Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc bổ sung dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 5 và thông qua vào kỳ họp thứ 6. Đồng thời, giao Chính phủ và các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Thường vụ Quốc hội trong phiên họp tháng 4/2023.

Một trong những điểm mới được Chính phủ đề xuất là cấp thẻ căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi. Tuy nhiên, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Quốc phòng An ninh (cơ quan thẩm tra) đề nghị cân nhắc việc bổ sung quy định này.

Theo cơ quan thẩm tra cho rằng, ở độ tuổi dưới 14, trẻ em đang trong giai đoạn phát triển nên thông tin nhân dạng khó chính xác. Ngoài ra, phần lớn trẻ em dưới 14 tuổi không tự mình (hoặc không được phép) thực hiện các giao dịch hành chính, dân sự.

Trong bối cảnh hiện nay, việc cấp thẻ CCCD cho người dưới 14 tuổi là cần thiết.

Bên cạnh đó, hồ sơ đề nghị chưa làm rõ, đánh giá đầy đủ về nhu cầu cấp thẻ của lứa tuổi này, trong khi việc cấp thẻ cho dù là không bắt buộc vẫn phát sinh chi phí.

Mặt khác, khi xem xét, thông qua Luật Căn cước công dân năm 2014, vấn đề này đã được thảo luận nhưng Quốc hội quyết định chỉ cấp thẻ Căn cước công dân cho công dân từ đủ 14 tuổi trở lên.

Một số ý kiến cho rằng, chính sách cấp thẻ Căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi như đề xuất của Chính phủ là phù hợp, nhất là trong bối cảnh đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia hiện nay.

Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu quy định rõ hơn về đặc điểm nhân dạng của trẻ em để ghi nhận trong thẻ Căn cước, xác định cụ thể lộ trình thực hiện theo từng lứa tuổi nhất định để bảo đảm tính khả thi.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, việc cấp Căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi là phù hợp với thực tiễn. Bộ Công an thường xuyên làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về số lượng trẻ em ở các xã, phường, từ đó tính toán cho hệ thống giáo dục, cư trú và phục vụ kỳ thi.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an, quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, đăng ký sim điện thoại, tham gia môi trường mạng cần mã định danh cá nhân nên việc cấp căn cước cho trẻ em là cần thiết. Việc này hạn chế bất cập vì ngoài hộ chiếu và giấy khai sinh, trẻ em không có giấy tờ gì để giao dịch.

Với lo ngại trẻ thay đổi nhanh về hình thể, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, dự thảo sẽ nghiên cứu xây dựng theo hướng căn cước trẻ em 5 năm phải thay đổi một lần, đảm bảo phản ánh, cập nhật chính xác thông tin.

Về việc bổ sung quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam không có quốc tịch sinh sống tại Việt Nam, Thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh cho rằng, theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, người không quốc tịch (bao gồm cả người gốc Việt Nam không quốc tịch) thường trú hoặc tạm trú tại Việt Nam đã được xem xét cấp thẻ thường trú.

Do đó, Thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh đề nghị không quy định việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho nhóm đối tượng này để tránh trùng lặp, phát sinh thêm giấy tờ.

Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, theo hồ sơ đề nghị xây dựng luật, trong nhóm 31.117 người gốc Việt Nam không có quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam có nhiều người không có giấy tờ tùy thân, chưa được đăng ký cư trú nên cần có biện pháp quản lý phù hợp, tạo điều kiện để họ có thể tham gia vào các giao dịch dân sự, hành chính, dịch vụ công.

Nguyễn Quang Phong, Nguyễn Văn Quý, Nguyễn Đăng Tấn