- Đó là Đề án mà Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển văn hóa Hùng Vương đang triển khai và hy vọng sẽ sớm được thực hiện trong nay mai.

Ngày 15/5, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển văn hóa Hùng Vương đã tổ chức họp báo nhân dịp chuẩn bị ra mắt Trung tâm và giới thiệu đề án xây dựng Đền Hùng và Tháp Hùng Vương tại Kiên Giang và Khánh Hoà.

Thiếu tướng Phạm Văn Dần, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng - Bộ Công An, Phó chủ tịch Hội đồng Quản lý Trung tâm cho biết hiện nay Trung tâm đã và đang vận động ý tưởng xây dựng Đền Hùng và Tháp Hùng Vương tại đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) và Đền thờ Hùng Vương, các vị thánh nhân của Việt Nam tại Huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa).

Thiếu tướng Phạm Văn Dần nhấn mạnh xây dựng Đền thờ các Vua Hùng là một việc làm cụ thể để tưởng nhớ công ơn dựng nước của các Vua Hùng, khẳng định nền văn hóa của thời đại Hùng Vương, nền tảng văn hóa của dân tộc Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, xây dựng Đền thờ các Vua Hùng và các vị thánh nhân trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam không những là tâm linh, thờ cúng tổ tiên, mà còn khẳng định chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc Việt Nam.

Theo Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Văn hoá Hùng Vương thì ý tưởng xây dựng các công trình trên đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ủng hộ và nó cũng phù hợp với nguyện vọng của nhân dân.

Công trình đền, tháp Hùng Vương tại huyện đảo Trường Sa dự kiến sẽ có quy mô 5 hecta bao gồm: 3 hecta xây dựng đền thờ Hùng Vương, đền thờ các danh nhân qua các thời đại và tháp Hùng Vương; 2 hecta là các công trình phụ trợ, dịch vụ. Nếu địa điểm xây dựng không cho phép thì có thể thu hẹp theo tình hình thực tế.

{keywords}
Đền Hùng được xây dựng ở Tây Nguyên.

Không gian kiến trúc toàn bộ khu đền, tháp Hùng Vương trên diện tích 3 hecta sẽ xây dựng 4 cổng lớn ở 4 hướng chính: Đông, Tây, Nam, Bắc theo phong cách đậm văn hoá Việt. Trước mặt khu đền, tháp Hùng Vương sẽ có hồ bán nguyệt đường kính 200m. Vòng ngoài xây dựng nhà khách đón tiếp khách thập phương về dâng hương và du lịch.

Đền thờ có chiều cao 25m, dài 50m, rộng 30m, chất liệu bê tông sơn màu giả gỗ. Kết cấu theo kiến trúc đình chùa truyền thống của Việt Nam. Trước đền sẽ có một lư hương có đường kính 1m50, cao 1m30, trang trí hoa văn cổ Việt Nam. Trong đền thờ sẽ có 18 tượng đồng tương ứng với 18 đời vua Hùng, mỗi tượng cao từ 3m - 5m. Trọng tâm có tượng đức Quốc tổ Lạc Long Quân, Quốc mẫu Âu Cơ, chất liệu đồng thiếp vàng.

Ngoài ra, đền thờ các vị Thánh nhân sẽ thờ các vị có công dựng nước và giữ nước từ thời đại Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh.

Riêng tháp Hùng Vương sẽ cao 18 tầng, biểu tượng cho 18 đời vua Hùng. Vị trí tháp sẽ nằm ở trên trục trung tâm chiếu với hai đền tạo thành đỉnh của tam giác đều, mỗi cạnh 108m. Đài tháp được kết cấu 3 cột bê tông bọc inox, trên 3 cột được thiết kế 18 hình chim Lạc. Đỉnh tháp có ngọn đèn báo hiệu chiều cao toả sáng, đèn là hình tượng lá cờ Tổ quốc. Trong lòng tháp sẽ có cầu thang máy lên xuống cho người bảo vệ đèn và thay đèn lúc cần thiết.

Bệ đài tháp hình vuông mỗi chiều 100m, cao 5m, bốn hướng đều có bậc cấp đi lên. Quanh nền bệ là phù điêu khắc họa lịch sử dân tộc Việt Nam từ thời dựng nước xuyên suốt các giai đoạn. Phù điêu có độ cao 3,5m, chất liệu đá xanh. Ở giữa đài tháp có đặt một lư hương có đường kính 3m, cao 1,3m. Toàn bộ bệ vuông ốp đá Granit đỏ.

Đền và tháp Hùng Vương do nhà điêu khắc, hoạ sỹ Lê Đình Quý thiết kế. Quy hoạch và thiết kế tổng thể là nhà kiến trúc, hoạ sĩ Trần Lê An.

Trung tâm chi phí của công trình sẽ từ 300 đến 350 tỷ. Toàn bộ nguồn vốn xây dựng công trình sẽ được thực hiện dưới hình thức xã hội hoá.

Tình Lê