Đại Lịch là xã vùng ngoài của huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái có 7 thôn với 1.127 hộ và 4.585 nhân khẩu. Tỷ lệ đồng bào dân tộc chiếm trên 60%, trong đó chủ yếu là người Tày.

Năm 2016, xã Đại Lịch là địa phương đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới của huyện Văn Chấn. Đến nay, diện mạo của xã đã có nhiều đổi thay tích cực.

Đời sống và thu nhập chính của nhân dân là sản xuất nông, lâm nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người đạt 45,35 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 7,07%. 

Bên cạnh đó, hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục được quan tâm đầu tư, nâng cấp, xây dựng mới cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân.

anh chup man hinh 2023 12 11 luc 093958.png
Hiện tại, xã Đại Lịch đã cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao. 

Chị Nguyễn Thị Hải, một người dân ở xã Đại Lịch cho hay, trước đây con đường từ trục chính vào gia đình chỉ là đường đất nhỏ. Từ khi có chủ trương làm đường bê tông xây dựng nông thôn mới, được Nhà nước hỗ trợ xi măng, các hộ gia đình đã bàn nhau vay tiền đóng góp làm đường, có hộ đóng góp tới 40 – 50 triệu đồng. Đường bê tông đã làm xong nên gia đình chị và các hộ dân đi lại rất thuận tiện.

Sau 7 năm đạt chuẩn nông thôn mới, hiện xã Đại Lịch đang tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chí để hoàn thành xã nông thôn mới nâng cao.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ của chương trình, UBND, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, nâng cao ý thức trách nhiệm và vai trò của các chủ thể trong việc tham gia thực hiện xây dựng thôn nông thôn mới.

Xác định nông nghiệp là trọng tâm trong phát triển kinh tế, xã Đại Lịch đã tập trung thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp giai đoạn 2021 – 2025. Qua đó, tạo được bước chuyển dịch trong phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo thu nhập ổn định cho nhân dân.

Đến nay, kinh tế nông nghiệp trên địa bàn xã Đại Lịch phát triển toàn diện và có bước đột phá rõ nét trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa và sản phẩm chủ lực có giá trị, hiệu quả kinh tế.

UBND xã cũng luôn tạo điều kiện các hộ dân trên địa bàn đầu tư phát triển các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu của địa phương để làm động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động.

Ông Bùi Hữu Lợi, Chủ tịch UBND xã Đại Lịch cho biết, xây dựng nông thôn mới nâng cao là bước phát triển cao hơn so với nông thôn mới. Các tiêu chí cũng được yêu cầu phát triển theo chiều sâu, trọng tâm là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân lên một tầm cao mới. Bởi vậy, xã đã làm rõ những tiêu chí mới, chỉ tiêu mới trong các tiêu chí cũ để xác định khó khăn, nguyên nhân, cách làm, từ đó tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy nội lực và vai trò chủ thể của mình. 

Đồng thời, nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; tiếp tục phương châm "Dân làm, dân hưởng thụ, Nhà nước hỗ trợ”, tạo sự đồng thuận trong nhân dân và huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển địa phương.

Năm 2016, thu nhập bình quân đầu người đạt 22,3 triệu đồng/người/năm. Năm 2023 tăng lên 51,87 triệu đồng/người/năm. Kết quả rà soát đánh giá cuối năm 2022, tỷ lệ nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn xã còn 83/1.109 hộ nghèo và cận nghèo (chiếm 7,48%).

Với sự nỗ lực của Đảng ủy, chính quyền và người dân, đến thời điểm hiện tại, xã Đại Lịch đã cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao và đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ minh chứng để đề nghị được công nhận nông thôn mới nâng cao trong năm 2023.

Thanh Minh