Người đàn ông được đưa vào Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh). Kết quả xét nghiệm cho thấy tình trạng nhiễm trùng nặng, toan chuyển hóa; kết quả cấy máu phát hiện vi khuẩn Vibrio vulnificus.

"Bệnh nhân được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết do Vibrio vulnificus, suy thận cấp trên nền bệnh viêm gan B. Tiên lượng bệnh rất nặng", bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thế Hưng, Trưởng Khoa, cho biết chiều 6/9.

Thầy thuốc tiến hành các biện pháp điều trị hồi sức tích cực với kháng sinh liều cao phổ rộng, thuốc vận mạch, cân bằng điện giải. Sau 6 ngày điều trị, bệnh nhân thoát sốc, tỉnh táo, dấu hiệu phục hồi tốt.

Vibrio vulnificus là loại vi khuẩn sống ở vùng nước biển ấm, nước lợ (như cửa sông, ao nước lợ hoặc vùng ven biển). Khuẩn này đi vào cơ thể qua các vết thương hở; ăn các thực phẩm nhiễm Vibrio vulnificus không được chế biến thích hợp hoặc các thực phẩm sống như tôm, hàu, cá… có chứa khuẩn này.

Bệnh nhân thoát sốc sau 6 ngày điều trị tích cực. Ảnh: Minh Khương 

Bác sĩ Hưng cho biết bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Vibrio vulnificu thường xuất hiện các triệu chứng như: Mệt mỏi, sốt cao, sưng, đau tại vị trí vết thương - đường vào nhiễm khuẩn, viêm tấy mô mềm...

"Bệnh cảnh diễn tiến nhanh, dẫn đến sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng… thậm chí tử vong nhanh chóng", ông cho biết.

Đặc biệt, người có bệnh lý nền như đái tháo đường, gan mạn tính và suy giảm miễn dịch hay đang sử dụng các thuốc điều trị gây ảnh hưởng đến hệ miễn dịch cần cẩn thận với loại khuẩn này vì có thể xảy ra nhiễm khuẩn nghiêm trọng dẫn đến tử vong.

Bệnh lý do nhiễm vi khuẩn Vibrio vulnificu dễ nhầm với các bệnh cảnh nhiễm trùng huyết khác như vi khuẩn liên cầu lợn, nhiễm não mô cầu, tụ cầu, liên cầu,... Vì vậy, bác sĩ lưu ý người dân cần cảnh giác với căn bệnh này, đặc biệt là những người làm nghề nuôi trồng hải sản và sinh sống ở vùng biển.

Khi cơ thể có biểu hiện như sốt, mệt mỏi, xuất hiện tổn thương bọng nước hoại tử ngoài da… cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.