Chính phủ vừa ban hành Nghị định 73 quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Có thể khẳng định đây là nỗ lực lớn, cố gắng rất cao và quyết tâm chính trị của Chính phủ nói chung và Bộ Nội vụ nói riêng trong việc cụ thể hóa một chủ trương hết sức đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề này.

cac dai bieu bieu quyet.jpeg
Các đại biểu dự Đại hội 13 của Đảng

Gần đây, trong cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhấn mạnh:

“Thường trực Ban chỉ đạo chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh, khắc phục ngay những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Đây chính là một biểu hiện của tiêu cực, gây nhiều hệ lụy xấu, làm chậm sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vì vậy cần tập trung chấn chỉnh, khắc phục ngay tình trạng này”.

Vì vậy, một nghị định mới của Chính phủ ra đời góp phần xây dựng “cơ chế, chính sách khuyến khích, bảo vệ những người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị hết sức cấp thiết này.

Đặc trưng cốt lõi của Nghị định số 73 toát lên một “công thức” rất chung, lời giải phù hợp đối với tất cả các ngành, lĩnh vực hiện nay trong hoạt động của bộ máy Nhà nước để làm sao đề xuất của cán bộ năng động, sáng tạo dám nghĩ, dám làm… ý tưởng mới, cách làm mới được hiện thực hóa vào trong đời sống chính trị.

Những nội dung trong Nghị định số 73, phần nào đặt ra yêu cầu đối với cán bộ năng động, sáng tạo phải nâng cao năng lực cả về lý luận và thực tiễn. Nghĩa là, từ thực tiễn công tác, người cán bộ đề xuất ý tưởng cần dựa trên các cơ sở khoa học như mục đích, đối tượng, phạm vi, thời gian tác động và giải pháp thực hiện đề xuất của mình.

Như vậy, có thể thấy cán bộ năng động, sáng tạo trong giai đoạn hiện nay ngoài kỹ năng điều hành, quản lý còn phải biết nghiên cứu, tìm kiếm dữ liệu để trình bày, bảo vệ đề xuất ý tưởng sáng tạo, đổi mới.

Về cơ bản, với Nghị định số 73, cán bộ lãnh đạo, quản lý năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm đã có chỗ dựa trên tất cả các bình diện (pháp lý, tinh thần).

Lần đầu tiên trong tiến trình lãnh đạo của Đảng, một chủ trương khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo bắt nguồn từ trên xuống, từ trong đường lối của Đảng ra và được cụ thể hóa bằng chính sách của Nhà nước.

Nói cách khác, từ nhận thức của thượng tầng kiến trúc phổ biến xuống hạ tầng cơ sở một cách chủ động thay vì ở thời kỳ trước những sáng tạo, đổi mới của cán bộ năng động, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung phải phá rào, xé rào.

Với Nghị định số 73 thì cán bộ năng động, sáng tạo được tôn trọng, động viên và khích lệ, các quy định về loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm theo quy định của pháp luật được quy định chi tiết.

Đặc biệt, sự ủng hộ của các nhà khoa học, nhà chuyên môn với tư cách chính danh trong hội đồng thẩm định sẽ là điểm tựa động viên cán bộ năng động, sáng tạo. Điều đó cũng cho thấy sự dấn thân, tiên phong của cán bộ được bảo trợ trên cơ sở khoa học, có tình, có lý và hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy ra với cán bộ.

Thêm vào đó, nếu như trước đây cán bộ năng động, sáng tạo thường phải chờ đợi sự phân xử, phán xét của thời gian, của lịch sử về công và tội thì ngày nay với Nghị định 73, họ được hỗ trợ nguồn lực, tài chính, nhân sự, được đồng hành của lãnh đạo cơ quan trong quá trình thực hiện các đề xuất, ý tưởng của mình.

Họ cũng được ghi nhận bằng sự tôn vinh và khen thưởng kịp thời, cất nhắc, bổ nhiệm chức vụ khi các đề xuất, ý tưởng "dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới" được triển khai hiệu quả, thành công.

Có thể thấy, Nghị định số 73 đã đáp ứng một cách tương đối giữa cái chung và cái riêng (cá nhân và tập thể), giữa cái đổi mới, sáng tạo của cán bộ và cái tồn tại khách quan cơ chế, chính sách (điểm nghẽn, nút thắt).

Tinh thần bao trùm của Nghị quyết số 73, cho thấy đề xuất của cán bộ năng động, sáng tạo được giải quyết trong chừng mực của thể chế và văn hóa chính trị.

Nghĩa là những đề xuất sáng tạo, đổi mới đến đâu cũng cần đặt trong khuôn khổ, “đường biên, vạch thước” của thiết chế, thể chế (Hiến pháp, đường lối, pháp luật) có sẵn, không xâm hại tới lợi ích của quốc gia, dân tộc, cộng đồng.

Các quy định đưa ra cũng đảm bảo sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách…

Đây là những yêu cầu đòi hỏi cán bộ phải nắm vững và vận hành một cách hài hòa trong quá trình thực hiện các đề xuất sáng tạo của mình.

Nghị định số 73 của Chính phủ ra đời kịp thời đáp ứng mong đợi đội ngũ cán bộ Nhà nước nói chung và một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng. Và hơn hết, nghị định này đã phần nào hóa giải nỗi sợ sai trong điều hành, quản lý cũng như thực thi công vụ còn rủi ro mà bấy lâu nay đội ngũ cán bộ đang trăn trở, lo lắng.

Chính từ những quy định như vậy, cán bộ lãnh đạo, quản lý tự tin hơn để áp dụng trong việc xử lý với các vấn đề mới, các tình huống nảy sinh trong thực tiễn có tính chất phát triển đòi hỏi sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.