Trong không khí tưng bừng của cả nước hướng về kỷ niệm 48 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2023), PV VietNamNet có dịp trở lại huyện miền núi Tân Kỳ (tỉnh Nghệ An). 

Men theo QL7 lên đường Hồ Chí Minh sẽ tới thị trấn Tân Kỳ. Đứng ở di tích Km0 đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại, chúng tôi hỏi đường đến trụ sở Toà án Nhân dân huyện, tìm gặp Trung tá Nguyễn Trọng Độ (SN 1949, trú khối 3, thị trấn Tân Kỳ) - nguyên Chủ nhiệm Chính trị, Ban Chỉ huy Quân sự, nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Tân Kỳ.

Km0 - đường Hồ Chí Minh huyền thoại, tuyến đường góp phần làm nên chiến thắng lịch sử mùa xuân 1975, thống nhất đất nước. Ảnh: TT

Đón khách với nụ cười tươi và dáng vẻ nhanh nhẹn, ông Độ dẫn chúng tôi tham quan nơi làm việc mới tại phòng hoà giải. Trong căn phòng nhỏ gọn, ngăn nắp, cựu chiến binh Nguyễn Trọng Độ trầm ngâm chia sẻ về những thăng trầm, kỷ niệm trong những năm tháng chiến đấu ác liệt.

Dòng ký ức thời gian ác liệt mà đầy hào hùng giống những thước phim quay chậm hiện về rõ ràng và đậm nét như mới xảy ra ngày hôm qua.

Thầy giáo làng tiên phong nhập ngũ

Năm 22 tuổi, chàng trai trẻ Nguyễn Trọng Độ là giáo viên cấp 2 tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) thì có lệnh tổng động viên. Lúc này, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang vào giai đoạn cam go và khốc liệt nhất.

“Khí thế kháng chiến lúc đó sôi động và quyết liệt lắm. Nhiều người còn khai thêm tuổi để được vào chiến trường. Mong ước được đóng góp chút sức lực cho cuộc đấu tranh, giải phóng dân tộc khiến những người trẻ như chúng tôi không chút ngại ngần, quyết tâm lên đường”, ông Độ bồi hồi chia sẻ.

Cựu chiến binh Nguyễn Trọng Độ nhớ về những năm tháng chiến tranh ác liệt. QH

Sau mấy tháng tham gia huấn luyện tại Thanh Hoá, ông cùng đồng đội được điều vào Quảng Trị tham gia chiến dịch tết Mậu Thân năm 1968.

Gắn bó với “vùng đất thép” cho đến năm 1973, ông được đi học lớp bổ túc chính trị đại đội. Hoàn thành khoá học, năm 1974, người lính Nguyễn Trọng Độ được điều về Sư đoàn 341 và bổ sung cho Quân đoàn 4, chuẩn bị cho chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975.

“Từ ngày 9/4 – 14/4/1975, đơn vị chúng tôi chuẩn bị tiến đánh để giải phóng thị xã Xuân Lộc. Đây là khu vực phòng thủ trọng yếu phía đông Sài Gòn. Trước đó, các cuộc tấn công của bộ đội ta từ Thừa Thiên Huế đến Buôn Ma Thuột rất ồ ạt. Quân ta thừa thắng, giải phóng từ tỉnh này sang tỉnh khác”, ông Độ tâm sự.

Ông Độ nói thêm, đến ngày 26/4, trước quyết định tổng chiến dịch, giải phóng Sài Gòn, cùng với các đơn vị khác, đơn vị pháo binh của ông chịu trách nhiệm mũi tiến công vào Sài Gòn. Và nhiệm vụ đầu tiên là đánh thẳng vào Biên Hòa.

Trong ký ức của Trung tá Nguyễn Trọng Độ, thời gian đầu, địch chống trả rất quyết liệt, hoả lực của địch rất mạnh, chỉ trong 15 phút của đợt tiến công đầu tiên, đơn vị ông tổn thất, nhiều đồng đội hy sinh, số khác bị thương. Cuộc chiến đấu giành giật từng tấc đất diễn ra vô cùng ác liệt.

Ảnh chụp ông Độ cùng đồng đội tại Tam Hiệp, Biên Hoà ngày 2/5/1975. Ảnh: TT

Ông Độ cho biết, Biên Hoà tập trung phần lớn tàn quân nên khi giải phóng nơi này, đơn vị của ông vào Sài Gòn chậm hơn.

“Tôi vẫn nhớ như in ngày 30/4/1975, không khí giữa ta và địch khá hỗn loạn. Dọc đường chúng tôi vào thành phố thấy không ít quân ngụy tháo bỏ tư trang, cởi hết quần áo dọc đường, mặc thường phục để dễ dàng trà trộn trong đám đông. Có những người còn cố gắng xin ngồi lên xe của bộ đội giải phóng.

Tới Dinh Độc Lập thấy cờ giải phóng tung bay trên nóc nhà, chúng tôi biết mình đã sống. Hơn 30 năm, đó là cả một quá trình dài chiến đấu chống giặc ngoại xâm, biết bao xương máu đồng đội đã ngã xuống. Chiến thắng này không chỉ có ý nghĩa với dân tộc Việt Nam mà còn với cả thế giới”, người cựu chiến binh nghẹn ngào.

Trọn đời cống hiến cho đất nước

Qua gặp gỡ, trò chuyện với cựu chiến binh Nguyễn Trọng Độ, điều khiến chúng tôi thêm phần ấn tượng là ông vẫn giữ được truyền thống tốt đẹp của người lính bộ đội Cụ Hồ năm xưa và vận dụng vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương giữa thời bình.

Người dân khối 3, thị trấn Tân Kỳ đã quen với hình ảnh Bí thư chi bộ Nguyễn Trọng Độ năng nổ, nhiệt tình, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước.

Ông Nguyễn Trọng Độ vui mừng khi tìm được tiếng nói chung cho đôi vợ chồng trẻ trước ý định ly hôn. Ảnh: NVCC

Là bí thư chi bộ khối từ năm 2006, ông Độ luôn chủ động, sáng tạo, tìm tòi cách làm hiệu quả nhất. Ông luôn đề cao tinh thần trước tập thể, biết phát huy năng lực của từng cá nhân trong chi bộ thôn. Động viên, khích lệ họ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đầu năm 2021 đến nay, được sự tin tưởng của lãnh đạo địa phương, ông được mời làm hoà giải viên tại Trung tâm hoà giải, đối thoại tại Toà án Nhân dân huyện Tân Kỳ.

“Là người lính bộ đội Cụ Hồ, tôi luôn ghi nhớ và thực hiện lời Người từng dặn là còn sức khoẻ, trí tuệ là còn làm việc và cống hiến cho quê hương, đất nước”, ông Độ cười nói vui vẻ.