắp xếp tổ chức bên trong các sở, ngành…

Đáng chú ý, Thủ tướng đánh giá cao việc ban hành quy định mới về kiểm định chất lượng đầu vào công chức; về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài; bỏ thi thăng hạng viên chức…

Người đứng đầu Chính phủ cũng ghi nhận việc tăng thu, tiết kiệm chi, đã trích lập được khoảng 560.000 tỷ đồng, bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương trong 3 năm 2024 - 2026.

Nhấn mạnh đầu tư cho cải cách hành chính là đầu tư cho phát triển, Thủ tướng yêu cầu tổ chức cải cách hành chính cả trên 6 lĩnh vực, trong đó cải cách thể chế phải tập trung tháo gỡ vướng mắc về pháp lý cho sản xuất, kinh doanh.

Về thủ tục hành chính, Thủ tướng lưu ý phải tập trung cho đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền; giảm chi phí tuân thủ, chi phí đầu vào của người dân, doanh nghiệp.

Ngoài ra, tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế nhưng phải cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng văn hóa công sở, đạo đức, trách nhiệm của người thực thi công vụ...

Bãi bỏ các loại chứng chỉ không cần thiết

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải ưu tiên nguồn lực cho công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.

Trong đó, cần bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không khả thi, không rõ ràng, không phù hợp thực tiễn; bãi bỏ các loại chứng chỉ không cần thiết, thu gọn các loại chứng chỉ trùng lặp về nội dung.

phamthithanhtra 01.jpeg
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà báo cáo tại phiên họp.

Đồng thời, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, chất lượng thực thi công vụ, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Đặc biệt, các bộ ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong gắn với tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của từng cơ quan, đơn vị; hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã vào quý 3 năm 2024.

Các bộ, ngành, địa phương tăng cường phân cấp, phân quyền; tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp.

Cả nước tinh giản biên chế 84.140 người

Dự kiến kết quả sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành đến hết năm 2024 còn 895 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 140 đơn vị so với năm 2021; các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ đạt khoảng 63%.

Các địa phương đã tập trung triển khai việc rà soát, sắp xếp tổ chức hành chính bên trong, theo đó giảm 13 sở và tổ chức hành chính khác thuộc UBND tỉnh; giảm 2.572 tổ chức phòng và tương đương thuộc cơ quan chuyên môn.

Về quản lý và tinh giản biên chế, thực hiện các nghị định của Chính phủ, từ năm 2015 đến ngày 15/12/2023, cả nước tinh giản biên chế 84.140 người, trong đó có 5.740 người ở Trung ương, 78.400 người ở địa phương.