Khóa đào tạo nằm trong khuôn khổ dự án được ký kết giữa Trường Đại học Nha Trang và tổ chức KOICA (Hàn Quốc) vào năm 2022, nhằm đào tạo và nâng cao năng lực về thực chiến bảo đảm an toàn thông tin mạng cho 600 học viên từ năm 2022 đến 2025. Các khóa đào tạo hoàn toàn miễn phí.

Dự án KOICA IBS bao gồm xây dựng một một phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo an ninh mạng và tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo an toàn thông tin mạng. Mục tiêu chính của hợp tác lần này là đào tạo chyên sâu về an toàn thông tin mạng cho 600 học viên tại khu vực Khánh Hòa. Phòng thí nghiệm có giá trị khoảng 850.000 USD do công ty Dudu IT thi công và lắp đặt, còn kinh phí tổ chức đào tạo là 150.000 USD.

nha trang.jpg
Ông Kim Duk Yun – Công ty DuDu IT- đang hướng dẫn học viên tham gia khóa đào tạo.

Hợp tác kỳ vọng sẽ giúp cán bộ giảng dạy của trường nâng cao năng lực trong lĩnh vực an toàn và an ninh mạng, đặc biệt trong bối cảnh trường đang đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số; nâng cao năng lực đào tạo của trường Đại học Nha Trang cho sinh viên, học viên, giúp nâng tầm chất lượng đào tạo tương đương các nước trong khu vực; triển khai các nghiên cứu khoa học, góp phần bảo vệ an ninh không gian mạng.

Ban quản lý dự án KOICA IBS đã tổ chức khóa đào tạo an toàn thông tin mạng cho các sinh viên, cán bộ làm việc trong lĩnh vực mạng và truyền thông tại Khánh Hòa. Trong khóa mới nhất, hơn 50 học viên đã tham dự và học tập tại Phòng thực hành An ninh mạng tại Đại học Nha Trang khánh thành hồi tháng 9.

Phòng thực hành trang bị phần cứng và phần mềm tiên tiến với 50 bộ máy tính để bàn, 100 màn hình, 3 máy chủ, 3 máy lưu trữ và máy chiếu chất lượng cao. Các phần mềm hỗ trợ thực hành có phần mềm ảo hóa, hệ thống quản lý học tập và nền tảng đào tạo an ninh mạng trực tuyến/trực tiếp. Giảng viên của trường cũng sẽ được tham gia các khóa bồi dưỡng và đào tạo về an ninh mạng do chuyên gia Hàn Quốc thực hiện.

An toàn thông tin mạng là một trong những ưu tiên cao nhất của mọi cơ quan, tổ chức. Tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi số cũng đặt tầm quan trọng của an toàn thông tin lên hàng đầu để bảo đảm an ninh của mỗi cơ quan nhà nước cũng như của các công ty, doanh nghiệp.

Vì vậy, nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng chuyên sâu về lĩnh vực an toàn thông tin tại các cơ quan, tổ chức ngày càng cao. Phòng thực hành đào tạo an ninh mạng đi vào hoạt động giúp cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao về lĩnh vực an toàn thông tin mạng, phục vụ nhu cầu phát triển của xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả đảm bảo an ninh mạng tại Việt Nam trong thời gian tới.

Theo Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin giai đoạn 2021 - 2025”, mục tiêu tổng quát là đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng về ATTT cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, tổ chức Nhà nước; hỗ trợ các cơ quan, tổ chức của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội đào tạo, tập huấn về ATTT khi có đề nghị từ các cơ quan, tổ chức này; xây dựng và phát triển đội ngũ chuyên gia ATTT để bảo vệ cho các hệ thống thông tin của Đảng và Nhà nước.

Cùng với đó, đào tạo đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên về ATTT ở nước ngoài cho các cơ sở giáo dục đại học; đào tạo thạc sĩ, kỹ sư, cử nhân ATTT trong nước; đào tạo kiến thức, kỹ năng ATTT cho các tổ chức, cá nhân và đào tạo ATTT theo cơ chế xã hội hóa.

Một trong các giải pháp được nêu trong đề án là vận động các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, chuyên gia ATTT và các tổ chức, cá nhân có liên quan kết hợp tổ chức miễn phí hoặc cấp học bổng các khóa đào tạo về kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật ATTT cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ) và người dùng liên quan đến thiết bị CNTT trong cộng đồng.

Vì vậy, khóa đào tạo miễn phí về an toàn thông tin mạng của Trường Đại học Nha Trang là vô cùng cần thiết, góp phần thực hiện Đề án.