1. 'Ruộng muối' là tên gọi của địa phương nào?

  • Tiên Điền
  • Phong Điền
  • Diêm Điền
  • Long Điền
Chính xác

Diêm Điền là thị trấn của huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, có diện tích khoảng 12,82km2, nằm giáp biển. Theo âm Hán – Việt, "Diêm" nghĩa là muối, "Điền" là ruộng, tên thị trấn nghĩa là ruộng muối.

Cách gọi này được cho xuất phát từ làng nghề làm muối tại địa phương. Làng nghề muối Diêm Điền có từ hàng trăm năm trước. Nước biển ở đây có độ mặn đạt chuẩn để sản xuất muối trắng.

Hàng năm, vụ mùa làm muối kéo dài từ tháng 4 đến tháng 7, trùng thời điểm gió nồm thổi về miền Bắc. Vì cần ánh nắng mặt trời để nước bay hơi giúp muối kết tinh nên người nông dân làm muối thường xuyên phải lao động dưới trưa hè nắng gắt, chịu đựng sự khắc nghiệt của thời tiết. 

2. Địa phương này còn nổi tiếng với địa danh “Biển vô cực”. Đây là tên gọi khác của bãi biển nào?

  • Thụy Xuân
  • Quang Lang
  • Diêm Hộ
  • Cồn Đen
Chính xác

Ngoài làng nghề làm muối Diêm Điền, huyện Thái Thụy, Thái Bình còn nổi tiếng với bãi biển Quang Lang hay “Biển vô cực”. Bãi biển Quang Lang nằm cạnh cửa sông Diêm Hộ, một nhánh nhỏ của sông Hồng, cách trị trấn Diêm Điền khoảng 2km và cách Hà Nội 140km.

Bãi biển này được mệnh danh là nơi “không có bãi cát” và “không có đường chân trời”. Mỗi sớm bình minh, khi thủy triều rút, mặt biển chỉ còn một lớp nước mỏng cao đến mắt cá, tương tự tấm gương khổng lồ phản chiếu bầu trời, cảnh vật. Nhờ đặc điểm này, biển vô cực tại Thái Thụy trở thành hiện tượng thu hút giới trẻ và khách du lịch cả nước. 

3. Món ăn nào sau đây là đặc sản của biển Thái Thụy, Thái Bình?

  • Cá thòi lòi nướng
  • Mắm tép
  • Nộm sứa
  • Cá nhồng
Chính xác

Nộm sứa là đặc sản vùng biển Thái Thụy và được người dân ở đây chế biến rất cầu kỳ. Để được món ăn như ý, sứa khi bắt về cần rửa sạch, ướp muối phèn và ép thành tấm mỏng như chiếc bánh đa. Công đoạn này giúp sứa dai, dòn, không bị nhũn. Cuối cùng, miếng sứa được chần qua nước sôi, trộn với hành tây thái nhỏ và gá xé, mực hoặc thịt bò khô, ăn kèm với các loại gia vị như rau húng, lá chanh, dừa nạo…

Hiện ngư dân Thái Thụy, Thái Bình còn tổ chức các đội tàu chuyên khai thác sứa để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tháng 4 – 5 là mùa sứa nổi, cung cấp sản lượng và chất lượng sứa tốt nhất trong năm. 

4. Huyện nào của Thái Bình gắn liền với công lao khẩn hoang, lấn biển của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ?

  • Tiền Hải
  • Vũ Thư
  • Quỳnh Phụ
  • Đông Hưng
Chính xác

Huyện Tiền Hải, Thái Bình là kết quả quá trình khẩn hoang, lấn biển của vị quan Nguyễn Công Trứ. Nguyễn Công Trứ (1778 – 1859) là nhà chính trị, quân sự đại tài thời nhà Nguyễn. Ông làm quan dưới đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Sự nghiệp của ông gắn liền với việc chiêu mộ dân nghèo tại các tỉnh Bắc Bộ để đắp đê lấn biển, thành lập những vùng định cư mới tại Tiền Hải, Thái Bình và Kim Sơn, Ninh Bình ngày nay.

Nguyễn Công Trứ còn tiến hành nhiều cải cách tiến bộ, nâng cao đời sống nhân dân như thành lập nhà học, xã thương, phục vụ nhu cầu tiếp cận tri thức và lưu thông hàng hóa. Hiện nhiều nơi do ông mở đất vẫn tồn tại từ đường để thờ cúng, tôn ông làm thành hoàng làng nhằm tưởng nhớ công ơn. 

5. Vùng biển nào của nước ta thuận lợi nhất cho nghề làm muối?

  • Bắc Trung Bộ
  • Đồng bằng sông Hồng
  • Nam Trung Bộ
  • Đồng bằng sông Cửu Long
Chính xác

Thị trấn Diêm Điền, Thái Thụy, Thái Bình nổi tiếng với làng nghề muối. Tuy nhiên, những vựa muối lớn nhất Việt Nam lại tập trung ở vùng Nam Trung Bộ, điển hình là các tỉnh Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Ninh Thuận…

Đây là nơi có nền nhiệt độ cao, nhiều nắng, tốc độ gió lớn, ít cửa sông đổ ra biển, thuận lợi để thành lập những ruộng muối lớn.