Đây là hoạt động nhằm hoàn thiện, nâng cấp các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh của Hà Nam tham gia Chương trình OCOP; duy trì và nâng cao chất lượng, quy mô sản xuất các sản phẩm OCOP đã được công nhận; tổ chức đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm OCOP các cấp; thực hiện tốt các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ và hướng đến xuất khẩu.

Theo kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình OCOP, các sở, ban, ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng nhiệm vụ được giao và căn cứ tình hình thực tế của địa phương để xác định rõ nội dung, nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm để triển khai thực hiện Chương trình OCOP năm 2024 trên địa bàn đảm bảo hiệu quả, toàn diện và bền vững, góp phần thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn xây dựng nông thôn mới.

W-ha-nam-1.jpeg
Hà Nam triển khai thực hiện Chương trình OCOP năm 2024 góp phần thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn xây dựng nông thôn mới.

Mục tiêu phấn đấu trong năm 2024, toàn tỉnh có thêm từ 25 - 30 sản phẩm được đánh giá, phân hạng 3 sao trở lên (nâng tổng số sản phẩm được đánh giá, phân hạng 3 sao trở lên trên địa bàn tỉnh đạt 142-152 sản phẩm); đồng thời duy trì, củng cố, nâng cấp 50% sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.

Phát triển mới và củng cố 65 - 70 tổ chức kinh tế (Tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa) và hộ sản xuất tham gia Chương trình OCOP; ưu tiên phát triển đối với các chủ thể là hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử…).

Có 1-2 làng nghề có cơ sở sản xuất sản phẩm được đánh giá, công nhận đạt OCOP hạng 3 sao trở lên (nâng tổng số làng nghề có cơ sở sản xuất sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao trở lên đạt 8-9 làng nghề), góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề của địa phương.

Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, tích cực tham gia hội chợ, hội thảo khoa học trong nước hướng tới thị trường xuất khẩu.

Xây dựng hệ thống quản lý, giám sát sản phẩm OCOP đồng bộ, hiệu quả, ứng dụng công nghệ số trong quản lý, giám sát sản phẩm OCOP.

Để đạt được những mục tiêu trên, UBND tỉnh cũng yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về Chương trình OCOP, cổ vũ những mô hình tốt, cách làm hay, những gương điển hình tiên tiến, sản phẩm đặc trưng của tỉnh.

Đối với các huyện, thị xã, thành phố, hướng dẫn UBND cấp xã rà soát các sản phẩm tiềm năng; tổng hợp, đánh giá, lựa chọn các cơ sở có sản phẩm tiềm năng đạt tiêu chuẩn để đăng ký ý tưởng sản phẩm tham gia Chương trình; hướng dẫn các chủ thể xây dựng, triển khai phương án/kế hoạch sản xuất kinh doanh; các quy định về bao bì đóng gói, nhãn mác sản phẩm hàng hoá; về bảo vệ môi trường trong sản xuất; về an toàn vệ sinh thực phẩm; về xây dựng thương hiệu; hướng dẫn các chủ thể tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước về: tín dụng, khoa học và công nghệ, liên kết chuỗi giá trị, đào tạo nghề,…

Ngoài ra, hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ trực tiếp tại thực địa, thường xuyên và liên tục đối với các chủ thể sản xuất sản phẩm tiềm năng để triển khai phương án sản xuất kinh doanh.