- Rất nhiều thông tin liên quan đến nhận định 'thủ phạm' gây cháy, nổ ô tô xe máy trong thời gian qua là do chất lượng xăng. Trả lời báo chí, TS Phan Ngọc Trung, Viện trưởng Viện Dầu khí Quốc gia nói rằng có thể là do Acetone, một dung môi được pha lẫn với xăng nhằm tăng lợi nhuận.

Trước đó, nói về nguyên nhân gây chát nổ ô tô, xe máy, Bộ Công an đã đưa ra đánh giá tình hình và nguyên nhân.

Theo Bộ Công an, các vụ cháy, nổ xe xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đối với những vụ đã xác định được nguyên nhân gây cháy, nổ chủ yếu là do sự cố về chập điện; hoặc đang để trong khu vực bị cháy nên bén lửa; một số vụ ô tô, xe máy bị cháy nổ do bị tai nạn giao thông.

Ngoài ra, theo đánh giá của một số chuyên gia do việc lưu hành xe quá cũ, quá tải, sử dụng nhiên liệu không đúng chủng loại; nhiều chủ phương tiện sau khi mua xe thường lắp thêm nhiều phụ kiện khác như còi, đèn, quá trình sử dụng bị hỏng, gây chập điện cũng dễ gây ra cháy nổ…

Trả lời báo chí, TS Phan Ngọc Trung, Viện trưởng Viện Dầu khí Quốc gia nói rằng có thể là do Acetone, một dung môi được pha lẫn với xăng nhằm tăng lợi nhuận. - Ảnh: Bee

Như vậy, nguyên nhân 'sử dụng nguyên liệu không đúng chủng loại' cũng đã được đề cập đến trong đánh giá của Bộ Công an, mặc dù không đi vào chi tiết là do chất gì, dung môi gì.

Trong khi đó, trả lời trên VietNamNet, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, nguyên nhân dẫn đến cháy chỉ có 2: chập điện hoặc hở xăng. Mọi phân tích đều dựa trên các cơ sở vật lý của sự cháy xe máy khi sử dụng, và ít ai nghĩ rằng, cháy xe còn có thể xuất phát từ việc sử dụng xăng “rởm”.

Ông Nguyễn Hữu Hường, Trưởng khoa Giao thông, ĐH Bách khoa TP.HCM khẳng định với báo chí: “Việc cháy nổ xe chỉ có thể xảy ra khi hai hệ thống điện và xăng gặp trục trặc”.

Còn PGS.TS. Nguyễn Khắc Trai (Viện Cơ khí động lực, Bộ môn ôtô và xe chuyên dụng, ĐH Bách Khoa Hà Nội) cho biết: “Ngoài các nguyên nhân cháy xe xuất phát từ các hiện tượng vật lý nói trên thì chất lượng xăng kém cũng là nguyên nhân dẫn đến cháy, nổ xe”.

Theo PGS Trai, xăng dầu không đúng chất lượng rất có thể đã bị người bán dùng các loại dung môi công nghiệp giá rẻ để trộn vào.

Cũng không phải khó khăn gì mà kể ra đó là các loại dầu rửa trong công nghiệp, đó là dung môi hòa tan trong công nghiệp pha chế chất tẩy rửa đặc chủng, đó là các loại cồn công nghiệp được pha chế dễ bay hơi…, trong đó đặc biệt là các loại chế phẩm có thể làm tan chảy các loại vật liệu bằng cao su, có khả năng thẩm thấu qua các vật liệu cao su dân dụng.

Hiển nhiên là các loại xăng được pha chế lẫn với chế phẩm công nghiệp này, dễ dàng gây nên hậu quả nghiêm trọng đối với các loại xe chạy bằng cách đánh lửa cao áp. Nếu đổ xăng xong mà gây cháy ngay lập tức thì cũng dễ dàng biết thủ phạm, song các dung môi lẫn trong xăng có thể tác động dần dần và tới lúc nào đó mới gây dò rỉ ra ngoài ở dạng lỏng hay ở dạng bay hơi.

Khi xăng bị rò gặp tia lửa điện do chập điện, xe đổ mài xuống đường dẫn đến cháy xe. Các loại dung môi có giá rẻ hơn so với giá xăng, và khi trộn vào xăng thì người bán có lợi hơn mà không hề nghĩ tới hậu quả lớn sau này.

Trả lời trên Tiền Phong, TS Phan Ngọc Trung cho biết, xăng Ethanol là hỗn hợp xăng truyền thống (A92) với ethanol. Tùy hàm lượng ethanol mà có các loại xăng khác nhau. Hiện ở VN đang cho sử dụng loại xăng Ethanol E5 (là hỗn hợp của 5% Ethanol và 95% xăng A92). Loại xăng này có trị số octan cao (khoảng 95%). Khi pha vào xăng gốc, nó cũng làm tăng trị số octan của hỗn hợp nhiên liệu nên khả năng chống kích nổ của động cơ tăng, giúp nâng cao hiệu suất cháy và công suất động cơ đồng thời giúp giảm phát thải hydrocarbon (HC) và monoxide carbon (CO).

Theo ông Trung, vì những lý do trên, xăng E5 được sử dụng khá phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Thậm chí một số nước còn bắt đầu sử dụng xăng E10 (là hỗn hợp xăng pha 90% xăng truyền thống và 10% ethanol) và chưa ghi nhận trường hợp nào cháy nổ ô tô, xe máy do sử dụng xăng pha ethanol.

TS này cho rằng, ông nghi ngờ có thể do xăng, nhưng không phải là do xăng Ethanol mà một loại dung môi có tên là acetone. Ông Trung cho biết loại dung môi này được có thể được sử dụng để làm giảm giá thành sản phẩm.

Tiền Phong dẫn lời một thành viên trên Webtretho có nickname là Funny_man có đồng quan điểm với ông Trung khi đề cập nguyên nhân gây cháy xe là do hàm lượng acetone trong xăng cao. Thành viên này cho biết giá xăng trên thị trường khoảng 2.100 USD/tấn. Giá Acetone trên thị trường khoảng 1.100 USD/tấn. Mức chênh lệch giá của 1 tấn xăng và 1 tấn acetone như vậy là 1.000 USD. Cho nên khả năng người bán xăng pha acetone vào xăng để kiếm lời là có thể. Vấn đề là có ai kiểm tra được hiện tượng này có xảy ra hay không?

'Về Acetone, theo TS Trung, là dung môi mạnh, có độ bay hơi cao (100%), không màu, khả năng bắt cháy rất cao. Dung môi này có khả năng ăn mòn nhựa (plastic) và cao su. Trong khi đó, ở Việt Nam, tất cả các các chi tiết của động cơ xăng thông dụng không được chế tạo chống acetone (acetone resistance). Nếu hàm lượng acetone trong xăng quá cao sẽ khiến các chi tiết làm từ nguyên liệu plastic và cao su trong các động cơ dễ bị phá hủy, dẫn đến nguy cơ rò rỉ. Khi gặp tia lửa điện là cháy' - bài phân tích về nguyên nhân cháy nổ xe trên báo này nhận định.

Tuy nhiên, tất cả mới chỉ là giả thiết. Đến thời điểm này, chưa có một kết luận khoa học nào về nguyên nhân cháy, nổ ô tô và xe máy trong thời gian qua.

Thống kê của Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) TP Hà Nội từ ngày 1/12/2010 đến 18/12/2011 cho thấy, trên toàn thành phố Hà Nội đã xảy ra 42 vụ cháy ôtô, xe máy gây thiệt hại về người và nhiều tài sản.

Riêng các vụ cháy, nổ xe máy trên toàn quốc từ đầu năm 2011 đến ngày 23/12/2011 đã xảy ra 18 vụ. Số ô tô, xe máy cháy, nổ có đủ loại của các hãng Hyundai, Daewoo, BMW, Mercedes, Ford, Mazda, Mitsubishi, Kia, Toyota; các hãng SYM, Honda (Air Blade, SH, Dylan, Wave)...

Tùng Sơn