8x hiện thực hóa ước mơ xây dựng hệ sinh thái Edtech

Giai đoạn sơ khởi của ngành Edtech Việt Nam bắt đầu từ năm 2004, chủ yếu là các hệ thống học trực tuyến (e-learning) trong môi trường đại học, một số trường tiên phong gồm Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Mỏ địa chất, Đại học Giao thông vận tải, Đại học Ngoại thương… 

Khoảng 4 năm sau, giai đoạn 2, những sản phẩm Edtech thương mại đầu tiên trên xuất hiện như Học mãi, Trường xưa… Giai đoạn này, số lượng các công ty, sản phẩm Edtech còn ít, rất vất vả để tìm kiếm và “educate” (giáo dục) thị trường, thuyết phục khách hàng.

Giai đoạn 3, từ năm 2011, “làn sóng” Facebook, thương mại điện tử… kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của hàng loạt sản phẩm Edtech. Khoảng 200 sản phẩm Edtech ra đời chỉ trong vòng vài năm.

Nhưng phải tới những năm 2016 - 2017, thị trường Edtech mới có tín hiệu tích cực, được khách hàng chấp nhận phần nào khi người dùng sẵn sàng chi trả cho các nội dung giáo dục online. Đây là giai đoạn 4 của Edtech Việt Nam.  Nổi bật giai đoạn này có Edumall của Topica.

Sớm “bén duyên” với Edtech, từng trực tiếp làm những hệ thống công nghệ thông tin liên quan tới việc hỗ trợ giảng dạy và học tập tại Đại học Quốc gia Hà Nội từ những năm 2004, sau đó “đầu quân” cho một công ty đời đầu về Edtech, Thạc sĩ thuộc thế hệ 8x Nguyễn Trí Hiển hiểu rõ những tiềm năng cũng như thách thức của lĩnh vực công nghệ mới này.

Ấp ủ ước mơ xây dựng một Hệ sinh thái công nghệ giáo dục không chỉ cho Việt Nam mà cho cả thị trường quốc tế, năm 2018, Nguyễn Trí Hiển cùng “chiến hữu” thành lập Công ty Cổ phần Công nghệ giáo dục Kiro Việt Nam. “Sunbot” - một trong các sản phẩm tiêu biểu của Kiro Việt Nam, là chương trình dành cho trẻ mầm non, bao gồm robot và hệ giáo trình dạy trẻ về tư duy STEAM (viết tắt của các từ Science - khoa học, Technology - công nghệ, Engineering - kỹ thuật, Art - nghệ thuật và Math - toán học).

"Sunbot là một trong những sản phẩm đầu tiên của mảng tư duy STEM - STEAM cho trẻ mầm non được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định. Có lần test (thử nghiệm) tại Lào Cai, khi so sánh Sunbot với một số chương trình quốc tế, kết quả khá ấn tượng khi Sunbot đạt tầm 8 điểm, còn các chương trình còn lại chỉ 6,5 - 7 điểm”, ông Hiển hồ hởi chia sẻ.

Không thỏa mãn với những thành công bước đầu ở mảng Edtech cho giáo dục mầm non, năm 2019, ông Nguyễn Trí Hiển cùng các cộng sự thành lập Công ty Cổ phần Công nghệ giáo dục Thiên Hà Xanh nhằm bổ sung sản phẩm, dịch vụ để hoàn thiện hơn nữa hệ sinh thái Edtech cho nguồn nhân lực Việt Nam gồm cả học sinh, sinh viên, người đi làm...

thien ha xanh 4.jpg
Ông Nguyễn Trí Hiển, Nhà sáng lập - Chủ tịch Công ty Cổ phần Công nghệ giáo dục Thiên Hà Xanh. Ảnh: B.M

“Tên gọi Thiên Hà Xanh có hàm ý hệ thống Edtech sẽ giúp mọi người có những quỹ đạo phát triển tốt, giúp mỗi người tốt hơn chính mình mỗi ngày. Chúng tôi muốn phát triển nguồn nhân lực mới - những cây đời xanh tươi - bằng hệ sinh thái Edtech Việt Nam đa dạng sản phẩm vươn tầm thế giới. Chúng tôi thấy rằng công nghệ giáo dục đã tạo ra thị trường hoàn toàn mới, nói cách khác là tạo ra “đại dương xanh” cho các doanh nghiệp”, Nhà sáng lập - Chủ tịch Thiên Hà Xanh cắt nghĩa.

Những “điểm nhấn” trong “bức tranh” Edtech Việt Nam

Năm 2020, đại dịch Covid-19 khiến nhiều ngành nghề lao đao nhưng lại tạo điều kiện cho ngành Edtech bùng nổ khắp thế giới, bởi Edtech có thể giúp mọi người học mọi lúc, mọi nơi, cá nhân hóa hoạt động học tập và nhiều lợi ích khác nữa. Đây cũng là giai đoạn phát triển thứ 5 của thị trường Edtech Việt Nam.

“Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, Azota – nền tảng tạo đề thi và bài tập online được nghiên cứu và phát triển (R&D) bởi đội ngũ những người trẻ đam mê công nghệ giáo dục tại Thiên Hà Xanh nhanh chóng “nổi như cồn”.

Chỉ trong khoảng 1 tháng đầu tiên kể từ ngày ra mắt, Azota sở hữu ngay khoảng 1 triệu lượt truy cập; trong vòng 4 tháng đạt khoảng 10 triệu lượt truy cập; và trong vòng 8 tháng có khoảng 45 – 60 triệu lượt truy cập/tháng. Giai đoạn cao điểm, hỗ trợ miễn phí cho gần 80% giáo viên Việt Nam sử dụng, Azota lọt top 15 website lớn nhất Việt Nam, đứng thứ 37 thế giới về lượt truy cập trong mảng giáo dục toàn cầu. 

Năm 2021, bên cạnh giải Vàng “Sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam” do Bộ Thông tin và Truyền thông trao tặng, Azota còn được vinh danh "Giải pháp công nghệ Việt sáng tạo" tại Tech Awards. 

Sau khi chinh phục sự tin tưởng của cộng đồng giáo viên Việt Nam bằng khả năng giảm thời gian chuẩn bị và giảm áp lực cho hoạt động giảng dạy, nền tảng công nghệ giáo dục Azota nhanh chóng tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) để phát huy tối đa lợi thế “Top of mind” (mức độ nhận biết thương hiệu cao nhất).

Còn với Sunbot, tới nay, sản phẩm “Make in Vietnam” này đã được sử dụng làm công cụ hỗ trợ giảng dạy tại hơn 300 trường mầm non ở Việt Nam, gồm cả nhiều trường quốc tế hoặc trường của hệ thống giáo dục Vinschool. Ngày hội Sunbot quốc gia cũng tạo lợi thế nhất định về việc mở rộng cộng đồng, giúp doanh nghiệp trẻ tiếp tục phát triển những sản phẩm khác tốt hơn cho mảng mầm non. Sunbot đang hướng tới mục tiêu chinh phục "cột mốc" 3.000 trường trong giai đoạn tiếp theo.

Thời gian gần đây, một số “điểm sáng” khác nữa trong Hệ sinh thái của Thiên Hà Xanh đang dần được nhiều người biết tới, chẳng hạn: Giải pháp, sản phẩm, dịch vụ tư vấn và đào tạo chuyển đổi số hoạt động đào tạo nội bộ nhằm nhằm "Kiến tạo doanh nghiệp học tập xuất sắc” do Công ty Cổ phần Công nghệ Giáo dục EDTEXCO nghiên cứu, triển khai; Sách Trắng và Bảng xếp hạng các sản phẩm Edtech Việt Nam do Công ty Cổ phần Giao dịch Công nghệ giáo dục Edtech Agency thực hiện với sự phối hợp của các chuyên gia giáo dục, cơ sở đào tạo hàng đầu Việt Nam…

Hiện nhà sáng lập Thiên Hà Xanh đang ấp ủ kỳ vọng phát triển sản phẩm tiếp theo cho hệ sinh thái Edtech, mục tiêu nhằm giải “bài toán” hướng nghiệp cho cả sinh viên và người đã đi làm.

“Theo thống kê tại Việt Nam, rất nhiều ngành nghề có tỷ lệ sinh viên ra trường làm trái ngành cao (lên tới 50 - 70%). Làm trái ngành nên họ khó có đam mê, hạnh phúc với công việc mình đã chọn, luôn có tư tưởng “đứng núi này trông núi nọ”, làm lãng phí thời gian, cơ hội của chính mình, đồng thời làm lãng phí cả nguồn lực, chi phí cơ hội của Việt Nam. Chúng tôi đã và đang từng bước tìm phương pháp luận có thể tạo hệ thống hỗ trợ hướng nghiệp, giúp họ nối sợi dây hiện tại với tương lai một cách rõ ràng hơn. Tôi đã gặp gỡ hơn 30 đối tác để dựng lên hệ thống này, nhưng mỗi người lại đang giải theo cách riêng và phần lớn vẫn giải theo cách cũ nên tôi chưa thực sự tìm được cộng sự phù hợp”, ông Hiển trăn trở.

thien ha xanh 3.jpg
Tại Thiên Hà Xanh, hoạt động R&D được đầu tư nghiêm túc nhằm giúp các sản phẩm Edtech nhanh chóng tạo dựng vị thế trên thị trường. Ảnh: B.M

Vượt thách thức, thực hiện sứ mệnh phát triển nguồn nhân lực mới

Ngay từ thời còn học cấp 2, trong tâm trí Nguyễn Trí Hiển - cậu học trò chinh phục khá nhiều giải thưởng học sinh giỏi quốc gia - đã nảy sinh mong muốn giúp mọi người xung quanh được nhận được kiến thức tốt nhất để hình thành tư duy và hành động đúng, tìm được công việc tốt để lo cho cuộc sống của mình, góp phần giúp dân giàu nước mạnh.

Cuốn sách “Thế giới phẳng” như một “cú hích” khiến chàng sinh viên Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Trí Hiển thêm động lực mong muốn phát huy tiềm năng công nghệ không biên giới để giúp ích cho nhiều người hơn.

Tại Thiên Hà Xanh, hoạt động R&D được Chủ tịch Nguyễn Trí Hiển mạnh dạn đầu tư nghiêm túc nhằm giúp các sản phẩm Edtech nhanh chóng tạo dựng vị thế trên thị trường. Tỷ lệ đầu tư R&D của mỗi sản phẩm được tính toán và cân nhắc linh hoạt. Chẳng hạn, Sunbot sở hữu vị thế khá tốt trên thị trường thì tỷ lệ chỉ khoảng 25 – 30% ngân sách hàng năm của công ty. Trong khi đó, tỷ lệ này ở EDTEXCO là khoảng 35%, và ở Azota giai đoạn đầu tư mở rộng thị phần lên tới 60 - 70%.

Tuy nhiên, cũng giống như nhiều startup trẻ khác, đầy rẫy khó khăn bủa vây Nhà sáng lập Thiên Hà Xanh.

“Startup thiếu rất nhiều thứ, từ tầm nhìn, năng lực tài chính, tới khả năng tìm kiếm đồng đội, vốn hóa… Một số anh em founders (các nhà sáng lập), giai đoạn đầu thì rất tâm huyết, càng về sau khi gặp khó khăn hoặc thành công nào đó thì lại không giữ được "năng lượng” và "quan điểm lõi” ở giai đoạn đầu. Hoặc năng lực thực thi của mỗi người khác nhau nhưng lại chưa có người có khả năng thực thi ở mức bao trùm và đồng thời điểm, đồng tốc, dẫn tới đứt gãy trong quản trị dự án, tạo ra những khó khăn nhất định. Dấn thân startup là phải sẵn sàng đương đầu khủng hoảng và nguy cơ thất bại”, ông Hiển mỉm cười chia sẻ. 

Lĩnh vực Edtech chia thành 37 phân khúc khác nhau, có thể theo độ tuổi, công nghệ, nội dung (công nghệ giáo dục cho mảng ngoại ngữ khác với công nghệ giáo dục cho Toán học hay công nghệ giáo dục cho thí nghiệm ảo)… Mỗi phân khúc đều có những khó khăn nhất định đối với những doanh nghiệp muốn dấn thân.

Ví dụ mảng K12 (từ lớp 1 đến lớp 12), chính sách thay đổi khá thường xuyên, lại chưa có cơ chế rõ ràng. Thiếu căn cứ pháp lý khiến doanh nghiệp Edtech khó thâm nhập thị trường một cách an toàn.

Với mảng mầm non, dù đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan chức năng ở địa phương thẩm định tiêu chuẩn, hành trình tiến vào khối giáo dục công lập của Sunbot vẫn mắc ở những “rào cản” về giấy tờ quy định. Phải mất không ít thời gian mới đáp ứng được yêu cầu, và startup khó lo đủ chi phí để có thể thể tồn tại khi thời gian “vượt khó” bị kéo quá dài.

“Đội ngũ làm Sunbot đã trải qua khá nhiều cú sốc. Điển hình như giai đoạn Covid-19, các trường học phải đóng cửa, khối K12 có thể học online, còn khối mầm non coi như bị “tê liệt” hoàn toàn hoạt động khoảng gần 3 năm, đồng nghĩa chúng tôi bị đứt gãy nguồn thu. Khi Sunbot đạt một số thành công ban đầu thì gặp phải đối thủ thậm chí đối tác sao chép sản phẩm gây khó khăn và hiểu lầm trên thị trường. Hoặc gần đây, vì một vài “con sâu làm rầu nồi canh”, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu tạm dừng toàn bộ câu chuyện dạy thêm, học thêm, và cả những hoạt động ngoại khóa bổ trợ. Nhiều địa phương cũng đã đề nghị để Sunbot tiếp tục hoạt động nhưng không có ngoại lệ. Chúng tôi thêm một lần nữa phải đối mặt với khó khăn về tài chính”, ông Hiển dẫn vài ví dụ minh họa cụ thể về những khó khăn, thách thức đối với doanh nghiệp mình.

Đôi lần ý nghĩ “dừng lại không làm nữa” đã xuất hiện nhưng chỉ thoáng qua vài giây, sau đó bị thay thế ngay bằng nỗ lực tính lại cách "giải bài toán" để vượt qua biến cố, tự cứu mình trong hoàn cảnh khó khăn. Bởi ông Hiển vẫn luôn tự đặt cho mình sứ mệnh phải chung tay phát triển nguồn nhân lực mới trong kỷ nguyên số.

thien ha xanh 2.jpg
Ông Hiển luôn tự đặt cho mình sứ mệnh phải chung tay phát triển nguồn nhân lực mới trong kỷ nguyên số. Ảnh: B.M

Khát vọng đưa hệ sinh thái Edtech của người Việt ra thế giới

“Sunbot và Azota đã có tiếng vang nhất định trên thế giới, tuy nhiên, tiếng vang có dài hay không thì còn phụ thuộc giai đoạn tiếp theo. Năm vừa rồi, Azota tập trung vào sản phẩm, dự kiến năm nay tiếp tục bứt phá hơn nữa cả thị trường trong và ngoài nước. Song song với kỳ vọng xuất bản tri thức giáo dục của Việt Nam ra thế giới, chúng tôi đang nỗ lực đưa Sunbot sang Lào, Campuchia, Úc…; một số đối tác quốc tế đang ngỏ ý đưa hệ thống chương trình của chúng tôi về nước họ. Cùng với đó, hy vọng tầm 3 - 5 năm nữa, giải pháp đào tạo nội bộ cho doanh nghiệp của EDTEXCO cũng vượt ra khỏi thị trường Việt Nam để giúp các doanh nghiệp nước ngoài tối ưu hiệu quả hoạt động”, ông Hiển hé lộ định hướng tương lai.

Theo đánh giá của Nhà sáng lập Thiên Hà Xanh, doanh nghiệp Edtech Việt Nam ra thế giới có một số lợi thế như: Nhân lực công nghệ chất lượng cao; Giá thành, chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ có khả năng cạnh tranh tốt; Tính thẩm mỹ cao đem lại sự hấp dẫn cho sản phẩm công nghệ giáo dục…

Tuy nhiên, trong số 37 phân khúc của Edtech, không phải “ngách” nào startup Việt Nam cũng có lợi thế. “Cần phải tạo sự khác biệt trong hệ tư tưởng, xác định tầm nhìn dài hạn, phát huy tối đa lợi thế, cạnh tranh bằng hệ giá trị lõi khi xây dựng nội dung cho sản phẩm Edtech”, ông Hiển lưu ý.

Trên thực tế, một số sản phẩm Edtech tiêu biểu của người Việt đã ghi dấu ấn đẹp trên thị trường thế giới, có thể kể tới: Elsa, Got It… 

“Để ra được thế giới, câu chuyện công nghệ không phải là vấn đề lớn, mà điều cần lưu ý chính là sự đoàn kết của cộng đồng doanh nghiệp, khởi nghiệp Việt Nam. Cộng đồng Edtech Việt Nam trên Facebook đã có sự tham gia của hơn 6.000 người. Song các doanh nghiệp, startup của chúng ta vẫn bị tư duy khá manh mún, chưa thực sự cởi mở trong việc hỗ trợ nhau “ra biển lớn”. Tình trạng này không chỉ cá biệt xảy ra trong ngành Edtech mà còn với nhiều ngành khác. Cứ mạnh ai nấy lo, và hệ lụy khi “đơn thương độc mã” là sẽ dễ bị đối tác quốc tế gây sức ép bất lợi”, ông Hiển nhận định với góc nhìn của Đồng Trưởng làng Công nghệ giáo dục - Techfest Việt Nam.

Kiên định theo đuổi khát vọng đưa hệ sinh thái Edtech của người Việt ra thế giới, Đồng Trưởng làng Công nghệ giáo dục Nguyễn Trí Hiển vẫn đang tiếp tục hành trình xây dựng và phát triển cộng đồng Edtech Việt Nam, cùng nhau hợp tác, gia tăng sức mạnh để làm những việc lớn hơn trong tương lai.

Khoảng 14 năm nay, ông Nguyễn Trí Hiển đều đặn nghiên cứu, thu thập tài liệu để xuất bản Vietnam Edtech Report (Báo cáo về công nghệ giáo dục Việt Nam), được nhiều bộ, ban, ngành, đơn vị lấy làm căn cứ tham khảo.