Miền Tây Nghệ An bao gồm 11 huyện với diện tích tự nhiên 13.747 km2, trong đó có 5 huyện vùng cao là: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong và Quỳ Châu. Còn lại 6 huyện miền núi là: Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Thị xã Thái Hòa, Tân Kỳ, Anh Sơn và Thanh Chương. Các huyện miền Tây chiếm 84% diện tích toàn tỉnh và có 6 dân tộc cùng chung sống: Kinh, Thái, Thổ, Mông, Ơ Đu và Khơ Mú.

Nhằm phát triển khu vực này, gần 20 năm trước, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 30/7/2013 về phương hướng nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020.

W-anhminhhoa-1.png
Ảnh minh hoạ

Cũng trong thời gian đó, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An đến năm 2020 tại Quyết định số 2355/QĐ/TTg, ngày 04/12/2013, đây là sự quan tâm đặc biệt của Trung ương đối với tỉnh Nghệ An nói chung và miền Tây Nghệ An nói riêng. 

Sự quan tâm đặc biệt của Bộ Chính trị và Chính phủ, trở thành tiền đề quan trọng cho các huyện miền Tây Nghệ An phát triển.

Đến nay, sau gần 20 năm thực hiện, nhất là 5 năm gần đây, các huyện miền Tây Nghệ An nhanh chóng có nhiều thay đổi. Bộ mặt các huyện miền núi Nghệ An thay da đổi thịt. Đường sá, cầu cống, giao thông đi lại thuận tiện. Nhà cửa, các công trình xây dựng, trường học, trạm xá, bệnh viện, công sở cơ quan khang trang sạch đẹp. Đời sống nhân dân các huyện miền Tây Nghệ An, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được cải thiện và nâng cao cả về vật chất và tinh thần. Các hủ tục như ma chay, nạn tảo hôn và hôn nhân cùng huyết thống giảm nhanh chóng. Tình trạng di cư tư do ít xảy ra.

Theo số liệu thống kê, nhiệm kỳ 2015- 2020, tốc độ tăng trưởng bình khu vực miền Tây Nghệ An đạt khoảng 8,5%/năm, thu nhập bình quân đầu người khoảng 26,5 triệu đồng/người/năm.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng nhanh, với mức bình quân 11%/năm. Giao thông miền Tây rất thuận lợi, được đầu tư mạnh ở các huyện Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn kết hợp các DA với đường tuần tra biên giới kết hợp phát triển kinh tế cùng hàng ngàn kilomet đường giao thông nông thôn được rải nhựa và bê tông kiên cố các xã đặc biệt khó khăn. Bộ mặt miền Tây Nghệ An thay đổi nhanh chóng. Nhiều công trình trọng điểm, nhiều dự án được đầu tư vào miền Tây Nghệ An đã và đang phát huy hiệu quả; chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới có nhiều khởi sắc (64/203 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 5 xã thuộc huyện nghèo 30a và xã biên giới…).

Theo ông Thái Thanh Quý, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, mục tiêu lớn mà Đảng bộ tỉnh xác định với trọng điểm miền Tây theo hướng phát triển bền vững, thiết thực; gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh. Điều này được khẳng định tại cuộc làm việc giữa Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 26. Để tạo bước đột phá trong giai đoạn tới, cần phải đặt miền Tây Nghệ An trong tổng thể phát triển của tỉnh, của khu vực, của quốc gia. Phải xác định, những lĩnh vực có lợi thế so sánh của miền Tây Nghệ An với các địa phương khác để đầu tư. Tập trung khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế; tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Nghệ An đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025 đối với khu vực miền Tây có 80% số thôn bản đặc biệt khó khăn đạt chuẩn NTM.

Sau khi Quốc hội phê duyệt Nghị quyết về “Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030”, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 12/NQ-CP triển khai Nghị quyết 88/2019/QH14 của kinh tế - xã hội.

Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội các huyện miền Tây Nghệ An trong giai đoạn mới tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư mạnh mẽ, tạo thuận lợi thu hút đầu tư các dự án lớn tạo nhiều lao động cho người DTTS… đồng thời bên cạnh phát triển kinh tế - xã hội, phải giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc.

Nhóm PV