Ngân hàng TMCP Nam Á Bank - NamABank (NAB) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2022 với lợi nhuân trước thuế tăng hơn 40% so với cùng kỳ lên 645 tỷ đồng. Với mức lãi quý I, NamABank đã hoàn thành 29% mục tiêu lợi nhuận 2.250 tỷ đồng đặt ra cho năm 2022.

Cũng như nhiều ngân hàng khác, NamABank ghi nhận tăng trưởng mạnh ở mảng dịch vụ, với lợi nhuận từ lĩnh vực này tăng gấp hơn 2 lần. Trong khi đó, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư của ngân hàng này ghi nhận sự tăng trưởng âm 64%.

Những tranh chấp tài sản, đấu đá nội bộ gia đình cố doanh nhân Tư Hường trong những năm trước đó đã khiến NamABank ghi nhận hoạt động sa sút và không thực hiện được nhiều kế hoạch đề ra trước đó.

NamABank là ngân hàng nhà á hậu Dương Trương Thiên Lý.

Năm 2020, NamABank của nhà cố doanh nhân Tư Hường đặt kế hoạch lợi nhuận đi lùi.  Trong năm 2019, NamABank ghi nhận nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ tăng mạnh.. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của ngân hàng tăng mạnh và vượt ngưỡng 2%.

Trong năm 2019, tình hình tại NamABank biến động về nhiều mặt, trong đó có nhân sự. Ông Nguyễn Quốc Toàn từ nhiệm và ông Trần Ngô Phúc Vũ được uỷ quyền điều hành HĐQT ngân hàng Nam Á. 

Cùng thời gian này, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án xuất phát từ tố cáo của ông Nguyễn Chấn (chồng của nữ doanh nhân quá cố Tư Hường) và một số cá nhân khác đối với chính con trai của mình là ông Nguyễn Quốc Toàn.

Trong nhiều năm, quy mô NamABank gần như dậm chân tại chỗ trong khi hàng loạt các ngân hàng khác đã có những bước tăng vốn mạnh mẽ . Bên cạnh đó, vấn đề nhức nhối khác tại NamABank trong nhiều năm và gần đây được đẩy mạnh xử lý  là tình trạng sở hữu chéo của nhóm cổ đông NamABank và Eximbank (EIB).

Trong báo cáo 2015, gia đình bà Tư Hường vẫn nắm cổ phiếu chi phối, lên tới khoảng 24% cổ phần NamABank. Tuy nhiên, đó cũng là năm cuối cùng báo cáo quản trị chi tiết về tỷ lệ nắm giữ của các cổ đông nội bộ cũng như cổ đông lớn của NamABank được công bố công khai trên trang web.

Hiện ông Nguyễn Quốc Toàn là chủ tịch NamABank.  Ông Toàn nắm 2,59% cổ phần NAB. Trong khi đó, Công ty TNHH Rồng Thái Bình Dương là cổ đông lớn nhất với 7,33%. Rồng Thái Bình Dương là một doanh nghiệp của ông gia đình ông Nguyễn Quốc Toàn (con trai cả cố doanh nhân Tư Hường và là chồng Á hậu Dương Trương Thiên Lý).

Trong quý I, nhiều ngân hàng báo lãi lớn.

Ngân hàng SHB ước đạt 3.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 92% so với cùng kỳ, nhờ tăng trưởng tín dụng 5% so với đầu năm, và tăng trưởng tiền gửi 2,5% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,5% trong khi NIM ước tính ổn định...

Techcombank của ông Hồ Hùng Anh ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 6.800 tỷ đồng trong quý I/2022, tăng trưởng 23% so với cùng kỳ năm trước; tổng thu nhập hoạt động đạt 10.100 tỷ đồng, tăng 13,2%.

Ngân hàng ACB ghi nhận lợi nhuận quý I tăng 33% so với cùng kỳ lên hơn 4,1 nghìn tỷ đồng. MBBank (MBB) cũng tăng trưởng 29% lên hơn 5,9 nghìn tỷ đồng. VPBank thậm chí ghi nhận lợi nhuận tăng 178% lên hơn 11,1 nghìn tỷ đồng. LienVietPostBank tăng 61% lên 1.795 tỷ đồng.

Xu hướng giằng co

Theo YSVN, xu hướng ngắn hạn duy trì ở mức giảm. Thị trường có thể tiếp tục biến động hẹp với khối lượng giao dịch vẫn ở mức thấp. Mức kháng cự gần nhất của VN-Index là 1.370 điểm, nếu chỉ số vượt hoàn toàn được mức kháng cự này với khối lượng giao dịch tăng mạnh thì xu hướng ngắn hạn có thể sẽ tích cực hơn, còn không thì chỉ số sẽ tiếp tục đi ngang với biên độ hẹp và thanh khoản thấp. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý tăng mạnh cho thấy cơ hội ngắn hạn dần gia tăng và tâm lý đã bớt bi quan hơn so với các phiên giao dịch trước.

Theo VDSC, VN-Index sẽ giằng co trong biên độ hẹp 1.345 – 1.355 điểm. Theo công ty này, dường như đứng trước kỳ nghĩ lễ kéo dài và tâm lý chờ động thái mới từ nhóm nhà đầu tư tham gia bắt đáy trong phiên ngày 26/4 đã khiến cho nhịp độ giao dịch trở nên thận trọng hơn. Vì vậy thanh khoản cũng giảm đi đáng kể so với mức trung bình 20 phiên. Bên cạnh đó, áp lực tại cản ngắn hạn 1.355 điểm của VN-Index đang gia tăng nhẹ vào cuối phiên 28/4, dự kiến tiếp tục gây khó khăn cho diễn biến hồi phục trong phiên cuối tuần. Khả năng, VN-Index tiếp tục giằng co trong biên độ hẹp 1.345 – 1.355 điểm trước khi hồi phục về vùng mục tiêu 1.390 +/- 10 điểm.

Chốt phiên 28/4, chỉ số VN-Index giảm 2,78 điểm xuống 1.350,99 điểm. HNX-Index tăng 3,11 điểm lên 360,2 điểm. Upcom-Index tăng 1,32 điểm lên 102,69 điểm. Thanh khoản đạt 15,4 nghìn tỷ đồng, trong đó có 13,3 nghìn tỷ đồng trên sàn HOSE.

V. Hà

Tài khoản chứng khoán lỗ nặng, nhà đầu tư nên

Tài khoản chứng khoán lỗ nặng, nhà đầu tư nên "cắt máu" hay đổ thêm tiền?

Chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hồng Điệp cho rằng một phiên tăng mạnh chưa thể khẳng định xu hướng của thị trường chứng khoán, nhà đầu tư vì vậy không nên vội vàng hành động.