Tây Ninh có đường biên giới dài 239,889 km, giáp với các tỉnh Svay Riêng, Prey Veng và Tboung Khmum thuộc Vương quốc Campuchia.

Ký kết 2 văn kiện pháp lý đặt nền tảng cho sự duy trì ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế biên giới

Trong giai đoạn vừa qua, trên tinh thần chủ động và tích cực hội nhập, hoạt động đối ngoại của tỉnh với các tỉnh giáp biên đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, có nhiều khởi sắc, phát triển toàn diện cả về bề rộng và chiều sâu, đều khắp trên cả 3 trụ cột: đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, qua đó, giúp duy trì tốt mối quan hệ truyền thống với các địa phương thuộc Vương quốc Campuchia, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh của tỉnh.

Nhằm góp phần rất quan trọng đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên tuyến biên giới và tăng cường, củng cố xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển giữa hai nước Việt Nam - Campuchia. Các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, quảng bá du lịch được triển khai khá bài bản, có trọng tâm, trọng điểm.

Hằng năm, lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh và lãnh đạo các tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ nhằm tạo sự gắn kết hữu nghị, truyền thống lâu dài.

Tây Ninh đã ký kết thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực với 3 tỉnh giáp biên là Svay Riêng, Prey Veng, Tboung Khmum và 1 tỉnh kết nghĩa là Kampong Cham trên nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực kinh tế - hợp tác đầu tư phát triển (vùng trồng các loại cây công nghiệp: mía, cao su...); quốc phòng, an ninh; trao đổi thông tin có liên quan đến tình hình biên giới.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, lực lượng vũ trang tỉnh, các sở, ngành, đoàn thể tỉnh, các địa phương giáp biên chủ động triển khai nhiều hoạt động đối ngoại, giao lưu văn hóa, ký kết ghi nhớ hợp tác, hỗ trợ giúp đỡ bằng nhiều hình thức phong phú, tạo được sự gắn kết tình cảm hữu nghị chân thành giữa hai bên. Các cơ quan thuộc tỉnh đã ký 36 văn bản thỏa thuận hợp tác, quy chế phối hợp với các cơ quan chức năng của các tỉnh giáp biên thuộc Campuchia.

W-cuakhau-1.png
Ảnh minh hoạ

Từ năm 2020 đến nay, khi tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, công tác đối ngoại đã được điều chỉnh linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả với nhiều hình thức ngoại giao trực tuyến phù hợp với tình hình thực tế. Lãnh đạo các bên cũng thường xuyên gửi thư thăm hỏi, chia sẻ về tình hình dịch bệnh, ủng hộ lẫn nhau trang thiết bị, vật tư y tế để phòng, chống dịch.

Thông qua nhiều chương trình hợp tác, các đơn vị lực lượng vũ trang của tỉnh và các lực lượng vũ trang của tỉnh bạn giáp biên thuộc Vương quốc Campuchia thường xuyên gặp gỡ, thăm hỏi, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ; tăng cường các hoạt động tổ chức giao lưu, kết nghĩa, tuần tra chung; kịp thời ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, các loại tội phạm.

Các vụ việc gây phức tạp về trật tự xã hội ở khu vực biên giới đều được thông báo cho nhau và phối hợp giải quyết kịp thời ngay ở cơ sở, không để xảy ra căng thẳng, góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh, trật tự trên tuyến biên giới. Hai bên đã hợp tác chặt chẽ trong công tác tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh tại Campuchia.

Về công tác phân giới, cắm mốc, hai bên đã phối hợp thực hiện phân giới được 220,954/233,789 km, xác định được 94/101 vị trí mốc với 102/109 cột mốc chính được xây dựng hoàn thành. Tổng số mốc phụ và cọc dấu được cắm tăng dày trên đoạn biên giới tỉnh Tây Ninh là 479 mốc (gồm 370 mốc phụ và 109 cọc dấu), Tây Ninh đảm trách xây dựng 218 mốc mang số hiệu chẵn (gồm 172 mốc phụ và 46 cọc dấu). Công tác phân giới cắm mốc của tỉnh đã đạt 94,51%, thành quả này góp phần vào việc hoàn thành 84% khối lượng công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia.

Ngày 05/10/2019 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã ký kết 2 văn kiện pháp lý quan trọng về biên giới là: “Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005” và “Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia”. Ngày 22/12/2020, hai nước đã phối hợp tổ chức Lễ trao đổi văn kiện phê chuẩn theo hình thức trực tuyến để hai văn kiện pháp lý trên chính thức có hiệu lực. Việc ký kết 2 văn kiện pháp lý này có ý nghĩa to lớn, đặt nền tảng cho sự duy trì ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực biên giới.

Thực hiện tốt phương châm “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”

Thời gian qua, Tây Ninh chủ động thực hiện tốt phương châm “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” mà lãnh đạo cấp cao hai tỉnh đã thống nhất; phối hợp tổ chức nhiều hội chợ thương mại và triển lãm hàng hóa, thực hiện mua bán hàng hóa, dịch vụ theo đúng quy định.

Tỉnh luôn đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật cho công tác quản lý, kiểm soát, tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho người, phương tiện xuất, nhập cảnh và hàng hóa xuất, nhập khẩu qua biên giới.

Hai bên đã tăng cường, phối hợp, hợp tác trong việc nâng cấp các cửa khẩu, xúc tiến thương mại và xây dựng chợ kiểu mẫu, chợ biên giới. Qua đó, tạo thuận lợi, thúc đẩy thương mại - dịch vụ ở khu vực biên giới hai nước tăng trưởng nhanh và mạnh; tăng cường các biện pháp chống buôn lậu hàng và tiền giả qua biên giới. Từ 2 năm trước, Tây Ninh đã phối hợp với tỉnh Prey Veng tham mưu cho Chính phủ hai nước thực hiện nâng cấp cặp cửa khẩu quốc tế Tân Nam - Mean Chey lên cửa khẩu quốc tế, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế vùng biên, nâng cao đời sống của cư dân khu vực biên giới.

W-anhminhhoa-3.png
Một góc cửa khẩu Mộc Bài

Về thương mại, hàng năm, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn Tây Ninh đều tăng; Về hợp tác đầu tư, Tây Ninh có 03 dự án đầu tư vào lĩnh vực trồng và xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su tại Campuchia với tổng số vốn đầu tư là 3.690,69 tỷ đồng, các dự án đầu tư này không chỉ giải quyết công ăn việc làm cho lao động hai nước mà còn góp phần tích cực, hiệu quả vào công cuộc thúc đẩy phát triển kinh tế, an sinh xã hội, xây dựng và phát triển nông thôn của Campuchia; Về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, trong giai đoạn 2017-2022, Tây Ninh hỗ trợ đào tạo 10 học viên thuộc ngành điều dưỡng và hộ sinh cho tỉnh Tboung Khmum theo đề nghị của tỉnh bạn. Hiện 10 học viên đã tốt nghiệp vào tháng 10/2021 và trở về công tác tại địa phương.

Bên cạnh đó, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã phối hợp với Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Campuchia các cấp tương ứng thực hiện tuyên truyền, vận động nhân dân Campuchia bảo vệ đường biên, cột mốc; phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, các đồn biên phòng trên địa bàn tổ chức các hoạt động đoàn kết hữu nghị, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao; tổ chức thăm hỏi, khám chữa bệnh, cấp thuốc, tặng quà cho người dân Campuchia có hoàn cảnh khó khăn...qua đó, giúp tăng cường đoàn kết quốc tế, mối quan hệ mật thiết giữa Tây Ninh với các tỉnh thuộc Campuchia nói riêng và hai nước Việt Nam - Campuchia nói chung.

Lâm Viên