Sơn La là một tỉnh miền núi biên giới, có 12 dân tộc anh em cùng chung sống: Thái chiếm 53,72%; Kinh 16,38%; Hmông 15,71%; Mường 7,01%; Dao 1,73%; Xinh Mun 2,14%; Khơ Mú 1,28%; Lào 0,33%; Kháng 0,83%; La Ha 0,77%; Tày 0,06%; Hoa 0,01%. Mỗi dân tộc có phong tục tập quán và bản sắc riêng.

Nằm ở phía tây nam, Sốp Cộp là huyện biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh, có 8 xã, 106 bản, 2 điểm dân cư. Toàn huyện có tới 96,7% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo 24,64%, hộ cận nghèo chiếm 14,35%. Địa hình huyện Sốp Cộp phần lớn là đồi núi, rừng xanh phủ kín, lại có nhiều sông suối chia cắt, nên giao thông ở Sốp Cộp khá khó khăn. 

Làm đường giao thông là một trong những mục tiêu quan trọng của chương trình quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Bởi chỉ có một hệ thống “huyết mạch” thông suốt mới có thể khiến cho việc giao thương giữa miền xuôi và miền ngược được dễ dàng, là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế - xã hội, đem lại cuộc sống ấm no và thuận lợi hơn cho người dân.

W-d226n-toc-thieu-so.jpg
Cuộc sống yên bình của đồng bào dân tộc Xinh Mun ở Sơn La. Ảnh: Lê Anh Dũng

Sự quan tâm chỉ đạo sát sao của chính quyền

Quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Sơn La đã được chính quyền địa phương chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, kịp thời bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể và phân công nhiệm vụ chi tiết cho các cơ quan, đơn vị, tạo sự nhất quán trong lãnh đạo cũng như thực hiện ở các cấp.

Kết quả giải ngân vốn ngân sách trung ương đến ngày 30/6/2023 được hơn 313,1 tỷ đồng, đạt 14,59% kế hoạch vốn giao. Trong đó, vốn đầu tư phát triển hơn 291,4 tỷ đồng, đạt 26,97% kế hoạch. Nhiều mục tiêu chủ yếu của Chương trình đạt kết quả khả quan như tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông đạt 97,55%; tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa đạt 74%. 

Riêng Mường Và, với hơn 39,1 tỷ đồng được đầu tư bê tông hóa đường giao thông nông thôn trong vòng 10 năm đã giúp xã bê tông được 252 tuyến đường, với tổng chiều dài gần 45 km, nâng tỷ lệ đường liên xã, liên bản, nội bản được cứng hóa lên trên 91%.

Sự chung tay của đồng bào

Ngoài nguồn vốn của Nhà nước, những con đường bê tông ở Mường Và còn là sự đóng góp ngày công lao động, vật liệu xây dựng và thậm chí là hiến đất mở đường của người dân. 

Ông Lò Văn Thơm, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Và, cho biết: “Trong quá trình triển khai làm đường bê tông, xã chỉ đạo các bản thực hiện tốt việc công khai, minh bạch về tài chính; phát huy quyền làm chủ nhân dân trong việc tham gia đóng góp, giám sát, kiểm tra, tạo sự đồng thuận của bà con. Đồng thời, hướng dẫn các bản đăng ký thực hiện các tuyến đường nội bản trong khả năng tài chính cho phép, với phương châm vận động đến đâu, thực hiện đến đó, tuyến đường khó, dài làm trước, dễ làm sau, ưu tiên những tuyến có đông dân cư”. 

Nhân dân các bản đã hiến trên 7.000m² đất, đóng góp tiền và ngày công lao động tổng trị giá trên 28 tỷ đồng, đổ bê tông các tuyến đường liên bản, nội bản với tổng chiều dài gần 45km và hơn 8km từ trung tâm huyện về xã. 

Bà con bảo nhau cùng làm đường, vận chuyển vật liệu, cho mượn mặt bằng để tập kết vật liệu xây dựng. Từ đầu năm đến nay, có 2 tuyến đường liên bản, nội bản, dài trên 10 km được triển khai thi công, dự kiến cuối năm 2023 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Một trong những người hiến đất làm đường tại bản Mường Và, ông Lò Văn Un phấn khởi vì con đường nội bản vừa đổ bê tông. Ông chia sẻ: “Khi được bản thông báo tuyến đường đi qua phần đất của gia đình, tôi tự nguyện hiến 140m² đất để làm đường giúp bà con đi lại đỡ vất vả”.

Từ nay đến hết năm 2025, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, xã Mường Và sẽ đổ bê tông thêm 18 tuyến đường liên bản, nội bản còn lại, phấn đấu trên 98% các tuyến đường của xã được bê tông hóa; tiếp tục triển khai cứng hóa bê tông hóa đường nội đồng, đường lên nương... tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao thương hàng hóa, góp phần hoàn thành tiêu chí về đường giao thông trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Tuệ Nhi