Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 - một sáng kiến do Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất sẽ diễn ra tại Hà Nội vào đầu tuần tới. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho hay, có sự khác biệt lớn ở Diễn đàn tương lai ASEAN với nhiều diễn đàn quốc tế khác như Đối thoại Shangri-La, Hội nghị Tương lai châu Á, đối thoại Raisina...

"Câu trả lời ngắn nhất, đó chính là chữ ASEAN trong tên của diễn đàn: Diễn đàn Tương lai ASEAN. Tất cả các diễn đàn khác có thể có nhiều chủ đề, phạm vi địa lý khác nhau, đối tượng tham gia khác nhau, nhưng chưa có một diễn đàn nào có chủ thể chính là ASEAN, phù hợp với mong muốn thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN", Thứ trưởng phân tích. 

Chính vì vậy, cần phải có một diễn đàn dành riêng cho ASEAN, của ASEAN, vì ASEAN và vì người dân của ASEAN. Theo Thứ trưởng, đây chính là điểm khác biệt lớn nhất của “Diễn đàn Tương lai ASEAN”.

ttcp 2.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: TTXVN

Với tính chất mở và bao trùm, vừa có sự tham gia của các Chính phủ, vừa có sự tham gia của giới học giả và doanh nghiệp, Diễn đàn sẽ tạo ra một nền tảng để tất cả các bên liên quan có thể chia sẻ các ý tưởng mới và sáng tạo. Từ đó, lãnh đạo các nước ASEAN có thể tham khảo trong quá trình xây dựng chiến lược, tầm nhìn của ASEAN trong thời gian tới, góp phần mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân của ASEAN.

Ban Tổ chức đã nhận được đăng ký tham gia trực tiếp của gần 400 đại biểu. Sự khẳng định tham dự của đông đảo diễn giả là lãnh đạo cấp Chính phủ, cấp Bộ trưởng các nước thành viên ASEAN.

Đặc biệt, có sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone - nước Chủ tịch ASEAN năm 2024, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi, Bộ trưởng Ngoại giao Brunei Erywan Yusof, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin sẽ có thông điệp ghi hình gửi tới Diễn đàn.

Đỗ Hùng Việt.jpg
Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt trả lời phỏng vấn. Ảnh: Minh Nhật

Rất nhiều học giả hàng đầu của khu vực và quốc tế cũng đã khẳng định sẽ tham dự, trong đó có những cựu quan chức nổi tiếng như nguyên Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa, nguyên Ngoại trưởng Singapore George Yeo. Nguyên Thủ tướng Anh Tony Blair sẽ gửi thông điệp ghi hình đến diễn đàn.

"Chúng tôi dự kiến sẽ có một bản tóm tắt những ý kiến trao đổi, phát biểu tại diễn đàn để chuyển qua các kênh chính thức của ASEAN, từ kênh quan chức cao cấp, tới kênh bộ trưởng ngoại giao, các bộ trưởng chuyên ngành và chuyển tới lãnh đạo cấp cao ASEAN.

Chúng tôi cũng kỳ vọng sẽ có một bản thông tin, kiến nghị chung của ASEAN để chuyển tới Liên Hợp Quốc, thể hiện đây là một trong những đóng góp của khu vực ASEAN đối với tiến trình tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai của Liên Hợp Quốc, dự kiến được tổ chức vào tháng 9 này", Thứ trưởng cho biết.

Với chủ đề phát triển nhanh và bền vững, lấy người dân làm trung tâm, Diễn đàn lần này cũng có sự tham dự của một số doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam và khu vực. Để phát triển nhanh và bền vững, những vấn đề liên quan đến hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại với sự tham gia của các doanh nghiệp rõ ràng sẽ có những ý nghĩa quan trọng.

Bên cạnh các phiên toàn thể, sẽ tổ chức một phiên họp dành riêng cho giới doanh nghiệp với chủ đề tận dụng cơ hội để phát triển trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. Đây là phiên họp do Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone đồng chủ trì, có sự tham dự của một số chuyên gia trong lĩnh vực này cũng như nhiều doanh nghiệp Việt Nam, ASEAN và các nước đối tác.

Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt nhận định, đây sẽ là cơ hội rất quý để doanh nghiệp cùng trao đổi, chia sẻ thuận lợi, khó khăn cũng như những cơ hội trong bối cảnh chuyển đổi số và cũng là dịp rất là tốt để doanh nghiệp có thể kết nối, xây dựng những mạng lưới mới.

thuong co 8 544.jpg
Lễ thượng cờ ASEAN nhân dịp kỷ niệm 56 năm ngày thành lập ASEAN tháng 8/2023. Ảnh: Phạm Hải

Nêu rõ chủ đề của Diễn đàn năm nay, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh, vấn đề phát triển nhanh, bền vững và lấy người dân làm trung tâm đang là quan tâm chung của toàn cầu, tất cả các nước ASEAN.

Đây là một nhu cầu cơ bản và thiết yếu của ASEAN trong bối cảnh nhiều khó khăn kinh tế cũng như thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, thiên tai hay dịch bệnh, vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng...

Diễn đàn lần này sẽ tập trung thảo luận làm sao để có được sự hài hòa giữa phát triển với bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo đảm an sinh xã hội và làm sao để người dân luôn luôn được đặt ở vị trí trung tâm, trong mọi quyết sách về phát triển của từng quốc gia cũng như của khu vực.

Đối với Việt Nam, Thứ trưởng cũng cho biết, đây sẽ là sự kiện đa phương lớn nhất nước ta chủ trì tổ chức trong năm 2024. Sáng kiến này của Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa thể hiện sự chủ động, tích cực của Việt Nam, mong muốn đóng góp tích cực hơn cho hợp tác khu vực và phát huy vai trò dẫn dắt, nòng cốt của Việt Nam trong hợp tác trên phạm vi toàn cầu.

Kêu gọi các nước ASEAN tăng mức lương tối thiểu

Kêu gọi các nước ASEAN tăng mức lương tối thiểu

Chi phí lao động giá rẻ có thể là yếu tố cạnh tranh ban đầu của ASEAN, diễn giả tại phiên thảo luận “Bài học từ ASEAN” đề nghị các nước trong khối nâng mức lương tối thiểu của khu vực.