Thuận Châu là 1 trong 2 huyện nghèo của tỉnh Sơn La. Huyện đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp, xây mới các công trình nước sinh hoạt tập trung. Nhiều công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng, giúp đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tại bản Phặng, xã Bon Phặng, huyện Thuận Châu có khoảng 250 hộ dân. Trước đây, người dân tự mua ống dẫn nước từ các mó, khe suối về dùng, không đảm bảo vệ sinh. Nay nhờ công trình nước sinh hoạt về tận nhà được nhà nước đầu tư với kinh phí gần 3 tỷ đồng đã chấm dứt tình trạng thiếu nước sinh hoạt về mùa khô của người dân trong bản. Bà con rất phấn khởi.

Từ năm 2022 đến nay, xã Chiềng Pha được đầu tư gần 2,3 tỷ đồng xây mới, sửa chữa nâng cấp 2 công trình nước sinh hoạt của các bản Sai, Heo Trại, Trọ Phảng. Hiện nay, 100% hộ dân của xã được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, góp phần hoàn thành tiêu chí nông thôn mới. Xã chỉ đạo các bản tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ, quản lý, sử dụng, vận hành, đảm bảo lâu dài; thực hiện tốt việc khoanh nuôi, chăm sóc, bảo vệ rừng đầu nguồn, đảm bảo nguồn nước.

Ông Lê Hồng Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu, cho biết đến nay, huyện đã đầu tư gần 12 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa, nâng cấp 5 công trình nước sinh hoạt tập trung ở các bản thuộc xã Bản Lầm, Chiềng Bôm, Bon Phặng, Chiềng Pha; cấp phát 525 bồn chứa nước cho hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn về nước sinh hoạt, tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng.

Đến nay, 100% số hộ nông thôn của huyện được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; đời sống đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của huyện ngày càng cải thiện rõ rệt.

Để mọi người dân, nhất là người dân nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, đều được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, huyện Thuận Châu chỉ đạo các phòng ban chuyên môn phối hợp với các xã, bản tiếp tục rà soát, đánh giá các công trình cấp nước tập trung, kịp thời đầu tư, nâng cấp, sửa chữa; Đôn đốc các đơn vị được giao làm chủ đầu tư khẩn trương triển khai xây dựng, sửa chữa các công trình cấp nước đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đề ra.

Tại huyện Sông Mã, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” giai đoạn 2022-2025, trọng tâm là bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp.

Đảm bảo việc triển khai được trọng tâm, thường xuyên, hiệu quả, các tổ chức đoàn thể được giao nhiệm vụ cụ thể, các hoạt động tập trung vào các xã đạt chuẩn nông thôn mới và các xã trong lộ trình đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2022 - 2025, như: Mường Lầm, Chiềng Khương, Chiềng Sơ, Mường Sai...

W-sonla-dantoc-nongthon.jpg
Nhiều người dân ở Sơn La được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, môi trường sáng, sạch đẹp. Ảnh: Lê Anh Dũng

Nhiều mô hình hay, hiệu quả được triển khai và nhân rộng, như: Mô hình “5 không, 3 sạch” của Hội Phụ nữ; Hội Cựu chiến binh, Huyện đoàn ra quân vệ sinh môi trường nhân "Ngày môi trường thế thới", “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh”; Hội Nông dân với phong trào vệ sinh xung quanh nhà ở, di chuyển chuồng trại chăn nuôi và nhà tiêu cách xa nhà, thu gom, ủ phân chuồng bón cho cây trồng... 

Hiểu được mục đích và ý nghĩa của việc tham gia bảo vệ môi trường, nhân dân ở các xã đạt chuẩn nông thôn mới đã chủ động dọn vệ sinh xung quanh nhà ở, đường ngõ xóm. Năm 2023, nhân dân đã tham gia trồng hơn 14.500 cây phân tán và chăm sóc hơn 16.200 m đường hoa, góp phần đảm bảo mỹ quan và cải thiện môi trường sống. Ngoài ra, 1.165 bóng năng lượng mặt trời chiếu sáng ban đêm được lắp đặt từ nguồn xã hội hóa.

Minh An