Trong báo cáo gửi các cơ quan soạn thảo Luật sửa đổi BHXH mới đây, 8 hiệp hội doanh nghiệp (Hiệp hội các DN) đã góp ý về phương án đóng BHXH để hưởng lương hưu của người lao động.

Sau khi xem xét và tổng hợp ý kiến từ các DN, Hiệp hội này đánh giá, phương án đóng BHXH hiện nay dẫn đến tình trạng nhiều người động, nhất là lao động làm việc giản đơn (lao động chân tay) khi về hưu lương sẽ rất thấp. 

Về tỷ lệ đóng và tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc, dự thảo quy định tỷ lệ đóng vẫn giữ nguyên như Luật BHXH 2014. Nghĩa là người lao động đóng 8%, người sử dụng lao động đóng 17% vào quỹ hưu trí và tử tuất. Theo Hiệp hội các DN, đây là tỷ lệ đóng cao so với khu vực và thế giới, cụ thể Malaysia đóng 13%, Philippines 10%, Indonesia 8%, Thái Lan 5%...

Về mức đóng BHXH, dự thảo đưa ra 2 phương án. Phương án 1, tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động (giữ như Luật BHXH 2014).

Phương án 2, tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động. Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH không bao gồm tiền thưởng, các khoản hỗ trợ và trợ cấp khác không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động.

Để hưởng lương hưu cao, người lao động và người sử dụng lao động phải đóng BHXH dựa trên mức lương thực tế. Ảnh minh hoạ: Báo NLĐ.

Theo đại diện Hiệp hội các DN, phương án 1 tuy có giảm bớt áp lực cho người lao động và người sử dụng lao động từ tỷ lệ đóng cao, nhưng do nền đóng phụ thuộc vào kết quả thỏa thuận giữa 2 bên của từng DN nên lại làm mất đi tính đồng bộ của chính sách, mất cân đối giữa các DN, khoảng cách thu nhập của người lao động khi đi làm và về hưu ở nhiều DN rất khác biệt.

Phương án 2 cơ bản đóng trên lương thực tế trừ một số khoản theo quy định của pháp luật thì với tỷ lệ đóng BHXH như hiện nay và trong dự thảo thì DN “không chịu đựng được”, giảm khả năng cạnh tranh và người lao động sẽ giảm thu nhập.

Đóng BHXH bằng 70% hoặc 90% lương thực tế

Từ những phân tích 2 phương án của dự thảo, Hiệp hội các DN đề xuất 2 phương án. Phương án 1, đưa tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc về mức của năm 2009, tức là người lao động 5% và người sử dụng lao động 15%, tổng cộng 20%, chứ không phải 25% hiện nay (người lao động 8%, người sử dụng lao động 17%). 

Tuy nhiên, mức nền đóng BHXH sẽ không căn cứ vào mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được thỏa thuận ghi trong hợp đồng lao động như hiện nay (đóng trên đầu vào) mà đóng trên 70% thu nhập thực tế của người lao động (đóng trên đầu ra). Như vậy sẽ khoa học và phù hợp thực tế hơn, thu nhập nhiều - đóng nhiều và thu nhập ít - đóng ít.

Phương án 2, giảm tiếp 20% tỷ lệ đóng so với phương án 1. Nghĩa là người lao động đóng 4% và người sử dụng lao động đóng 12%, tổng cộng 16%. Tuy nhiên, nền đóng sẽ dựa trên thu nhập thực tế, trừ một số khoản không có tính chất lương. Như vậy, nền đóng đã chiếm tới khoảng 90% tiền lương thực tế của người lao động.

Đại diện các doanh nghiệp cho rằng, lựa chọn 1 trong 2 phương án trên sẽ khắc phục được bất cập của tỷ lệ đóng và nền đóng của Luật BHXH 2014, nguồn thu BHXH sẽ không giảm, thu nhập khi đi làm và lương hưu của người lao động không chênh lệch quá lớn, không còn yếu tố chủ quan (thỏa thuận) nên sẽ cân đối giữa các DN hơn. 

Tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa có thể nghiên cứu quy định thấp hơn mức 75% (như quy định của nhiều nước trên thế giới) nhưng lương hưu thực lĩnh sẽ cao hơn.

Là thành viên Ban soạn thảo Luật sửa đổi BHXH, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, mức đóng BHXH phải sát với thực tế năng lực chi trả và sự ổn định của DN, nếu không đạt được điều nay sẽ không đảm bảo tính khả thi. 

Tuy nhiên, ở góc độ bảo vệ quản lý quyền lợi người lao động, đại diện Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng, để cải thiện tình trạng này, cần phải quản lý tiền lương minh bạch, mức lương đóng BHXH phải là tiền lương thực lĩnh. Có nghĩa người lao động nhận bao nhiêu tiền thì đóng BHXH theo mức thực lĩnh. Có như vậy, tiền lương của người lao động khi về hưu mới cao lên.

Trên thực tế, hiện nay đa số người lao động đóng BHXH chỉ ở mức cao hơn lương cơ bản từ 5-7%, mức đóng này rất thiệt cho người lao động. 

Công nhân muốn rút BHXH một lần vì khó chờ lương hưu

Công nhân muốn rút BHXH một lần vì khó chờ lương hưu

Ngoài đề xuất giữ nguyên phương án rút Bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, hầu hết ý kiến yêu cầu khi xây dựng chính sách nhà ở, nhà lưu trú cần mở rộng đối tượng là công nhân ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp.