Tỉnh Quảng Trị hiện có hơn 2.500 ha hồ tiêu, trong đó, diện tích khai thác khoảng 2100 ha. Do canh tác theo kiểu cũ nên năng suất bình quân 1 ha khoảng 1 tấn, thấp hơn nhiều so với các nơi khác, trong lúc tình hình biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng khó lường và bất lợi, nếu không kịp thời các các nhóm giải pháp khắc phục thì người trồng tiêu sẽ gặp nhiều khó khăn.

Thấy rõ điều này, trong những năm qua, Sở NN&PTNT Quảng Trị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và phối hợp với các địa phương mở các lớp tập huấn kỹ thuật. Đồng thời thực hiện các chính sách hỗ trợ, giúp cho người dân trồng, chăm sóc hồ tiêu theo quy trình hữu cơ, an toàn sinh học. Thực tế cho thấy, mô hình này đã làm thay đổi tư duy sản xuất, kết quả vườn tiêu xanh hơn, đặc biệt không có các loại dịch bệnh như trước đây, nhiều nơi thu bói nhưng cũng cho năng suất cao và tạo ra sản phẩm sạch, bán được giá.

Huyện miền núi Vĩnh Linh là địa phương trồng tiêu chủ lực của tỉnh Quảng Trị khi chiếm 50% diện tích trồng cây hồ tiêu toàn tỉnh. Đây là một trong những loại cây trồng chủ lực của huyện Vĩnh Linh, mang lại thu nhập chính cho nông dân. 

Với lợi thế về điều kiện thổ nhưỡng cũng như kinh nghiệm canh tác, hạt tiêu Vĩnh Linh đặc trưng bởi hương thơm và vị cay nồng, rất được thị trường ưa chuộng. Hạt tiêu Vĩnh Linh đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lí hạt tiêu Quảng Trị và được xây dựng nhãn hiệu tập thể.

W-anhhotieu.png
Hạt tiêu Vĩnh Linh đặc trưng bởi hương thơm và vị cay nồng.

Nhằm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, mở rộng thị phần của hạt tiêu Vĩnh Linh trên thị trường, Dự án Sản xuất tiêu hữu cơ đã được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Linh cùng Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh triển khai từ tháng 2/2020.

Hiện diện tích hồ tiêu trên địa bàn huyện Vĩnh Linh đạt khoảng 1.300 ha, trong đó 1.100 ha đã cho thu hoạch. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, giá tiêu đen nói chung và ở huyện Vĩnh Linh nói riêng liên tục sụt giảm. Nguyên nhân chính được xác định là do cung vượt cầu. Cùng với sản phẩm hạt tiêu đen truyền thống, hiện nay tiêu đỏ hữu cơ Vĩnh Linh đang được thị trường đón nhận một cách tích cực.

Nhờ chất lượng đảm bảo, sản xuất bằng phương pháp hữu cơ và quy trình chế biến nghiêm ngặt, tiêu đỏ hữu cơ Vĩnh Linh hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao về sản phẩm sạch của người tiêu dùng. Tiêu đỏ hữu cơ đã có mặt ở nhiều tỉnh thành trong nước. Tiêu đỏ có hương vị rất đặc biệt, cay nồng của hạt tiêu xen lẫn một chút ngọt. Vì là tiêu đã chín nên mùi vị thơm hơn so với tiêu đen. Tiêu đỏ thường xuyên để nguyên hạt, sử dụng trong các món ăn đòi hỏi vị tiêu đậm nhưng ít cay hoặc dùng để trang trí.

Sản phẩm hồ tiêu đỏ là sản phẩm được chứng nhận OCOP 4 sao. 

Hình thành vùng trọng điểm trồng cây hồ tiêu tại Cam Lộ

Với điều kiện thổ nhưỡng phủ hợp để phát triển cây công nghiệp dài ngày, nên từ lâu các xã Cam Chính, Cam Nghĩa (vùng Cùa) và Cam Thành đã được quy hoạch, xây dựng thành vùng trọng điểm trồng cây hồ tiêu của huyện Cam Lộ.  Diện tích trồng tiêu trên địa bàn huyện Cam Lộ trong những năm 90 có lúc trên 900 ha, trong đó chủ yếu thuộc sở hữu của nông trường Tân Lâm.

Tuy nhiên, giai đoạn từ 2005 – 2010, nhiều diện tích hồ tiêu đã già cỗi, hết chu kỳ khai thác, giá tiêu sụt giảm nên người dân không quan tâm đầu tư thâm canh, áp dụng các biện pháp canh tác không đồng bộ làm sâu bệnh gây hại nặng. Nhiều diện tích hồ tiêu bị bệnh dẫn đến chết hàng loạt.

Những yếu tố trên đã khiến diện tích trồng tiêu tại huyện giảm mạnh xuống khoảng 300 ha vào năm 2010. Nếu không có sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương và ban ngành chức năng về cơ chế đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật, vốn, bao tiêu sản phẩm... thì diện tích hồ tiêu chắc chắn sẽ tiếp tục giảm, danh tiếng hồ tiêu vùng Cùa sẽ không còn được nhắc tới trong tương lai gần.

Trước thực trạng đó, huyện Cam Lộ tổ chức nhiều chuyến tham quan học tập kinh nghiệm trồng cây hồ tiêu tại nhiều địa phương. Sau đó huyện đã ra Nghị quyết khôi phục và trồng mới 500 ha hồ tiêu trong giai đoạn 2011 – 2015. Thông qua việc triển khai đề án này người trồng hồ tiêu sẽ áp dụng các giải pháp nâng cao năng suất, hạn chế dịch bệnh, có điều kiện đầu tư thâm canh cây tiêu theo hướng bền vững, hiệu quả.

Hiện hạt tiêu Cùa đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh, được Trung tâm Kiểm nghiệm và Chứng nhận chất lượng TQC, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cấp giấy chứng nhận hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn - HACCP. Sản phẩm tiêu Cùa được bày bán tại các cửa hàng OCOP và bưu điện một số tỉnh, thành phố trong nước.

Có thể nói, phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững là hướng đi đúng, đã làm thay đổi tư duy sản xuất, được người dân đánh giá cao, tuy nhiên do mức đầu tư xây dựng mô hình khá lớn nên hiện toàn tỉnh mới triển khai trên diện tích gần 200 ha.

Để nhân rộng mô hình, Sở NN&PTNT sẽ tham mưu UBND tỉnh và tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ giống, phân bón, chế phẩm sinh học, công nghệ tưới tiết kiệm và tập huấn kỹ thuật.  Mặt khác, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm cũng như tạo điều kiện cho các hộ gia đình vay vốn ưu đãi.

Nhóm PV