Nằm về phía Đông Nam của tỉnh Đắk Nông, giáp ranh với các tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng, huyện Đắk GLong được đánh giá là một trong những huyện giàu tiềm năng và hội tụ đủ mọi yếu tố nằm trong định hướng phát triển 3 trụ cột kinh tế của tỉnh Đắk Nông: Công nghiệp khai khoáng, nông nghiệp và đặc biệt là du lịch.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Đắk Glong có các điểm di sản thuộc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông: Trang trại dê hữu cơ Duy Hùng (điểm số 2); Làng nghề đan lát của người M’nông (điểm số 3); Mỏ cao lanh (điểm số 4); Mỏ nguyên liệu nhôm (điểm số 5); Căn cứ địa Nâm Nung (điểm số 6); Tuyến đi bộ rừng tự nhiên (điểm số 7); Cây thần linh (điểm số 38); Trạm thủy điện (điểm số 39); Điểm cảnh quan hồ Tà Đùng (điểm số 40); Quán cà phê ngắm cảnh (điểm số 41); Miếu thần đá (điểm số 42); Cảnh quan thác nước granite (điểm số 43).

Đắk GLong còn lễ hội cồng chiêng của đồng bào dân tộc M’Nông và Mạ. Các buôn làng đồng bào dân tộc ít người với những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống độc đáo như lễ hội cồng chiêng, uống rượu cần, những bản sử thi truyền đời của đồng bào M’Nông,... 

Cùng với đó, Quốc lộ 28 chạy qua địa bàn huyện - tuyến đường huyết mạch nối Đăk GLong với trung tâm du lịch lớn cả nước - TP.Đà Lạt (Lâm Đồng), liên kết với TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận là điều kiện thuận lợi để hình thành các cụm, tour du lịch liên vùng: TP.Hồ Chí Minh - Đắk Nông - Lâm Đồng (Đà Lạt) - Bình Thuận, tạo nên hành trình du lịch hấp dẫn đối với du khách.

Đây là tiềm năng, lợi thế để huyện có thể phát triển du lịch. 

Mới đây, nhóm nghiên cứu của Khoa Kinh tế, Trường Đại học Tây Nguyên và Trung tâm Phát triển nông thôn Tây Nguyên đã dựa trên việc khảo sát 60 người dân địa phương và 40 khách du lịch tại địa bàn huyện Đắk Glong, nghiên cứu đã khái quát tiềm năng du lịch cộng đồng cũng như sự phát triển loại hình du lịch này tại huyện Đắk Glong.

W-hotadung.png
Hồ Tà Đùng hay còn gọi là hồ thủy điện Đồng Nai 3 là một hồ nhân tạo nằm trong Vườn quốc gia Tà Đùng thuộc huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông ,được bao quanh bởi 40 đảo lớn nhỏ và là nơi sinh sống của nhiều loài chim đặc hữu.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, huyện Đắk Glong có tiềm năng lớn để phát triển du lịch cộng đồng  đến từ tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn phong phú. Khách du lịch cộng đồng  của huyện Đắk Glong chủ yếu đến từ ngoài tỉnh Đắk Nông (chiếm 70,13%). Khách du lịch biết đến các điểm du lịch cộng đồng  tại huyện Đắk Glong chủ yếu thông qua kênh bạn bè, gia đình (chiếm đến 74,54%); kênh internet (chiếm 45,1%). Kết quả cũng cho thấy, cảnh quan thiên nhiên đẹp, đặc biệt là các thác nước hùng vỹ là một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp thu hút khách du lịch của các điểm du lịch cộng đồng hiện nay (chiếm 82,35% số người được khảo sát).

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 12, khóa XII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, đồng chí Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã nhấn mạnh, du lịch là một trong 3 trụ cột, thế mạnh của địa phương. Tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh rất lớn, nhưng chưa được đầu tư, khai thác.

Tỉnh yêu cầu các địa phương tiếp tục khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch của tỉnh theo hướng bền vững, chú trọng khai thác, phát triển du lịch mang tính đặc trưng riêng có của Đắk Nông, đặc biệt là các sản phẩm du lịch gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.

Để bảo tồn, gìn giữ những nét đẹp văn hóa với phát triển du lịch, nâng cao đời sống người dân, Đắk Glong ban hành Nghị quyết về “Phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn huyện Đắk Glong".

Hiện nay, huyện đang tập trung bảo tồn văn hóa các dân tộc: Mạ, M’nông, Mông và tiến hành tổ chức mở các lớp học tập, nghiên cứu, truyền dạy, tìm hiểu các giá trị về văn hóa, nghệ thuật dân tộc. Qua đó, góp phần bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ, hiểu biết cho hạt nhân văn nghệ của các câu lạc bộ và người dân”.

Nhóm PV