Tác giả Phạm Thị Vân Anh có lẽ không xa lạ trên diễn đàn văn chương với hàng loạt giải thưởng từ trong nước đến quốc tế. Mỗi tác phẩm đều có dấu ấn riêng được các nhà phê bình đánh giá cao. 

Do tính chất công việc, chị gắn bó với dải biên cương điệp trùng của Tổ quốc, cùng mối lương duyên viết lách đã tạo nên những bài viết đầy xúc cảm về đất nước, về người lính và những người dân ngày đêm canh giữ lãnh thổ Việt Nam. Từ Người Lô Lô và tiếng trống đồng bảo vệ biên cương, Bên rừng thiêng Chúng Chải… cho đến Nhịp xoang dưới chân Chư Mom Ray đều chứa đựng những hình ảnh vô cùng sống động.

Đọc đến đâu, chúng ta đều có thể hình dung từng câu chuyện về mỗi vùng miền với bản sắc riêng biệt: “Ngoài Điệu múa khăn thêu, người Si La còn giữ gìn một số điệu múa khác như Cầu mưa, Vào mùa với những động tác mô phỏng hiện tượng thiên nhiên hay trong lao động và có sự giao thoa, ảnh hưởng lớn từ các dân tộc xung quanh (Hà Nhì, Thái, Mông)…”.

Do tính chất công việc, tác giả gắn bó với dải biên cương điệp trùng của Tổ quốc, cùng mối lương duyên viết lách đã tạo nên những bài viết đầy xúc cảm. Ảnh NVCC.

“Cuốn sách gói ghém hành trình 10 năm điền dã qua 10 tỉnh gặp các già làng, thầy mo, nghệ nhân dân gian… để ghi chép, hệ thống tư liệu và viết”, nhà văn Phạm Thị Vân Anh cho biết.

Dặm dài Tổ quốc là những lát cắt khái quát về lịch sử, truyền thống văn hóa, ghi nhận sự đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và thực trạng cuộc sống của 16 dân tộc thiểu số đang cần được hỗ trợ, bảo tồn khẩn cấp. 

Tác giả nêu rõ, trong 54 dân tộc, đó là bộ phận dân cư chưa đến 10.000 người. Sự khắc nghiệt nơi núi cao rừng thẳm đẩy họ đến bờ vực suy thoái giống nòi và điều kiện sinh hoạt hết sức khó khăn. Dưới sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, chung tay của cộng đồng, cuộc sống của họ đang ngày một tốt đẹp hơn. Dẫu nhỏ bé, nhưng những người anh em ấy có nhiều đóng góp quan trọng trong việc giữ gìn an ninh trật tự và bảo vệ Tổ quốc, dệt thêm gấm hoa cho bức tranh văn hoá đa sắc màu. 

Nhà văn Nguyễn Phú nhận xét: “Cuốn sách không chỉ là tác phẩm văn học - báo chí mà còn dung chứa những thông tin vô cùng hữu ích về dân tộc học, lịch sử, địa lý được diễn ngôn hết sức mềm mại, tinh tế bởi một tâm hồn nữ nhân thi ca, một tấm lòng với dân tộc, với đồng đội và đồng bào. Điều đặc biệt là sách chủ yếu viết về con người và không gian sinh tồn của các nhóm người nằm trong 16 dân tộc thiểu số rất ít người của nước ta như: Lô Lô, Cờ Lao, Pu Péo, Pà Thẻn, Cống, Chứt...”.

Dặm dài Tổ quốc đưa người đọc ‘ghé thăm’ một số miền đất mà không phải ai cũng có dịp đặt chân tới; lan tỏa niềm yêu thương, đồng cam chịu khổ với những người anh em cùng dòng máu Việt. Chúng ta sẽ trân quý hơn, thương đến tận cùng những con người đã và đang công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những chiến sĩ ngày đêm âm thầm bảo vệ biên cương. Đồng thời, là hồi chuông cảnh báo về thực trạng cuộc sống của những dân tộc anh em rất cần sự quan tâm, hỗ trợ và bảo tồn từ các ban ngành liên quan.

Phạm Vân Anh là nhà văn, nhà biên kịch, dịch giả; Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Chi hội phó Chi hội Nhà văn Quân đội, Phó Giám đốc Điện ảnh - Truyền hình Biên phòng (Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng, Bộ Quốc phòng), thành viên nhóm dịch giả nữ Hà Nội.

Chị có 12 tác phẩm văn học được ấn hành và nhận nhiều giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam cùng các tác phẩm báo chí được trao giải thưởng Báo chí quốc gia, Giải báo chí Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, Giải thưởng của Liên hoan Truyền hình toàn quốc. Phạm Vân Anh cũng là tác giả kịch bản và đồng đạo diễn loạt phim tài liệu lịch sử 30 tập Những trang sử biên thùy và phim tài liệu 16 tập Những người anh em trong lòng dân tộc

 Khánh Phương