Hai năm trước, bé C. (9 tuổi, ở Đô Lương, Nghệ An) bị ngã chống đầu gối trái vào đúng mảnh vỡ của chiếc bát, gây vết thương, chảy máu. Sau đó, gia đình đưa bé đến trạm y tế để xử trí khâu lại vết thương. Sức khỏe ổn định, bé được về nhà. Vết thương của cháu dần lành lặn, bé C. đi lại được bình thường.

Gần đây, trong lúc chạy nhảy, bé tiếp tục bị ngã đập gối trái xuống đất. Ngay sau cú ngã, bé đau nhiều khớp gối, đau tăng khi vận động. Gia đình đưa con đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An khám.

Ngày 8/5, bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng cho biết qua hình ảnh chụp phim, phát hiện bên trong khớp gối của bệnh nhi có hình ảnh dị vật cản quang (chưa rõ bản chất).

Bệnh nhân nhập viện, có chỉ định phẫu thuật lấy bỏ dị vật. Kết quả, một mảnh sành sắc nhọn được lấy ra trong sự ngỡ ngàng của gia đình.

Dị vật là mảnh sành bát ăn cơm được lấy ra từ khớp gối bệnh nhi. Ảnh: BVCC

"Đây là trường hợp rất hi hữu và may mắn với trẻ, vì dị vật sắc nhọn bị bỏ quên trong khớp gối 2 năm mà không ảnh hưởng gì nghiêm trọng đến bệnh nhân", các bác sĩ cho biết.

Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo, dị vật trong khớp có thể gây tổn thương đến các dây chằng, hoặc gây nhiễm trùng khớp ảnh hưởng đến vận động khớp nếu không được lấy ra sớm. Vì vậy, đối với các vết thương vùng khớp cần thăm khám ở các cơ sở y tế có trang thiết bị đầy đủ, tránh bỏ sót tổn thương như bỏ quên dị vật, vết thương thấu khớp...